Bài tham gia cuộc thi Cảm xúc tháng Ba:
Phóng to |
Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hội An lung linh trong đêm thắp nến - Ảnh tư liệu |
Nghe album Bài ca không quên
Để hôm nay sống trong yên bình ta biết nhớ, biết nhìn vào quá khứ để tri ân những người đã ngã xuống cho ta cuộc sống hôm nay. Phạm Minh Tuấn đã nói hộ chúng ta lời tri ân đó qua những ca từ dạt dào cảm xúc, lúc như nấc nghẹn, khi trầm lắng suy tư trong ca khúc Bài ca không quên.
Đó là bài ca không chỉ của một người. Bài ca đó của đất nước bao năm chẳng phút bình yên. Đó là lời ru của của mẹ trong căn hầm nhỏ cho con giấc ngủ đêm đêm. Đi qua giấc ngủ ú ớ vì bom đạn, con lên đường vào chiến trường. Mẹ lại dõi theo bước con đi qua bao sông núi, ánh mắt và lời ru của mẹ mong chờ ngày bình yên con về, chờ đến bạc tóc thời gian…
Đó còn là câu hát của trái tim nặng tình yêu thương dành cho ánh mắt huyền nơi quê nhà. Người ra đi vẫn cảm nhận được thành phố nhớ nhung một dáng hình ai chắc hẳn trong tim vẫn canh cánh một tình yêu. Bài ca không quên là lời của mọi người dành cho nhau, của đất nước hát ru những đứa con anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc. Phạm Minh Tuấn đã nói hộ mọi người lời tri ân đó và giọng ca Cẩm Vân đã đưa nó thấm vào hồn người, trước đây, hôm nay và cả mai sau.
Câu hát Tôi không quên lặp lại đến hai mươi lần trong bài hát như khẳng định một niềm tri ân đối với đồng đội, với nhân dân trong những năm tháng chiến tranh gian khổ. Quên sao được những tháng ngày gian lao vất vả, mòn gót hành quân đêm khuya. Vầng trăng giữa đại ngàn và giá buốt núi rừng cùng cây sung làm bạn.
Lời tri ân càng da diết hơn khi nhắc đến những người đã ngả. Những con người anh dũng đã gửi trọn đời cho tất cả, cho cỏ cây, sông núi, cho hơi thở hôm nay. Cẩm Vân nói lời của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn bằng giọng ca nhấn nhá thiết tha như đan vào lòng người nghe những nỗi niềm da diết đến nao lòng. Lời ca gởi đến đồng đội tôi còn ôm súng giữ biên cương, mang lại cho đời giây phút bình yên thì sao tôi quên, sao tôi quên?...
Với ai đã đi qua tháng năm chiến đấu sẽ không quên gian khổ thiếu thốn nơi chiến trường. Trong gian khổ những chiến sĩ xích lại gần nhau hơn. Họ truyền cho nhau hơi ấm đồng đội giúp nhau đi qua gian khó, hoàn thành nhiệm vụ. Nhớ lúc gạo hẩm cầm hơi và một điếu thuốc cũng chia đôi hay những lúc đường khuya đói lả chỉ có tình đồng đội đồng chí và tình yêu nước mới giúp họ vượt qua thiếu thốn để có ngày hôm nay.
Lịch sử đã sang trang mới tươi đẹp. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nhắc lại nhiều lần sao tôi quên qua giọng ca Cẩm Vân day dứt, ân tình. Quên làm sao được lời ca năm nào đã hát với quê hương, với đồng đội, với bạn bè và với cả em yêu. Lời ca đã hát với tất cả chân thành của một trái tim yêu đến cháy bỏng đất nước và đồng đội mình. Và chúng ta nữa, chúng ta không được phép quên mỗi nắm đất quê hương đều mặn đắng xương máu cha anh để có quả ngọt lịm ân tình hôm nay.
Cám ơn nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, cám ơn ca sĩ Cẩm Vân và đã mang lại những giây phút xúc động thiết tha nhắc nhớ ân tình của những người đi trước dành cho chúng tôi hôm nay.
Cuộc thi mời bạn đọc cùng viết cảm nhận, bình luận về những album, những chương trình của Hãng phim Trẻ sản xuất trong thời gian qua. Cuộc thi do Tuổi Trẻ Online phối hợp với Hãng phim Trẻ tổ chức, có tổng giải thưởng là 13 triệu đồng.
Để tham gia cuộc thi, mời bạn xem, nghe những tác phẩm của hãng phim Trẻ do ban tổ chức cung cấp trên website Tuổi Trẻ Online hoặc bạn tự có được. Sau đó, bạn có thể viết bài cảm nhận về một album chương trình, một nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ, bài hát, tiểu phẩm hài hoặc một nhân vật trong những tác phẩm này. Bài viết dự thi gửi về hangphimtre@gmail.com, tiêu đề ghi dự thi Cảm xúc tháng ba. Bài viết có giới hạn dưới 800 chữ, được gõ bằng tiếng Việt, có dấu. Bài dự thi chưa từng được sử dụng trên các phương tiện truyền thông báo chí. Mỗi thí sinh có quyền tham gia dự thi nhiều bài viết. Thời hạn nhận bài dự thi: từ nay đến hết ngày 18-12-2010. Giải thưởng: - Một giải nhất: 5.000.000 đồng - Một giải nhì: 3.000.0000 đồng - 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 1.000.000 đồng |
TTO
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận