Phóng to |
Nghệ sĩ Ái Như (vai Mộng Hoài - trái) và NSƯT Thành Hội trong vở Ngôi nhà thiếu đàn bà - Ảnh: Gia Tiến |
Lễ trao giải Cù nèo vàng 2010: Nhiều tiết mục mới lạ
Câu chuyện về một ngôi nhà mà những người phụ nữ ở đó đã đi về thế giới bên kia, để lại những người đàn ông ngày đêm nhớ thương, tuyệt vọng, tiếc nuối rõ ràng là một bi kịch. Không gian lạnh lẽo, u ám với những hồn ma và những vật dụng đầy hoài niệm cũng rõ ràng là nơi của những nỗi đau về sự chia ly, cách biệt. Khó mà hình dung sẽ có được tiếng cười nào trong vở diễn Ngôi nhà thiếu đàn bà. Tuy nhiên khi nhà ngoại cảm Mộng Hoài (Ái Như) xuất hiện, dù bi kịch vẫn là bi kịch nhưng khán giả cười rần rần.
* Ðạo diễn Lê Quý Dương: "Ðây là lần đầu tiên tôi làm đạo diễn lễ trao giải Cù nèo vàng, thật lòng thấy rất thú vị. Năm nay tôi muốn hướng đến một không gian Cù nèo vàng thật gần gũi nhưng cũng mang nhiều ý nghĩa. Tiếng cười sẽ không vô thưởng vô phạt mà góp phần chỉnh trang cuộc sống. Tiếng cười cũng sẽ được tiếp nối qua nhiều thế hệ nghệ sĩ khác nhau". * NSƯT Thành Hội: "Tôi mong Cù nèo vàng sẽ là một giải trước sau như một, người nghệ sĩ đầu tiên đoạt giải hay người thứ 100, 200 đều cũng sẽ mang một niềm hãnh diện như thế này". * Nghệ sĩ hài Anh Vũ: "Tôi từng vinh dự nhận giải Cù nèo vàng năm 2004. Nhiều người nói làm diễn viên hài khó có được vai diễn để đời vì những vai như vậy thường chỉ dành cho chính kịch. Nhưng với tôi, có được một cái cù nèo là hạnh phúc lắm rồi, vì như vậy là công sức và tâm huyết của mình đã được ghi nhận". |
Mua bảo hiểm tình của đạo diễn - NSƯT Thành Hội lại là một câu chuyện khác. Ở đó có cặp vợ chồng luôn nói với nhau những lời yêu thương có cánh nhưng khi cái chết cận kề thì lại tranh thủ... nói xấu nhau để mong thoát thân. Còn cặp vợ chồng khác suốt ngày cằn nhằn, cáu gắt với nhau, nhưng khi thấy bà vợ cặm cụi vá áo cho chồng từ những mảnh vải vụn, ông chồng ráng vét 10.000 đồng đi mua bánh ướt cho vợ ăn thì khán giả thấy lòng rưng rưng.
Những mảng dựng của đạo diễn Thành Hội đầy những chi tiết rất đắt về cuộc sống khó khăn, về nỗi lo cơm áo gạo tiền, về căn nhà dột nát, về cách giữ gìn hạnh phúc, về lòng người hay thay đổi - toàn là những chuyện "đau đầu" trong cuộc sống thường nhật, nhưng lại khiến khán giả có được những tràng cười thú vị và tìm thấy mình trong đó.
Trong khi đó, náo nhiệt hơn, ồn ã hơn, bình dân hơn là cách chọc cười của vở Ông ngoại bà nội của tác giả Vương Huyền Cơ. Hai ông bà sui gia đã đến tuổi "khó ở", suốt ngày dấm dẳng với nhau vì chuyện con cháu, nhưng dần dần lại thấy "đối phương cũng dễ thương" rồi cuối cùng cảm nhau lúc nào không hay.
Câu chuyện tình yêu xảy đến vào lúc đã thành ông ngoại, bà nội không hề là chuyện cá biệt ngoài xã hội, bởi đây đó vẫn có những cặp đôi "rổ rá cạp lại" để nương tựa nhau đi qua những cô đơn, trống trải khi con cháu trưởng thành và ra riêng, để có người hủ hỉ, chăm sóc nhau tuổi xế chiều. Tiếng cười bật ra từ những tình huống rất gần gũi như vậy, mở ra những cái nhìn về cuộc sống phóng khoáng và đáng yêu.
Các trích đoạn ấn tượng của Ngôi nhà thiếu đàn bà, Mua bảo hiểm tình và Ông ngoại bà nội sẽ được trình diễn tại lễ trao giải, hứa hẹn mang đến những tiếng cười lạc quan, yêu đời. Với những tiếng cười giúp khó khăn lắng xuống, nỗi buồn vơi đi, lòng người mát dịu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận