Tác giả cuốn Hãy phẫn nộ là Stéphane Hessel (93 tuổi) - cựu chiến binh của phong trào kháng chiến Pháp, từng 3 lần vượt ngục Đức quốc xã, đồng tác giả duy nhất còn sống của Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.
Phóng to |
Ông Stéphane Hessel và bìa cuốn sách Hãy phẫn nộ - Ảnh lavie.fr |
Hãy phẫn nộ chỉ 30 trang với giá 30 euro, ban đầu được in 6.000 cuốn và quảng cáo qua con đường người đọc truyền tai nhau nhưng đã nhanh chóng bán được 500.000 bản trước khi giới truyền thông Pháp kịp chú ý. Đến ngày 12-1-2011, cuốn sách đã bán được 950.000 bản, tạm thời dẫn đầu danh sách best-seller (sách bán chạy) tại một đất nước có truyền thống đọc sách.
Trong cuốn sách của mình, ông Hessel đả kích một bầu không khí ác cảm, thành kiến và tham lam mà ông cho là đang làm hại tinh thần Pháp. Tập sách là lời động viên từ một chiến binh già đối với một nước Pháp đang lo lắng và hoài nghi.
“Tôi muốn thức tỉnh mọi người rằng xã hội chúng ta đang đi chệch hướng - ông Hessel nói với AP - Chúng ta phải tìm lại tinh thần thời kháng chiến chống Đức quốc xã - thời điểm mà những người cánh tả và những người theo Charles de Gaulle đã cố gắng xây dựng nước Pháp thành một nơi công bằng, bình đẳng, nơi kẻ yếu được bảo vệ và phẩm giá được tôn trọng”.
“Hành động tồi tệ nhất là thờ ơ trong suy nghĩ”
Cuộc đời Hessel phản ánh một quá khứ đầy biến động của nước Pháp. Sinh ra ở Berlin nhưng lớn lên tại Pháp trong một gia đình gốc Ba Lan - Do Thái, Stéphane Hessel đã bỏ trốn đến London (Anh) để tham gia lực lượng kháng chiến của tướng Charles de Gaulle. Sau đó ông nhảy dù trở lại nước Pháp, bị Đức quốc xã tra tấn dã man và suýt bị hành hình. Sau đó ông đã làm việc cùng Eleanor Roosevelt - phu nhân của Tổng thống Franklin D.Roosevelt - để cho ra đời bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.
Nhiều năm qua Hessel đã sống như một nhà hiền triết ẩn dật tại Paris. Hessel nói rằng ông đã bước ra ánh sáng sau nhiều năm im lặng vì không thể làm ngơ trước những gì đọc được trên báo. Ông cho biết mình lo lắng vì tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng, sự biến mất từ từ của báo chí trung lập, sự đối xử tồi tệ với người nhập cư, tình trạng của người dân Palestine (ông đã đi thăm dải Gaza vào năm 2009) và trên hết là tình trạng của đời sống hiện tại, mà theo ông “bị kiểm soát bởi những kẻ độc tài trong ngành tài chính, sự cạnh tranh không kiểm soát và sự lạm dụng quyền lực”.
Ông cho rằng để tìm lại tinh thần của thời kháng chiến 1940, nước Pháp không cần một cuộc cách mạng mà chỉ cần cải cách. “Phẩm giá là thứ định nghĩa một cá nhân nhiều hơn là sự nổi loạn - ông viết - Một công dân luôn tự hào về phẩm giá của mình, và khi phẩm giá đó bị đe dọa, điều tự nhiên là anh ta sẽ phẫn nộ”.
Ông cũng khuyên giới trẻ Pháp cần phải "tìm kiếm…Hành động tồi tệ nhất là sự thờ ơ trong suy nghĩ..."
“Ông ấy là người cuối cùng của một thế hệ đang mất đi, một người chiến sĩ đấu tranh cho tự do đầy sức lôi cuốn, người đã sống qua những thảm kịch của thế kỷ 20 mà vẫn giữ được tính chiến đấu - Karim Bitar thuộc Viện quốc tế về các mối quan hệ chiến lược, có trụ sở tại Paris, bình luận - Giờ đây Hessel một lần nữa trở thành anh hùng trong mắt nhiều người dân Pháp”.
Báo điện tử Frenchtribune bình luận: “Tập sách đã thỏa mãn nhu cầu của một xã hội kiệt sức vì những sự sụp đổ tài chính và những hệ lụy xã hội từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đang khát khao có một tiếng nói bày tỏ cảm xúc”.
"Khủng bố không phải là giải pháp” Ông Hessel khẳng định khủng bố không giải quyết được điều gì, như trong cuộc xung đột Israel - Palestine, và do đó “tương lai thế giới sẽ không còn bạo lực”. Mặc dù nhiều nhà phân tích đã phê phán những nhược điểm trong cuốn Hãy phẫn nộ - bản thân Hessel cũng thừa nhận mình không đưa ra được một “giải pháp sáng tạo” cho cuộc khủng hoảng hiện tại, nhưng cuốn sách vẫn đang tiếp tục nhận được sự đón nhận của độc giả, với yêu cầu mua bản quyền để dịch đến từ nhiều nước như Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận