![]() |
Đạo diễn Trịnh Lê Văn - Ảnh: Thuận Thắng |
Đó là những bí mật nhỏ được đạo diễn Trịnh Lê Văn - phó chủ tịch Hội Điện ảnh VN, trưởng ban văn nghệ Đài truyền hình VN, đạo diễn chương trình - chia sẻ với PV Tuổi Trẻ trước ngày diễn ra lễ trao giải.
* Khi nhận lời làm đạo diễn lễ trao giải Cánh diều, anh sẽ nghĩ mình đứng ở phía “người làm điện ảnh” hay “người làm truyền hình” để ưu tiên cho phần điện ảnh hay phần truyền hình (trực tiếp) của buổi lễ này?
- Về bản chất, lễ trao giải là hoạt động thường niên của Hội Điện ảnh. Qua đó, mỗi người có cái nhìn tổng quát về đời sống điện ảnh trong năm, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của các nghệ sĩ.
Lễ trao giải không phải là một bộ phim và cũng không phải một chương trình truyền hình. Việc phát sóng trực tiếp là để đáp ứng sự quan tâm của khán giả yêu nghệ thuật điện ảnh.
Tôi không đủ thời gian và điều kiện cần thiết để nghĩ xem mình sẽ ưu tiên cho phần này hay phần kia. Tôi chỉ mong một lễ trao giải có sự trang trọng cần thiết.
* Thường thấy trong các buổi lễ trao giải là dường như nghệ sĩ VN còn chưa quen với cách đi đứng, thể hiện phong thái chuyên nghiệp trước ống kính, trên thảm đỏ... Anh nghĩ có cách nào khắc phục được ít nhiều nhược điểm đó?
- Theo cá nhân tôi, những nhược điểm nho nhỏ đó sẽ tự nhiên biến mất khi phim và những người làm phim VN thường xuyên có mặt, đoạt các giải thưởng cao tại các liên hoan phim quốc tế.
* Từ một giải thưởng thường niên, tổ chức ấm cúng mang tính nội bộ của Hội Điện ảnh... mấy năm gần đây đã thành giải Cánh diều. Theo anh, sự thay đổi này có ý nghĩa gì?
- Theo tôi là tốt hơn. Điện ảnh là loại hình hội tụ rất nhiều yếu tố nghệ thuật khác nhau, nên một giải nội bộ như trước đây không phản ánh và ghi nhận hết những thành quả lao động của nghệ sĩ ở những lĩnh vực khác nhau cùng chung tay làm nên một tác phẩm điện ảnh. Nhất là khi có một bộ phim thành công thì người làm phim nào cũng sẽ rất vui khi mình được ghi nhận.
Còn về giải thưởng cái gì chưa tốt thì phải điều chỉnh cho tốt hơn mà thôi.
* Khán giả nên và có thể chờ đợi điều gì cho đêm trực tiếp lễ trao giải năm nay?
- Ai muốn nhìn thấy gương mặt các nghệ sĩ điện ảnh VN mà họ yêu mến như NSND Lê Khanh, NSND Như Quỳnh, NSND Đặng Nhật Minh, NSƯT Nguyễn Chánh Tín, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn... sẽ toại nguyện.
Tuy nhiên nếu chờ đợi những màn biểu diễn ca nhạc hoành tráng, dàn dựng công phu với đèn màu và khói nặng thì lễ trao giải này khó đáp ứng được.
Phải chi truyền hình “du di” Có thể nói làm đạo diễn chương trình trao giải vất vả hơn làm một show biểu diễn rất nhiều, vì liên quan nhiều thứ mà đạo diễn không thể kiểm soát được thời gian, có lúc kể cả nội dung. Trong lễ trao giải Cánh diều 2009, dù tôi đã dặn dò và tập tành rất kỹ, nhưng nhiều đại biểu trao giải đều quên, khi lên sân khấu cứ nói tràn lan bất kể giờ giấc. Khổ nỗi đó là những “cây đa cây đề”, là bậc thầy và đàn anh, mình là đạo diễn làm sao dám nói. Đành bấm bụng chờ và tìm cách cắt bớt những phần văn nghệ để đủ trong khung phát sóng trực tiếp của truyền hình - một “cửa ải” khá khó khăn khi phải dung hòa giữa nội dung và thời lượng. Do phải trao nhiều giải thưởng cho nhiều thể loại trong khi thời gian chỉ dưới 100 phút, nên cho ai “được nói” và nói bao lâu là điều phải cân nhắc rất chi li. Không lẽ với các nghệ sĩ được giải, sau một năm lao động vất vả, trong giờ phút vinh quang mà không được nói gì? Nhưng nếu ai được giải cũng nói thì làm sao đủ giờ? Còn văn nghệ không lẽ suốt chương trình không có, chỉ nói và nói? Đó là những câu hỏi “triền miên” trong đầu tôi khi nhận làm đạo diễn những chương trình lễ phát giải, không riêng gì Cánh diều. Có lúc tôi tự hỏi phải chi “ông bạn truyền hình” đừng quá cứng nhắc, đừng định sẵn một cái khung vô cảm như vậy mà “du di” giờ giấc một chút theo từng chương trình trao giải cụ thể, có lẽ những người thực hiện sẽ dễ thở hơn. Và chương trình có lẽ sẽ đầy đặn hơn, sâu sắc hơn chứ không phải “mau mau cho kịp giờ” như hiện tại. Đạo diễn ĐINH ANH DŨNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận