Phóng to |
Thế nhưng, chỉ mới bước vô khu nhà chừng vài phút khách đã thất vọng bỏ đi. Chị Nguyễn Thanh Hoa, một du khách đến từ quận 5, TP.HCM, nói lý do ngắn gọn: “Không có gì để coi”.
Quá thất vọng
Tòa nhà nguy nga vốn của công tử Bạc Liêu - cậu Ba Trần Trinh Huy - người nổi tiếng ăn chơi xứ Nam kỳ hồi trào Pháp. Tòa nhà cất theo kiểu Tây, được coi là biệt thự lầu có kiến trúc tối tân nhất Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ, ăn đứt cả dinh chủ tỉnh ngày xưa về hình dáng bên ngoài và nội thất bên trong.
Chỉ riêng diện mạo kiến trúc, tòa nhà đã đáng được khách dừng chân tham quan bởi toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí... đều từ Pháp chở qua. Từ con bùloong, ốc vít đến các chi tiết xây dựng đều được đóng dấu chìm chữ “P” hoa mỹ, chứng thực sản xuất tại thủ đô Paris hoa lệ.
Thế nhưng, điều đầu tiên đập vào mắt du khách là dãy bàn ghế đặt kín cả lối đi dùng bán cà phê, nước giải khát. Xung quanh nhà, dãy mái che di động được dựng lên làm bãi đậu xe che khuất khối kiến trúc độc đáo vốn có của tòa nhà. Khoảnh sân sau tòa nhà được xây thêm khu ăn uống và cũng chật kín bàn ghế bán cà phê. Bên trong, gian trước của tòa nhà được bố trí một quầy bán hàng lưu niệm làm cho tòa nhà chẳng những thêm chật chội mà còn mất đi vẻ thanh thoát, khoáng đạt.
Tham quan các hiện vật, khách chỉ được nhìn thấy bàn thờ ông hội đồng Trạch (Trần Trinh Trạch), trên có bức tượng bán thân màu đồng của ông hội và bà hội, song thân của công tử Bạc Liêu, bên dưới là cặp bình gốm bằng men sứ cao lớn cùng một vài bộ đồ men sứ nhỏ lẻ khác. Phía đối diện là chân dung cậu Ba Huy - công tử Bạc Liêu và người vợ chính, bà Ngô Thị Đen.
Muốn tiếp tục lên lầu để xem phòng công tử, khách mất hứng khi gặp ngay tấm bảng đề “xin quý khách đừng lên lầu”. Lý do là đã dùng làm phòng ngủ cho khách (VIP) thuê. Kế bên chân cầu thang, phòng uống trà của công tử Bạc Liêu cửa đóng im ỉm, khách muốn vào xem phải kêu người mở cửa.
Ở dãy nhà ngang, nơi trước kia là chỗ ở của bồi bếp, gia nhân, nay được bố trí làm quầy bán cà phê; tầng áp mái trước dùng làm nơi chứa nước, nay là “phòng ăn công tử” có trang bị máy lạnh phục vụ khách ăn nhậu. Càng “mệt mỏi” hơn khi khách vào khu vực nhà hàng, một tòa nhà lớn kế bên cũng có kiến trúc tương tự, lại bắt gặp cảnh nhậu nhẹt say sưa, ồn ào lớn tiếng của một nhóm khách quá đà, bất kể quanh mình có ai.
Sao không làm tốt hơn?
Được biết, Nhà Lớn - công tử Bạc Liêu này do ông Trần Trinh Trạch xây dựng năm 1919. Tầng trệt gồm hai phòng ngủ, hai đại sảnh và lối cầu thang lên lầu. Tầng lầu gồm ba phòng ngủ, hai đại sảnh. Phòng ở hướng đông bắc là phòng của ông hội Trần Trinh Trạch, phòng đối diện là phòng của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.
Đến với ngôi nhà khách muốn được xem các thứ đồ dùng trang trí nội thất bằng gỗ, đồng, men sứ quý giá, đắt tiền mà gia đình ông hội đồng Trạch sử dụng ngày xưa “coi mặt mũi nó như thế nào”, đặc biệt là chiếc giường làm bằng gỗ dát vàng và bộ bàn ghế xưa (hiện đang được lưu giữ ở chùa Chén Kiểu, tỉnh Sóc Trăng, cách Nhà Lớn khoảng 25 km).
Một điều hấp dẫn du khách nữa là công tử Bạc Liêu hiện còn một người con trai, ông Trần Trinh Đức, đang sống ngay tại TP Bạc Liêu, nhân chứng sống với những giai thoại đặc biệt về chính người cha ruột của ông. Dân Bạc Liêu nói chơi với nhau rằng chỉ cần ông Đức xuất hiện làm “người mẫu” trước cổng Nhà Lớn cùng chụp hình lưu niệm, cũng đủ để du khách thỏa mãn chuyến tham quan của mình.
Tiếc rằng những điều đó đã không được đáp ứng một cách xứng tầm so với tiếng tăm của thương hiệu du lịch “Công Tử Bạc Liêu” vốn có.
Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, bà Võ Kim Cương, giám đốc nhà hàng - khách sạn Công Tử Bạc Liêu, cho biết hiện nay văn phòng Tỉnh ủy đang xây dựng nhà khách kế bên, hướng sẽ dời các phòng nghỉ bên Nhà Lớn qua cùng với dịch vụ ăn uống, giải khát, trả lại nguyên trạng khu nhà phục vụ tham quan du lịch. Các hiện vật xưa trong nhà do chiến tranh và gia đình lúc đó thiếu điều kiện lưu giữ nên thất thoát khá nhiều, ban giám đốc đang có kế hoạch sưu tầm, thu giữ. Về “nhân chứng sống” Trần Trinh Đức, tỉnh Bạc Liêu đã có kế hoạch xây phủ thờ gia tộc họ Trần tại một khu đất riêng trong thành phố, giao cho ông Đức chăm sóc, thờ tự và tiếp khách tham quan, coi đó là một trong những điểm du lịch trong hệ thống thương hiệu Công Tử Bạc Liêu của tỉnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận