19/01/2011 06:18 GMT+7

Thiếu vắng ảnh chân dung

VŨ HUYẾN
VŨ HUYẾN

TT - LTS: Cuộc thi ảnh Chân dung con người Việt Nam hôm nay vừa công bố giải thưởng, cũng như các triển lãm ảnh chân dung gần đây đang khiến nhiều người phải xem xét lại định nghĩa về ảnh chân dung.

5HT1dfv2.jpgPhóng to
Trong số 12 ảnh đoạt giải, tác phẩm Song ca Uyên Linh - Mai Hương (ảnh) của Nguyễn Trung Hiếu dù chỉ đoạt huy chương bạc nhưng lại được giới nghề đánh giá cao hơn cả nhờ giây phút bấm máy đúng lúc, khéo léo trong bố cục, diễn tả sinh động một sự kiện âm nhạc có sức thu hút không chỉ với khán giả trẻ.

Từ đôi mắt lạnh lùng đến nụ cười truyền cảm

Những ngày này tại Hà Nội cũng đang có một cuộc trưng bày ảnh của nhà nhiếp ảnh người Pháp Sébastien Laval chụp về những người Lào, Việt Nam, Campuchia mà tác giả có dịp gặp.

Với quan điểm “chụp ngẫu nhiên không có sự sắp xếp nào cho khuôn hình”, ở mỗi nơi đến anh thường lưu lại để gặp gỡ, trò chuyện, tìm ra nét riêng của từng nhân vật và sự gắn kết giữa các cá nhân với bối cảnh.

Buổi sớm, Sébastien Laval gặp một cô bé Lào đứng bế em trước cửa nhà với đôi mắt lạnh lùng. Nhưng buổi chiều, tấm ảnh mà Sébastien có được là nụ cười thật truyền cảm của bé gái, khi tác giả và nhân vật đã quen biết nhau...

Với góc nhìn của nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, tác giả Vũ Huyến - nguyên phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên tổng biên tập tạp chí Nhiếp Ảnh - gửi đến Tuổi Trẻ bài viết này.

Chân dung là thể loại khó nhất trong các thể loại khó thể hiện của nhiếp ảnh. Việc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN tổ chức một cuộc thi toàn quốc với thể loại ảnh này thiết nghĩ cũng là việc làm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng chụp ảnh nghệ thuật của VN, vốn được cho là thiếu sự đổi mới trong nhiều năm nay.

Thế nhưng một thành viên ban tổ chức cuộc thi cho biết có rất nhiều trong số hơn 4.000 ảnh gửi đến dự thi không phải là ảnh chân dung (theo nghĩa là một thể loại của ảnh nghệ thuật) nhưng vẫn được chọn vào triển lãm (*), thậm chí còn có giải thưởng. Quá nhiều ảnh gửi dự thi chỉ vì trên ảnh có người, có khuôn mặt, có cả những ảnh chụp những người tiêu biểu xuất sắc trong cuộc sống nhưng lại không ghi rõ tên nhân vật, nghề nghiệp...

Có những ảnh bị loại trong nhiều cuộc thi trước đây nay được “làm đẹp” nhờ phần mềm photoshop gửi đến dự thi.

Làm đẹp, tô vẽ thêm sau khi chụp, khai thác năng lực biến hóa của kỹ thuật số đang trở thành xu hướng sáng tạo của không ít nhà nhiếp ảnh. Cuộc thi định hướng sáng tác về những người Việt Nam tiêu biểu trong sự nghiệp đổi mới, nhưng việc tìm kiếm, phát hiện, hiểu sâu sắc về đối tượng chụp và chụp thật, rất tiếc là điều mà nhiều người cầm máy không thực hiện.

Người ta vẫn coi những ảnh chụp theo lối dịch vụ, cách diễn đạt kiểu những năm 1960-1970 là “tác phẩm ảnh chân dung nghệ thuật”?

Cuộc thi ảnh chân dung lần đầu vì vậy cho thấy rõ thêm về thực trạng của việc chụp ảnh chân dung hiện nay ở Việt Nam, thấy được khoảng cách xa xôi giữa con người thật và con người trên những tấm ảnh.

Chân dung là thể loại khó, là thách thức lớn nhất với người chụp bởi trước hết muốn chụp người thì phải hiểu người, có cảm xúc với họ, có ý muốn đồng cảm và chia sẻ với họ. Mỗi đối tượng của nhiếp ảnh lại rất khác nhau về giới tính, có vị trí xã hội và nghề nghiệp khác nhau. Vì vậy nếu đã có một chân dung, nhóm chân dung đúng nghĩa thì ảnh đó phải thật, không giả tạo, không sắp xếp, bịa đặt.

Người có thật, bối cảnh có thật nhưng vẫn chưa đủ. Khoảnh khắc thu hình cũng phải thật, có nghĩa là nhân vật ấy đang tồn tại giữa cuộc sống chứ không phải trước ống kính, tồn tại theo yêu cầu của người chụp.

Có không ít tác phẩm ảnh chân dung có giá trị trong đó nhân vật hướng về phía máy ảnh. Tấm ảnh ấy có thể được chụp từ rất xa hoặc có thể từ một cự ly gần. Điều quan trọng là đôi mắt, khuôn mặt của nhân vật ấy như đang giao lưu, trao đổi với cuộc sống.

Vài năm gần đây cũng đã có một vài cuộc triển lãm cá nhân mang chủ đề chân dung, như chân dung bà mẹ Việt Nam anh hùng, chân dung các nhà giáo Việt Nam hay chân dung các nhân vật nổi tiếng Việt Nam. Nhưng rất tiếc, các cuộc triển lãm này đã không để lại dấu ấn gì trong ký ức người xem, nếu có chăng cũng chỉ có người chụp và các nhân vật trong ảnh nhớ đến.

Rất nhiều cuộc thi ảnh ở Việt Nam thiếu vắng ảnh chân dung. Tổ chức thi riêng về ảnh chân dung là tốt nhưng chưa đủ. Để tránh “thu hoạch” những bức ảnh chụp những con người vô cảm do sắp xếp giả tạo, thiếu đi những thời khắc bấm máy sinh động, ban tổ chức có lẽ phải định hướng các tay máy thực hiện tác phẩm với phương châm “tôn trọng sự thật, trân trọng những giây phút không lặp lại”.

Để kết thúc bài viết, xin nhắc lời một đồng nghiệp Nhật Bản: “Những người Việt Nam tôi được gặp khác với người Việt Nam trên các sách ảnh. Ở ngoài đời họ mới thật cởi mở và quyến rũ làm sao...”.

(*) Triển lãm sẽ khai mạc lúc 8g30 ngày 21-1 tại Nhà thông tin - triển lãm (45 Tràng Tiền, Hà Nội).

VŨ HUYẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên