TT - Ngày 22-1, trong lễ đón bằng công nhận lễ hội Gióng tại đền Phù Ðổng và đền Sóc là di sản phi vật thể đại diện nhân loại của UNESCO, màn trình diễn của ông hiệu cờ xã Phù Ðổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) khiến một số nhà nghiên cứu văn hóa giật mình.
Phóng to |
Theo các ông hiệu cờ xã Phù Ðổng, ông hiệu cờ (xem bài "Người thay Thánh Gióng ra trận", Tuổi Trẻ ngày 3-1) đánh ba ván cờ thuận trước, ba ván cờ nghịch sau, "đó là truyền thống do các cụ xưa để lại". Chi tiết này trái ngược hoàn toàn với những nghiên cứu và ghi chép của nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên khi quan sát hội Gióng năm 1937 và 1938: ba ván cờ nghịch trước, ba ván cờ thuận sau. Vậy sử liệu sai hay ký ức cộng đồng không nguyên vẹn, và hồ sơ hội Gióng trình UNESCO thế giới đã đồng thuận với chi tiết nào?
Unesco công nhận chi tiết nào?
Trong hồ sơ hội Gióng trình Unesco là di sản đại diện nhân loại, những người viết hồ sơ đã lấy lại các tư liệu của nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên ghi chép từ năm 1938. Có nghĩa là trong trận đầu ở Ðống Ðàm, ông hiệu cờ - người thay Thánh Gióng ra trận - sẽ đánh ba ván cờ nghịch trước (phất cờ ngược kim đồng hồ) và đánh ba ván cờ thuận sau ở Soi Bia (phất cờ thuận kim đồng hồ). Nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên đã đánh giá chi tiết thuận - nghịch này thể hiện bản chất triết lý quan trọng của hội Gióng.
Ðiều trớ trêu là trong lễ đón bằng công nhận của Unesco, những ông hiệu cờ xã Phù Ðổng vẫn đánh cờ theo tập quán mấy chục năm nay của mình, ngược với chi tiết ghi trong hồ sơ trình Unesco mà không hề biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 23-1, ông Ðinh Minh Tỉnh - phó ban quản lý di tích đền Phù Ðổng - cho biết việc ông hiệu cờ đánh ván thuận trước và ván nghịch sau đã được các ông hiệu cờ thực hiện từ năm 1982 - thời gian lễ hội Gióng bắt đầu phục hồi sau hàng chục năm tạm dừng vì chiến tranh. Theo ông Tỉnh, cộng đồng nơi tổ chức lễ hội Thánh Gióng cũng không hề biết đến những ghi chép của nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên cách đây gần một thế kỷ. Cũng theo lời ông Tỉnh, PGS.TS Nguyễn Chí Bền (viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN) đã nhiều lần về làm việc với Ban quản lý di tích đền Phù Ðổng trong quá trình lập hồ sơ hội Gióng nhưng cộng đồng cũng không được thông tin về chi tiết trái ngược này trong hồ sơ.
Ông hiệu cờ Nguyễn Văn Hiền - người từng làm hiệu cờ từ năm 1987 - cho biết: vẫn đánh ba ván thuận trước, ba ván nghịch sau theo lối cũ các cụ kể lại và không hề biết là trong hồ sơ về hội Gióng của xã mình, chi tiết đánh cờ này lại hoàn toàn trái ngược. Như vậy, thực tế lễ hội hàng chục năm nay của người dân đã không được phản ánh chính xác trong bộ hồ sơ gửi lên Unesco thế giới.
Lịch sử đã cuốn theo nhiều thứ
"Có một thời kỳ đứt gãy văn hóa và những yếu tố lịch sử đã làm thay đổi nhiều phong tục của Việt Nam mà trong đó chi tiết ván cờ thuận - nghịch hội Gióng là một ví dụ. Thời kỳ chiến tranh và không được tổ chức hàng chục năm đã khiến người dân mất ý thức về triết lý thuận nghịch", nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - GS.TS Ngô Ðức Thịnh lý giải về sự khác biệt trong ghi chép năm 1938 của nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên và thực tiễn hội Gióng ngày nay.
Hội Gióng cũng như nhiều phong tục và lễ hội dân gian khác đã bị cuốn vào vòng xoáy của lịch sử. Những năm chiến tranh, hàng chục năm hội Gióng không được tổ chức, cuốn sổ ghi chép lễ hội được lưu truyền từ hàng trăm năm trước cũng bị đốt. Sau chiến tranh, những lễ hội Gióng được khôi phục chủ yếu dựa vào ký ức của những người từng tham gia lễ hội, mà chủ yếu là ký ức của các ông hiệu cờ.
"Việc các phong tục thay đổi là một điều hết sức phổ biến. Trong quá trình nghiên cứu tôi còn phát hiện có những phong tục thay đổi và sau này ý nghĩa của nó đối nghịch lại với thời kỳ đầu tiên", GS Ngô Ðức Thịnh cho biết.
Tỏ ra khá sốt ruột về sự sai lệch của lễ hội thực tế so với sử liệu, PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) đề nghị: "Có thể khi phục hồi hội Gióng người ta thiếu thông tin. Những người làm công tác di sản cần cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng để hiểu về triết lý của mỗi trận đánh, mỗi kiểu phất cờ. Cái chính là cộng đồng quyết định và thực hành".
Cùng nhận định với PGS.TS Nguyễn Văn Huy, bà Lê Thị Minh Lý (cục phó Cục Di sản - Bộ VH-TT-DL) cho rằng cần phải thỏa thuận lại với cộng đồng để họ tự lựa chọn. Tuy nhiên, bà Lý cũng đề nghị cần trao đổi lại với Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam vì "đây là cơ quan viết hồ sơ, đồng thời sẽ trực tiếp cộng tác với TP Hà Nội trong các vấn đề liên quan đến hội Gióng".
Theo bà Lê Thị Minh Lý (cục phó Cục Di sản - Bộ VH-TT-DL), cuốn sổ ghi chép rõ về cách thức đánh cờ thuận nghịch (trái ngược với hồ sơ hội Gióng trình Unesco) ở đền Phù Đổng đã được Cục Di sản gửi đến Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam - đơn vị chịu trách nhiệm viết hồ sơ hội Gióng - cách đây nửa tháng để giải quyết nhưng chưa thấy phản hồi. Ngày 23-1, Tuổi Trẻ cũng đã cố liên hệ với PGS.TS Nguyễn Chí Bền (viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) nhưng không được. Vì vậy, đến thời điểm hiện nay, câu hỏi vì sao việc những người chấp bút viết hồ sơ đã viết như trên... vẫn chưa có câu trả lời.
|
HÀ HƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận