27/03/2011 08:14 GMT+7

10 năm hát Trịnh

ÐỖ TRUNG QUÂN
ÐỖ TRUNG QUÂN

TT - Sau 10 năm khuất bóng, Trịnh Công Sơn vẫn còn là hiện tượng. Ca khúc của ông vẫn vang lên ở mọi nơi, quán cà phê bình dân hay sang trọng, trên sân khấu hoành tráng hay ngoài vỉa hè đơn giản với cây guitar... Ðã có bao nhiêu ca sĩ hát tác phẩm của ông? Ai hát nhạc Trịnh cũng là mối quan tâm của người nghe Trịnh...

u2a40xqv.jpgPhóng to
Ca sĩ Cẩm Vân

Trịnh Công Sơn là hiện tượng đặc biệt. Khi mất đi ông còn nổi tiếng hơn cả lúc sống. Dòng nhạc của ông chưa từng gián đoạn. Các thế hệ ca sĩ cứ tiếp nối nhau trình diễn. Sinh thời, ông cũng là người có khuynh hướng cởi mở, luôn khuyến khích những cách thể hiện mới cho âm nhạc của mình.

jCHLq7Hk.jpgPhóng to 1zQfctpS.jpg hGZ0dVhY.jpg
Ca sĩ Hồng Nhung Ca sĩ Quang Dũng Ca sĩ Ánh Tuyết
g3agkXCV.jpgPhóng to 3WRfex87.jpg AwcEglFB.jpg
Ca sĩ Thanh Lam Ca sĩ Đức Tuấn Ca sĩ Nguyên Thảo Ảnh: T.T.D.

Những người hát nhạc Trịnh

Hồng Nhung, cô ca sĩ Hà Nội xuất hiện bên cạnh Trịnh Công Sơn những năm 1990, mang đến một dấu ấn khác lạ trong cách trình bày ca khúc của ông. Mạnh mẽ hơn, nồng nàn hơn, Hồng Nhung có nhạc cảm sâu với dòng âm nhạc này dù càng về sau nhiều khán giả nhận thấy cô bỗng thiên về biểu diễn, sử dụng thủ pháp múa và sân khấu nhiều hơn khi hát Trịnh Công Sơn.

Với cá tính bùng nổ trong nhạc nhẹ, Thanh Lam có khuynh hướng phá cách, thể nghiệm trong nghệ thuật của mình nhưng cô lại không thành công với dòng nhạc Trịnh - dòng âm nhạc mà bao nhiêu thập niên vốn chinh phục người nghe bằng sự giản dị, hát như thở, hát như một lời tự sự sâu lắng hơn là nỗi buồn đau, khắc khoải bên ngoài.

Ðàm Vĩnh Hưng cũng tương tự. Giọng hát bạo liệt và cách luyến láy của riêng anh thường thành công ở dòng nhạc khác, nhưng đôi khi làm “biến dạng” tiết điệu quen thuộc của nhạc Trịnh. Ở khía cạnh sáng tạo, người nghệ sĩ nào cũng mong muốn mang đến những màu sắc mới, mọi nỗ lực cá nhân của họ đều đáng được trân trọng. Thành công hay không là chuyện khác.

Cẩm Vân, Hồng Hạnh thuộc về dòng ca sĩ trình bày nhạc Trịnh không phá cách. Sự thu hút của họ nằm ở sự điêu luyện và chất giọng riêng của mình.

Phương Thanh hầu như không hát nhạc Trịnh, nhưng cô hoàn toàn có khả năng gây ngạc nhiên với dòng nhạc này như trong một lần trình diễn tại đêm tưởng niệm Trịnh Công Sơn ở Bình Quới (TP.HCM) năm 2006. Cô khiến khán giả phải vỗ tay nồng nhiệt khi cất lên ca khúc Tuổi đá buồn.

Ánh Tuyết, người thành công với dòng âm nhạc của Văn Cao và tiền chiến, cũng đã mạnh dạn tổ chức những chương trình nhạc Trịnh. Giọng nữ cao vút của Ánh Tuyết bỗng mang lại sắc thái mới cho ca khúc Trịnh Công Sơn, dù nhiều khán giả cho rằng cô vẫn thành công nhất với âm nhạc của Văn Cao.

Quang Dũng, Ðức Tuấn, Xuân Phú, Nguyên Thảo... đều là những giọng hát đẹp trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn dù không phải ở chương trình nào họ cũng thể hiện hoàn hảo.

Có ai muốn vượt “vũ môn”?

Thật khó để kể hết tên nhiều thế hệ ca sĩ trẻ cứ tiếp nối nhau tìm đến ca khúc Trịnh Công Sơn như một lựa chọn để thử thách chính mình. Hiền Thục cũng mạnh dạn ra mắt album thứ hai về nhạc Trịnh, cô tự nhận xét rằng sau những trải nghiệm riêng của cuộc đời, cô tin mình đã đủ trưởng thành để thể hiện ca khúc của ông.

Phương Vy Idol có lẽ là đại biểu trẻ gần nhất. Người nghe chờ đợi ở cô những gì mới mẻ cho một dòng nhạc đã trở nên đại chúng và quen thuộc này.

Tại Bình Quới, những năm gần đây thường tổ chức cuộc thi dành cho khán giả hâm mộ nhạc Trịnh.Tưởng rằng chỉ là cuộc chơi phong trào vui là chính nhưng kết quả lại không “phong trào”.

Từ những cuộc thi này, cô gái vô danh Thủy Tiên bỗng vụt trở thành hiện tượng đối với không chỉ khán giả Bình Quới, cô là đại biểu cho “trường phái” giữ thuần chất ca khúc của Trịnh Công Sơn. Không phá cách, không làm mới, Thủy Tiên chiếm cảm tình của người nghe bằng sự rung động chân thật, cảm thụ sâu âm nhạc của ông.

Âm nhạc và ẩm thực là hai lĩnh vực tưởng chừng hoàn toàn khác bỗng có một điểm chung rất gần nhau. Nó dễ khiến ta thành kẻ bảo thủ. Quen nghe loại nhạc gì, quen ăn món ăn gì sẽ khó lòng nghe và thưởng thức món ăn khác với khẩu vị quen thuộc của mình.

Ca khúc Trịnh Công Sơn được cho là dễ hát. Ai cũng có thể hát, ai cũng có thể hát hay và ai cũng có thể hát... không hay. Những ca khúc tưởng cũ nhưng lại luôn đòi hỏi phải thể hiện mới, chí ít phải khác đi. Vấn đề thoạt nghe rất nghịch lý, nhưng thực tế lại có lý. Nó mặc nhiên trở thành thách thức cho mọi ca sĩ. Khi thể nghiệm một dòng nhạc nào đó thất bại người ta có khuynh hướng quay về với cách trình bày xưa cũ, nhưng trở lại xưa cũ thì... chán lắm.

Và khán giả, đám đông triệu người, triệu ý luôn có những đòi hỏi khe khắt cho thói quen nghe nhạc của mình. Nếu thật sự là người không hời hợt với sự nghiệp ca hát của mình, đấy chính là “vũ môn” luôn phải tìm cách vượt qua với mọi ca sĩ.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: có người hay nhất, có người hay nhì

Tôi thích nghe Hồng Nhung và Mỹ Linh hát nhạc Trịnh, có lẽ thế hệ của tôi đồng cảm và góc nhìn về nhạc Trịnh gần nhau hơn. Nhưng nhiều lúc tôi thấy cô Cẩm Vân hát nhạc Trịnh rất cảm xúc bởi sự chân thành. Rồi lại bắt gặp một vài tiết mục của các ca sĩ khác hát nhạc Trịnh cũng hay và xúc cảm đến bất ngờ.

Và tôi lại thấy nhiều người khác thích những ca sĩ khác hát nhạc Trịnh mà không giống như tôi thích.

Tôi từng nghe nhạc Trịnh ở nhiều môi trường khác nhau, từ bàn nhậu, quán cà phê đến nhà hát, sân khấu sinh viên, đến những người ăn xin hát dạo.

Với tôi, thế mạnh nhạc Trịnh Công Sơn là sự tìm đồng cảm giữa người hát và người nghe hơn là loại âm nhạc mà người ta trước khi hát quan niệm là mình phải biểu diễn nó như thế nào và người nghe tìm một chân lý như thế nào mới là Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn đủ nhiều tác phẩm, đủ sâu cảm xúc và đủ ngữ nghĩa rộng để trúng mọi đối tượng, giai cấp, thân phận và khơi dậy được cảm xúc, cảm nhận của mỗi con người tùy mỗi hoàn cảnh, mỗi tâm tư.

Chính điều đó, tôi nghĩ người hát nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất đó là mỗi một người yêu quý nhạc Trịnh khi xúc cảm họ hát lên cho chính họ nghe. Và người hát hay nhì đó là ca sĩ khi họ hát bài hát của Trịnh Công Sơn bằng cảm xúc, cảm

nhận riêng, họ hát như cho chính mình chứ không phải đang biểu diễn (người nghe nếu có cùng một góc cảm xúc và thẩm mỹ chung với ca sĩ thì họ sẽ yêu quý bài hát đó với ca sĩ đó).

(Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang thực hiện chương trình “10 năm nhớ Trịnh Công Sơn” - chương trình miễn phí dành cho sinh viên: ngày 27-3 tại Hà Nội, 30-3 tại Huế và 7-4 tại TP.HCM)

________________

Nhạc Trịnh dễ hát nhưng không dễ hát hay và hát hay chưa chắc đã đủ. Những ca sĩ tinh tế, kinh nghiệm và hát giọng không quá kỹ thuật sẽ dễ thành công hơn.

Trừ những giọng ca vang bóng một thời thì lựa chọn hàng đầu với tôi hiện nay vẫn là Hồng Nhung, Mỹ Linh, Quang Dũng, Đức Tuấn. Nguyên Thảo là một phát hiện và là giọng ca thật sự có giá trị trong cách thể hiện nhạc Trịnh bởi cách hiểu và xử lý bài.

Giới trẻ hơn tôi chưa thấy có ai đủ tầm thật sự. Nhạc Trịnh không cần cách tân vì nó luôn giản dị. Sự sâu lắng và triết lý không đồng nghĩa với phá cách và kỹ thuật. Hát nhạc Trịnh cần nhất là rõ lời và chính xác từng từ, sau đó là cách thức dẫn dắt người nghe đi vào thế giới cảm xúc của bài hát.

(Đạo diễn Phạm Hoàng Nam từng thực hiện nhiều chương trình lớn về nhạc Trịnh Công Sơn: Như một lời chia tay, Đêm thần thoại, Như cánh vạc bay, Rơi lệ ru người, Bóng núi)

ÐỖ TRUNG QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên