01/12/2010 07:08 GMT+7

Nhìn lại nhu cầu biểu tượng: Sẵn sàng trả giá hàng trăm triệu

LINH ĐAN
LINH ĐAN

TT - Nhu cầu biểu tượng hoàn toàn có thể được thỏa mãn nếu khách hàng chịu đầu tư hơn cho văn hóa và hiểu biết văn hóa. Thêm nữa, “giá hàng” cũng không quá đắt đỏ.

gKEO3nke.jpgPhóng to

Hàng loạt tượng sư tử sắp xuất xưởng (ảnh chụp tại Q.2, TP.HCM) - Ảnh: Gia Tiến.

“Tràn lan tượng sư tử song thật sự thị trường mỹ thuật giờ cũng không có nhiều thứ để mua” - Phạm Thái Bình, giảng viên Trường đại học Kiến trúc, hiện đang theo học sau đại học chuyên ngành điêu khắc tại Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, chậm rãi cho biết.

Truyền thần đại bàng, thêm... eo thiếu nữ

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế: “Loại sư tử này có đặc điểm là lai giữa sư tử Tây và sư tử Tàu. Vì thế nên mới có sư tử Tây dắt con kiểu Tàu như thế. Các thớ cơ cũng bị phô trương thái quá mà không đẹp. Chưa kể bộ móng vuốt làm sai tỉ lệ khiến sư tử trông không oai nghiêm mà như một con mèo đanh đá”.

Nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền - tác giả của nhiều tác phẩm điêu khắc đương đại được đánh giá cao - cũng cho rằng thị trường cho điêu khắc giờ thật “tan nát”: “Cứ mười mặt hàng bán ra ở xưởng đá thì có đến bảy là sư tử thửa theo mẫu. Số còn lại là đại bàng, cô gái... Giá cả không rẻ chút nào. Cái gì cũng trên dưới trăm triệu tùy theo kích cỡ”.

Một con đại bàng mà Khổng Đỗ Tuyền tình cờ “quen biết” giá 700 triệu. Nó được làm bằng cách người thợ tự nhìn mẫu mà phóng ra, khá công phu. Đặc biệt, nó có kích cỡ khủng đến mức người ta phải thuê cả xe container để giao hàng với chặng đường xuyên qua mấy tỉnh.

Cũng ăn chơi cỡ đại gia như vậy, một số người còn thuê chép lại những mẫu tượng có sẵn hoặc một số biểu tượng khác như cột đá chùa Dạm, đầu rồng. Có điều, nếu mẫu có bị chép sai, khách hàng cũng khó biết bởi có những chi tiết phải rất “thông thiên văn, tường địa lý” mới nhận ra. Chưa kể một số mẫu tượng chỉ đẹp khi đúng với tỉ lệ xinh xắn nhất định. Còn khi “to tướng hóa” nó trở nên vô hồn.

Và ngoài chuyện sai tỉ lệ, nhiều yêu cầu trớ trêu còn muốn ba chiều hóa những bức phù điêu vốn chỉ hai chiều. “Nghĩa là khi dựng thành tượng, ngoài phần mặt tiền đã có, người thợ đá phải tự sáng tác thêm phần lưng, eo, gáy cho nhân vật, thường là các thiếu nữ. Và họ đành phải làm bừa” - nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền cho biết.

Ngoài ra, hiện có hai linh vật được nhiều người bày trong nhà để cầu tài lộc là tì hưu và thiềm thừ. Cả hai linh vật này đều có xuất xứ Trung Quốc.

“Với nhu cầu tượng trang trí trong nhà loại nhỏ, người mua có thể đến các gallery nghệ thuật. Chất lượng nghệ thuật của những sản phẩm ở đó khá ổn và giá cả cũng có thể chấp nhận được. Những người có nhu cầu đặc biệt hơn, chẳng hạn như thiết kế tượng riêng cho những không gian riêng biệt, đối tượng riêng biệt có thể tới khoa điêu khắc của các trường mỹ thuật đặt hàng” - nhà điêu khắc Đào Châu Hải chia sẻ.

“Đặt tên” cho cao ốc

Từ cá ba sa đến voi chín ngà

Nhìn lại những biểu tượng đã có, bên cạnh những biểu tượng làm theo mẫu vẫn có những biểu tượng thể hiện được cái riêng của chủ thể sáng tạo, như tượng đài cá ba sa bằng inox (nhà điêu khắc Trần Thanh Phong) được đặt tại một quảng trường lớn cạnh bến đò Châu Đốc (An Giang) thể hiện sự riêng biệt của “xứ sở” cá ba sa An Giang; biểu tượng đá trắng cao tới 7m tại Nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ).

Những biểu tượng đã có trong văn hóa Việt như voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao cũng được nhà điêu khắc Trần Tuy sáng tác trên nền câu chuyện thần thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh.

Trong khi thị trường điêu khắc còn tan nát thì nhu cầu trang trí mỹ thuật của các tòa nhà, các cao ốc lại có thật.

“Rõ ràng, khi các tòa cao ốc nhiều lên, tự thân những người chủ cao ốc cũng muốn có điều gì để phân biệt nó với những tòa nhà khác vốn cao không kém. Khi ấy các tác phẩm điêu khắc trang trí tha hồ có đất” - giảng viên Thái Bình dự báo.

Trên thực tế, những nhu cầu như vậy đã xuất hiện tuy còn được chăng hay chớ. Anh Khổng Đỗ Tuyền chia sẻ: “Chính bản thân tôi đã tham dự một cuộc thi sáng tạo biểu tượng cho một tòa nhà lớn - trụ sở của một công ty khá danh tiếng. Sau rồi rất lâu mới thấy công bố giải thưởng. Nhưng thi xong, nhà xây xong thì chẳng còn không gian để đặt biểu tượng vào đó nữa. Nhà họ đã xây kín hết rồi, chỉ còn cách là phá bỏ hàng cột cờ để đặt tượng. Mà cột cờ thì không thể dỡ được nên đành thôi”.

Mặc dù vậy, theo giảng viên Thái Bình, mọi chuyện không tệ đến mức không thể tin “ngày mai trời lại sáng”. Anh cho biết hiện đã có một số đơn vị đặt hàng thiết kế các biểu tượng công ty, biểu tượng cho tòa nhà. Điều quan trọng khi đặt hàng như vậy, chủ đơn hàng cũng yêu cầu kiến trúc sư thiết kế tòa nhà làm việc với nhà điêu khắc để thỏa thuận với nhau về không gian trưng bày. Như thế, tác phẩm điêu khắc biểu tượng có nhiều cơ hội để xuất hiện như nó phải xuất hiện - tại những không gian quan trọng.

“Tôi nghĩ những người đã, đang và sẽ đặt tượng sư tử hay một con vật gì khác nên cân nhắc khả năng hoặc sử dụng những biểu tượng đã có trong văn hóa Việt, hoặc đặt hàng những thiết kế biểu tượng cho riêng mình” - giảng viên Thái Bình nói.

“Đặt tên” cho cao ốc thật ra không chỉ là cho riêng cao ốc. Đó còn là định vị văn hóa, định vị vị thế cho chính doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sở hữu khối vật chất lớn đó. “Nếu so với việc rước một ông kễnh sư tử, việc thiết kế một biểu tượng như vậy thực không đắt hơn chút nào” - nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền cho biết.

LINH ĐAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên