04/01/2011 22:31 GMT+7

Nồng nhiệt với hát xẩm trong Nhà hát Lớn

Tin, ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Tin, ảnh: HOÀNG ĐIỆP

TTO - Tối 4-1, buổi biểu diễn “Xẩm Hà Thành” đã có được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả Hà Nội. Ngoài một số nhà chuyên môn và nghiên cứu, còn có nhiều người yêu thích xẩm tìm đến với đêm diễn của các nghệ nhân, nghệ sĩ xẩm.

oUjOgyfE.jpgPhóng to
Nghệ nhân Hà Thị Cầu biểu diễn tối 4-1 tại Hà Nội - Ảnh: Hoàng Điệp

Ngay trước buổi biểu diễn, giáo sư Hoàng Chương đã thay mặt Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trao tặng bằng khen bà Hà Thị Cầu cùng 9 nghệ sĩ khác đã có công trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật hát xẩm, một loại hình âm nhạc từng rất thịnh hành trong đời sống dân gian người Việt Nam hơn 700 năm qua.

15 tiết mục cả cũ và mới gồm Thập ân, Bắc kỳ vui nhất Hà thành, Một quan là sáu trăm đồng, Chân quê, Giăng sáng vườn chè, Ba bậc, Hỏi thăm cô Tú, Theo Đảng trọn đời, Rủ nhau chơi khắp Long Thành…, trong đó có những tiết mục được Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phục dựng thành công như tiết mục hát xẩm giành giành (hát xẩm tập thể) đã được thể hiện qua các giọng ca: Thanh Ngoan, Thúy Ngần, Mai Tuyết Hoa, Ngọc Anh, Quang Long...

Đặc biệt, khi tiếng hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu cất lên với bài Theo Đảng trọn đời đã khiến buổi biểu diễn xẩm trở nên đầy đủ hơn và thật sự trở thành chương trình hát xẩm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Xẩm xưa còn lại...

1. Hà Nội vào đợt rét đậm, kèm theo gió bấc thổi vù vù khiến người dân Hà Nội không ai muốn ra đường. Nhưng trước quảng trường Nhà hát Lớn, mẹ con nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn dắt díu nhau đi tập cho buổi biểu diễn tối 4-1 mang tên Xẩm Hà Nội.

Dù áo đơn áo kép và dù vẫn vắt trên tay chiếc khăn mặt quen thuộc nhưng đôi chân bà Cầu cứ ríu lại vì yếu. Và dù đôi môi lập bập vì lạnh nhưng ánh mắt bà rất vui, vì bà sẽ lại được hát trước rất nhiều khán giả. Giọng ca và tiếng đàn độc nhất vô nhị trên xứ nước Nam này sẽ tham gia một bài duy nhất mang tên Theo Đảng trọn đời, bởi những bài khác bà từng hát thành công nay đã có nhiều người hát được.

Trên sân khấu Nhà hát Lớn, những nghệ sĩ hát xẩm Thanh Ngoan, Mai Tuyết Hoa, Thúy Ngần, Quang Long... - những gương mặt cả cũ và mới của “chiếu xẩm” - đang miệt mài luyện tập và dựng bối cảnh sân khấu... Tất cả nghệ sĩ đều rất dụng công nhưng dường như nhắc đến xẩm, người ta vẫn nhắc và nhớ nhiều đến bà Cầu.

Bà Cầu cùng hai con ngồi dưới ghế khán giả xem tập chương trình, thỉnh thoảng bà lại chêm vào một câu: chỗ này non quá, chỗ này kém quá, tiếng đàn bé quá, tiếng trống không theo nhịp... Những điều bà nói không phải ai cũng biết, chẳng phải ai cũng nhận ra.

2. Sau cánh gà của sân khấu Nhà hát Lớn còn có đôi mắt trong veo của bé Ngọc Anh (11 tuổi, quê Thái Bình). Ngọc Anh đến tham gia chương trình với tiết mục Hỏi thăm cô Tú. Ngọc Anh cho biết em học hát xẩm với NSƯT Thanh Ngoan - học trò của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu - từ khi 9 tuổi và đến nay đã có thể hát trọn vẹn được ba bài: Giăng sáng vườn chè, Chân quê Hỏi thăm cô Tú.

Ngọc Anh có giọng hát trong và cao, từng tham gia hát trong nhóm xẩm Hà Thành từ năm 2010, nhưng vì còn phải đi học nên thỉnh thoảng mới tham gia chương trình chứ không thường xuyên. Tuy thế, khi cô bé cất tiếng hát cùng với tiếng gõ cập kê vang lên thì nhiều người ngỡ ngàng vì một giọng ca lạ lùng...

“Hi vọng chúng tôi sẽ làm cụ Cầu yên tâm vì nghề xẩm có người tiếp nối” - nghệ sĩ Thanh Ngoan nói.

3. Khi đôi tay bớt lạnh, đôi chân đỡ run, bà Cầu lên hát tiết mục của mình, nhưng chỉ được nửa bài thì bà kêu nhọc quá và dừng lại, phải dành sức để tối hát tiếp.

Sau buổi tập, có người nhận xét cung cách “nhà quê” của bà không phù hợp với không gian sân khấu Nhà hát Lớn, đồng thời yêu cầu bà phải thay đổi cách ngồi biểu diễn vào buổi tối. Nhưng nơi diễn xướng của hát xẩm vốn là đường phố, tám chục năm rồi bà Cầu vẫn ngồi như thế để hát, để nuôi sống mình.

Bà bảo: Lên đây bằng ôtô khách, rồi đi xe ôm về khách sạn nghệ sĩ (22 Hai Bà Trưng) từ hôm qua, sáng nay ba mẹ con đi bộ từ khách sạn sang Nhà hát Lớn. Hỏi anh Lới (con rể bà Cầu): Sao không đưa bà đi taxi cho đỡ lạnh, anh bảo: “Tiết kiệm, vì tiền đi xe khách, xe ôm cho ba người hôm qua đã tốn kha khá rồi, nay đường gần thì đi bộ, bởi chẳng biết bà sẽ được bao nhiêu tiền cho buổi hát. Tôi không dám hỏi vì ngượng lắm. Kể cả hát xong mà người ta chẳng cho tiền thì mẹ con dắt nhau về thôi!”.

Quảng trường Nhà hát Lớn vẫn gió thông thốc. Ba mẹ con bà Cầu lại liêu xiêu đi bộ về.

Tiếp thị hát xẩm

ajeGkGoy.jpgPhóng to

NSƯT Thanh Ngoan lo lắng: “Giờ cụ Cầu yếu lắm, chắc đây là lần cuối cụ lên sân khấu” - Ảnh: H.Hương

Là những học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu, NSƯT Thanh Ngoan, Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Thúy Ngần... giữ lại nghề của thầy bằng cách lập một hội có tên Xẩm Hà Thành. Mang những câu hát nơi phố chợ đông chen xưa kia về lại với thời hiện đại chẳng phải công việc dễ dàng.

Những nghệ sĩ của Xẩm Hà Thành âm thầm làm cái việc thu gom chút nghề còn sót lại của nghề xẩm, kiên trì và bền bỉ cho cuộc trở lại của xẩm.

“Khó khăn nhất hiện nay là tìm được người chịu nghe chúng tôi hát” - nhạc sĩ Quang Long (thành viên nhóm Xẩm Hà Thành) thật thà tâm sự. Đằng sau những trăn trở về chuyện vốn cổ đang mất dần thì tất cả mọi người đều chung một nỗi lo không có khán giả. Vậy nhưng, thế hệ hát xẩm trẻ cũng có cách “tiếp thị” riêng của họ cho nét âm nhạc đường phố của Hà Nội xưa.

Buổi biểu diễn tối 4-1 do Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức nhóm cũng phải chạy đôn chạy đáo xin tài trợ khắp nơi. Nghệ sĩ Thanh Ngoan chia sẻ: “Đến cả Nhà hát Lớn họ biết chúng tôi làm gì có tiền nên cũng lấy rẻ thôi".

Và lần trở lại có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của xẩm, khán giả đã được nghe lại những bài hát xẩm gắn bó với phố chợ Hà Nội một thời như bài Vui nhất Hà thành, Dạo chơi Long Thành...; một số bài hát cổ như Một quan là 600 đồng, Xẩm thập ân; những bài hát xẩm phổ thơ Nguyễn Bính như Chân quê, Giăng sáng vườn chè...

Tin, ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên