Thành Sơn Tây (Hà Nội) xây dựng năm 1822 lại được khoác tấm áo mới khiến nhiều người bức xúc.
Phóng to |
Một góc thành Sơn Tây - Ảnh: THANH TÂM |
Phóng to |
Trước khi dự án trùng tu được triển khai, đoạn tường thành nối từ cửa nam ra cửa bắc của thành cổ Sơn Tây vẫn nguyên bản, có tường đá ong cổ, có cây cổ thụ mọc trên tường thành và một “rừng” sinh thái tạo cho thành vẻ quyến rũ đặc biệt - Ảnh: Thanh Tâm |
Rất nhiều cây cối bị chặt bỏ, tường đất đá cổ bị kè thêm, xây mới, nới rộng và nâng cao bằng đá ong mới tinh, đất đỏ đất vàng được đổ kín, nện chặt; gần 50% chu vi của hệ thống tường cổ bao kín tòa thành được đánh giá vào loại nguyên vẹn nhất Việt Nam này đã được đào bới, thi công xong (tính đến ngày 17-11-2010).
Những lần “khoác áo mới” cho thành cổ Sơn Tây!
Thành cổ Sơn Tây từng bị đe dọa “làm mới” nhiều lần bởi nhiều dự án mà chỉ nhắc đến thôi nhiều người đã phải mỉm cười một cách đau xót, mỉa mai.
Thành Sơn Tây là một tòa thành quân sự được xây dựng vào năm 1822, triều vua Minh Mạng, nhà Nguyễn, vật liệu là gạch đá ong hết sức độc đáo. Từng là thủ phủ của vùng đất Tam Tuyên mênh mông (gồm ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) dưới thời nhà Nguyễn; từng là một pháo đài oanh liệt của quan quân nhà Nguyễn trong việc kháng Pháp hồi cuối thế kỷ 19, thành Sơn Tây (năm nay đã 188 tuổi) được bà con và cả nước hết sức gìn giữ, trân trọng. Thành thất thủ vào tay giặc Pháp năm 1883. Đến năm 1924, Toàn quyền Đông Dương còn ra nghị định để xếp hạng di tích quý này. Năm 1994, Bộ Văn hóa thông tin nước ta cũng chính thức công nhận thành cổ Sơn Tây là di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia. |
Mở đầu là cuộc làm biến dạng tòa cổng đẹp nhất (trùng tu tòa cổng, mắc bóng điện xanh đỏ lên), chặt toàn bộ cây cổ thụ bao phủ rậm rịt nhất ở phía bắc thành cổ Sơn Tây vào năm 1995 (ngay sau khi được công nhận di tích quốc gia!).
Bây giờ, công trình kiến trúc quân sự nổi tiếng quanh năm im ỉm đóng cửa, công nhân môi trường đô thị dùng khoảng tối trong lòng cổng thành để tập kết xe chở rác. Tiếp đến là vào khoảng năm 2005, sau 10 năm, dự án gần 50 tỉ đồng “sửa sang” thành cổ Sơn Tây lại được khởi động. Những gì đã biến mất khỏi mặt đất như kỳ đài, vọng cung... sẽ được phục dựng theo tài liệu cũ.
Đặc biệt người ta quyết định sẽ diệt trừ hết hệ thống mà họ gọi là “cây dại” (thật ra là cây cổ thụ) trên hai cổng thành cổ còn lại, đưa cổng thành rêu phong (cách đây 188 năm) kia trở về thời tinh tươm - “ý tưởng” này gây tranh cãi ầm ĩ trên báo chí.
Cuối cùng, những người muốn “công thành” buộc phải giữ nguyên hiện trạng cho hai tòa cổng thành Sơn Tây đến hôm nay. Tuy nhiên người ta vẫn quyết tâm dựng lại các đoạn tường thành cổ bằng cách... đào ra xây mới lên.
Tường cũ (theo tài liệu) cao tới 5,2m, có lỗ châu mai nhìn ra, vật liệu là đá hộc, đất sét, ngoài bọc đá ong...; có lẽ người làm dự án thấy tường thành cổ bây giờ thấp quá, hơn 180 năm trôi qua nó cũng rêu phong, cây cỏ phủ kín đầy bí hiểm nên họ quyết định... làm mới. Thế là một tòa thành mới nghênh ngang mọc lên, cao 5,2m, rộng mênh mông, đá ong 100% mới đánh từ lòng đất lên.
Di tích bị biến thành công trình 1 ngày tuổi. Các nhà khoa học, đặc biệt là GS Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, đã lên tận hiện trường tìm hiểu và cực lực phản đối lối trùng tu kể trên. May mà họ mới chỉ phá di tích được có... 100m, tức là 100m tường của thành cổ Sơn Tây bị khoác áo mới, lạ hoắc.
100% thành lũy của di tích quốc gia sẽ được... “phục dựng”?
Những tưởng chuyện chỉ dừng lại ở đó. Vào những ngày cuối tháng 11-2010, chúng tôi lại tiếp tục sửng sốt trước việc thành cổ Sơn Tây được khoác tấm áo mới trên diện rộng.
Nếu cứ làm tròn, ước tính chu vi tường thành bốn mặt dài tổng thể 2.000m; thì hiện nay có chừng 1.000m (nối từ cổng phía nam ra cổng phía bắc) đã bị thay đổi hiện trạng (dự kiến 1.000m còn lại sẽ chung số phận).
Sự tôn tạo trùng tu trên nguyên tắc tôn trọng di tích cổ, hay là phục dựng, làm mới toàn bộ tường thành? Một di tích quốc gia có giá trị đặc biệt trên cả nước như thành cổ Sơn Tây có nhất thiết phải bị làm mới không? Nếu phục dựng để du khách biết thành ngày xưa có cổng thế này, tường bao quanh thế kia, hào nước sâu thế nọ thì chúng ta đã làm rồi (như đã nói ở trên: phá cổng phía bắc, xây 100m tường thành mới cao 5,2m đè lên di tích cổ).
Nếu cần cho bà con và du khách hiểu thành cổ Sơn Tây lúc chưa bị chiến tranh và thời gian làm cho rêu phong, chỉ cần làm mô hình là được, cần gì phải phá di tích cổ vô giá đi để đè di tích mới lên?
Trên hết, những đoạn tường thành đang mọc lên với tốc độ ào ào, theo đó thì các quy định/ nguyên tắc gìn giữ nguyên trạng cho di tích cổ đã gắn bó nhiều đời với bà con Sơn Tây và cả nước đã bị san lấp và coi rẻ.
Qua trao đổi với nhiều cán bộ văn hóa địa phương (các vị đề nghị giấu tên), nhóm nhà báo chúng tôi nhận thấy dự án hiện nay có nhiều điều cần bàn tính kỹ trước khi tiếp tục thực thi rầm rộ theo lối phá thành cũ xây thành mới. Các quan điểm “vẽ dự án” và thi công đã được khuyến cáo còn nhiều bất cập nhưng không hiểu sao người ta vẫn quyết tâm “xây dựng”.
GS Phan Huy Lê (chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam):
Điều làm tôi bức xúc là thành cổ Sơn Tây nằm giữa thủ đô Hà Nội, lại là một trong những cái thành rất hiếm hoi của triều Nguyễn còn tương đối nguyên vẹn, phải nói là còn nguyên vẹn nhất, của chúng ta hiện nay. Qua các bức ảnh nhà báo cho xem, tôi thấy rõ ràng di tích đang bị tổn thương rất nặng nề, yếu tố gốc bị phá hủy, cách trùng tu như thế này rõ ràng có vấn đề. Bức xúc hơn, đây không phải lần đầu tiên chuyện này diễn ra với thành Sơn Tây. Có nhiều vấn đề cần phải được đặt ra ở đây”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận