Phóng to |
Nghệ sĩ violon Anna Sowanna và nhạc trưởng Fukumura trong đêm hòa nhạc 26-10 - Ảnh: P.T.N. |
Trước chương trình đã có những ý kiến lo ngại về sự chênh lệch trình độ có thể có khi 84 nhạc công là những nghệ sĩ được chọn lựa từ mười nước ASEAN và các quốc gia, vùng lãnh thổ khách mời như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật.
Ngay cả nhạc trưởng tài danh Fukumura trong buổi họp báo giới thiệu chương trình cũng không dám khẳng định dàn nhạc sẽ chơi hoàn hảo. Ông chỉ hứa sẽ làm hết sức để mang đến cho khán giả một đêm nhạc chất lượng.
Sức mạnh của đẳng cấp
Lời hứa của Fukumura đã được chứng minh trong đêm 26-10 qua những tràng pháo tay của khán giả ngay từ tiết mục Academic festival mở màn. Không khí tươi tắn, vui nhộn trong âm nhạc của Johannes Brahms tiếp tục được nghệ sĩ Anna Sowanna (Thái Lan) lưu giữ và biến hóa trong bản Carmen fantasy mà Pablo Sarasate đã dày công viết cho violon cùng dàn nhạc. Nhìn cách cô chạy dây bản Habanera, bài hát Carmen thể hiện trong cảnh 1 (L’amour est un oiseau rebelle - Tình yêu là con chim bất trị) vở opera cùng tên, công chúng đã có thể tin nhận xét “mỗi nghệ sĩ trong dàn nhạc đều có đẳng cấp quốc tế” của Fukumura không hề quá lời.
Ước mơ về một dàn nhạc cấp khu vực Tuy được thành lập với mục tiêu ban đầu là biểu diễn phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN 2010 tại Hà Nội, những người sáng lập dàn nhạc ASEAN hi vọng sẽ nuôi dưỡng nó trở thành một dàn nhạc cấp khu vực với lịch trình biểu diễn hằng năm qua các nước ASEAN. Theo tính toán của nhạc trưởng Fukumura, khi dàn nhạc lưu diễn qua quốc gia nào thì sẽ sử dụng phần lớn lực lượng nghệ sĩ tại chỗ, cộng với khách mời từ các quốc gia trong khối nên biên chế dàn nhạc sẽ không cố định mà thay đổi theo từng năm. |
“Hay quá!” - GS.TS Trần Văn Khê nói ngắn gọn sau khi đêm nhạc kết thúc. Nhiều người chắc chắn cũng đồng ý với ông khi cứ tiếp tục vỗ tay (cách khán giả hàn lâm yêu cầu dàn nhạc chơi nữa) dù biết bản giao hưởng số 9 cung mi thứ Tân thế giới (From the new world) của Antonin Dvořák là tiết mục cuối cùng. Yêu cầu đã được đáp ứng bằng tiết mục ngẫu hứng sau chương trình nhưng mọi người vẫn cứ vỗ tay, đến mức chỉ huy Fukumura phải quay lại sân khấu và dàn nhạc lại ngẫu hứng bản thứ hai. Lần này thì khán giả được mời tham gia như một phần của buổi diễn.
Xót xa
Được đề nghị phát biểu sau chương trình, TS Văn Thị Minh Hương, giám đốc Nhạc viện TP.HCM, chỉ xúc động nói: “Vui quá!”. Bà hoàn toàn có lý do để vui bởi ngoài việc bà là thành viên ban tổ chức, phần lớn nghệ sĩ trong dàn nhạc ASEAN đều là “quân” của Nhạc viện TP.HCM.
Tuy nhiên niềm vui đó liệu có thể kéo dài đến năm sau khi những con người ấy không dám chắc sẽ sang biểu diễn tại Indonesia nếu không tìm được nguồn tài trợ? Cũng bởi ngay cả khi nắm trong tay một lực lượng hùng hậu, đầy uy lực từ hơn mười quốc gia thì giá vé tham dự chương trình cũng chỉ dừng ở mức 150.000, 200.000, 250.000 đồng.
Để có được ba đêm diễn (26, 28, 29-10) tại Nhạc viện TP.HCM, Nhà hát lớn Hà Nội và Trung tâm Hội nghị quốc gia VN, cả Bộ trưởng Bộ Ngoại giao VN Phạm Gia Khiêm, tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan (trong tập sách giới thiệu), nhạc trưởng Fukumura, bà Minh Hương (trong buổi họp báo chiều 22-10) đều đã cảm ơn sự tài trợ của Quỹ Nippon, Nhật Bản.
Sẽ là vô cùng đáng tiếc nếu chỉ vì “nhà nghèo” mà dàn nhạc ASEAN, tâm huyết của bao nhiêu con người tài năng, không thể duy trì được. Chỉ mong sao trong cảnh khó, họ vẫn tiếp tục cống hiến cho công chúng những đêm nhạc bùng vỡ tuyệt vời như đã làm tối 26-10. Đó cũng là cách để họ “tiếp thị” với nhà tài trợ về khả năng và sức hút của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận