10/04/2011 07:08 GMT+7

Huyền sử thiên đô ra mắt

H.LÊ
H.LÊ

TT - Thời điểm ra mắt đã lùi xa đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, sau một thời gian chờ đợi Huyền sử thiên đô sẽ chính thức lên sóng ngày 21-4 vào đúng giờ vàng phim Việt 21g trên VTV3.

T17QavtM.jpgPhóng to
Đạo diễn Đặng Tất Bình (phải) tại trường quay - Ảnh: đoàn làm phim cung cấp

Phát sóng 20 tập đầu tiên

Chiều 8-4 tại TP.HCM, bộ phim Huyền sử thiên đô ra mắt giới báo chí trước khi lên sóng kênh VTV3 lúc 21g10 thứ năm và thứ sáu hằng tuần, bắt đầu từ ngày 21-4, sau hai năm chuẩn bị và chín tháng nỗ lực thực hiện các cảnh quay tại nhiều địa điểm. Với những gì thể hiện trong tập 1 của bộ phim được chiếu trong buổi ra mắt, hi vọng Huyền sử thiên đô là bộ phim được khán giả đón nhận bởi lời thoại sắc sảo, cảnh quay đẹp, võ thuật hấp dẫn và dàn diễn viên hùng hậu...

Được thực hiện nhằm chào mừng 1.000 Thăng Long - Hà Nội, Huyền sử thiên đô, bộ phim kể về sự ra đời của vương triều Lý, do Công ty cổ phần Sao Thế Giới đầu tư sản xuất, Hãng Phim truyện 1 thực hiện. Trước mắt, bộ phim sẽ được phát sóng 20 tập đầu tiên trong tổng số 42 tập phim đã hoàn tất. 30 tập phim còn lại đang lên kế hoạch sản xuất.

Ðạo diễn - NSƯT Ðặng Tất Bình chia sẻ: "Nói cho thật chính xác, phim Huyền sử thiên đô không hề có ý định trình bày tiểu sử của vua Lý Thái Tổ bởi lẽ từ cảnh đầu của phim cho tới cảnh cuối cùng, vị anh hùng dân tộc của chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở tên gọi Lý Công Uẩn chứ chưa lên ngôi. Ðiều bộ phim muốn nhằm tới là cố gắng miêu tả lại quá trình hình thành và nung nấu ý tưởng thiên đô trong tâm khảm người anh hùng họ Lý và những điều phi thường con người đó đã làm, đã vượt qua để đạt được mục đích cho dù nhiều lần mạng sống bị đe dọa bởi những thế lực thủ cựu".

* Thưa đạo diễn, ông đã phải cân nhắc điều gì khi lựa ra dàn diễn viên đóng bộ phim lịch sử cổ trang này?

- Tôi và đồng đạo diễn Phạm Thanh Phong phải cân nhắc tới nhiều yếu tố: diễn viên phải có khả năng diễn xuất tốt, phù hợp với nhân vật sẽ thể hiện cả về ngoại hình cũng như thần thái, phải đẹp và điều rất quan trọng là có tình cảm với bộ phim, với nhân vật, toàn tâm toàn ý với công việc. Cuối cùng người diễn viên đó đừng khiến đạo diễn phải thay giữa chừng vì những xìcăngđan rất lãng xẹt! Mong muốn là như vậy, còn trong phim, dàn diễn viên của chúng tôi có đạt được những điều nói trên thì tùy khán giả phán xét!

* Theo quan sát của ông, các diễn viên của ta đã bắt đầu quen đóng phim lịch sử chưa, từ dáng đi, cử chỉ, cách diễn trong phục trang cổ?

- Tôi khẳng định họ hoàn toàn có khả năng đóng phim lịch sử. Dĩ nhiên, những ngày đầu tiên có đôi chút lúng túng mặc dù đã được tập luyện trước khi bấm máy. Nhưng khoảng thời gian này diễn ra rất nhanh. Chỉ sau khi bấm máy vài tuần, đôi khi tôi thấy các nghệ sĩ đang đối thoại với chúng tôi gần như trong một không khí cổ xưa, với những ngôn từ cũng có đôi chút khác thường. Giá như số lượng phim lịch sử của chúng ta hằng năm được sản xuất với số lượng chỉ bằng vài ba phần trăm số lượng phim truyền hình đang sản xuất hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ có một đội ngũ những người làm phim và đóng phim lịch sử hùng hậu, đáng tin cậy.

* Ðể đối phó với tình hình làm phim lịch sử khó khăn, có hay không việc đoàn phim đã phải "trao đổi" bối cảnh, phục trang giữa hai phim do ông làm đạo diễn là Thái sư Trần Thủ Ðộ Huyền sử thiên đô?

- Nếu theo dõi qua thống kê, người xem sẽ thấy số lượng bối cảnh trong phim Huyền sử thiên đô khá dồi dào, hơn 70 cụm bối cảnh cả nội và ngoại. Phần nội cảnh, ngoài những cảnh trí lớn được dựng ở trường quay Cổ Loa, một số nội cảnh còn lại được dựng ở nhiều nơi khác như Văn Miếu Mao Ðiền - Hải Dương, đình Ðông Ngạc - Hà Nội, Mai Châu - Hòa Bình... Phần ngoại cảnh được quay trên địa bàn của tám tỉnh thành, xa nhất về phía Bắc là Sơn La, về phía Nam là Huế. Nếu có điều kiện hoàn thành những tập còn lại, bối cảnh quay trên địa bàn phía Nam sẽ kéo dài tới vùng Phan Rang - Phan Thiết... Về phục trang cho Huyền sử thiên đô, họa sĩ Nguyễn Ðức Hòa đã sáng tạo nhiều mẫu mã phục trang mà theo chủ quan tôi cho rằng khá phù hợp với không khí, tính lịch sử của bộ phim.

Việc sử dụng lẫn lộn bối cảnh, phục trang, đạo cụ giữa hai phim là điều có xảy ra nhưng cũng đã được cân nhắc hết sức cẩn trọng, bởi lẽ dù gì thì thời điểm lịch sử của hai phim cũng khác nhau. Không thể bê nguyên cái này dùng cho cái kia. Có dùng cũng phải cải tạo, chỉnh sửa rất công phu. Hiện một số bối cảnh chính cho cả hai phim vẫn đang được cố gắng duy trì bảo quản, tuy nhiên nếu không có phim làm tiếp để có kinh phí gia cố thì sau mùa mưa này chẳng ai nói trước được điều gì cả!

Từ những bi kịch trong hoàng tộc

pAzT6ZL9.jpgPhóng to

Trung Dũng (giữa) trong vai Lê Long Đĩnh

Một nghìn năm trước, ý tưởng dời đô đối với một vương triều bảo thủ cũng ngang với động đất, sóng thần. Khi làm phim Huyền sử thiênđô phải làm sao minh chứng được điều đó nên các kênh nhân vật phải đa dạng, phong phú, đều phải được đan cài, xoắn chặt, phát triển trong quá trình hình thành và thực hiện thành công tư tưởng dời đô của Lý Công Uẩn. Đó là hành trình thai nghén, không thể không thấm đẫm máu và nước mắt.

Chính sử có ghi chép, cuộc tranh giành quyền lực ở giai đoạn cuối triều tiền Lê dẫn đến kết cục Lê Long Đĩnh giết người anh cùng mẹ là Lê Long Việt vừa lên ngôi ba ngày. Công chúa Cúc Phương khóc anh Long Việt, mặc dù từ nhỏ ba anh em cùng mẹ (Phụng Càn hoàng hậu) rất yêu thương nhau, Long Đĩnh cũng giết luôn em gái. Lý Công Uẩn cũng khóc nhưng Long Đĩnh không giết, sau đó còn trọng dụng ông, chứng tỏ Long Đĩnh rất quyết liệt, tàn bạo nhưng lại biết nhìn người, trọng người tài. Chỉ riêng bi kịch này đã khơi gợi trong tôi nhiều suy nghĩ để quyết định xây dựng kịch bản theo hướng luận chứng trên nền Chiếu dời đô, mở rộng cánh cửa sáng tạo với những bi kịch trong hoàng tộc, trong triều, ngoài xã hội để tăng tính hấp dẫn.

H.LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên