Trong thời kỳ chống Pháp ông lại làm Trưởng ban giáo dục tù, hàng binh Âu - Phi… Và có lẽ cũng chính qua thời gian này, cuộc đời ông gắn liền với nghiệp làm văn hóa bởi nỗi khao khát được truyền bá văn hóa Việt Nam với thế giới.
Cái danh “Nhà văn hóa” hay “Nhà xuất nhập khẩu văn hóa” là do bạn đọc, đồng nghiệp yêu quý “phong” cho ông chứ tuyệt nhiên ông không qua một trường lớp đào tạo chính quy nào về văn hóa. Ông không phản đối cách dùng chữ đơn giản ấy. Đặc biệt hơn nữa bởi hiện nay, ở tuổi 92, hằng ngày ông vẫn đến văn phòng làm việc như một công chức vẫn ở tuổi sung sức. Văn phòng của ông là một chái nhà nhỏ ở ngay trước khuôn viên NXB Thế giới (46 Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Nơi đây, ông tiếp khách, tham vấn cho đồng nghiệp, học trò, thuyết trình văn hóa, thậm chí làm “guide” cho bạn bè quốc tế mỗi dịp ghé qua Hà Nội.
Phóng to |
Nhà văn hóa Hữu Ngọc - Ảnh: vea.gov.vn |
Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn hóa Hữu Ngọc. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bị giới hạn bởi thời gian do ông có quá nhiều công việc phải giải quyết. Chưa hết, xen vào đó luôn là những cuộc thăm viếng, tư vấn không hẹn trước của rất nhiều người yêu quý ông…
Trong số các kiến thức văn hóa ông “xuất khẩu” ra thế giới, mảng văn hóa Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng. Năm 1997, Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ tổ chức tại Hà Nội, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Bộ Ngoại giao đã “đặt hàng” ông viết một cuốn sách về Hà Nội bằng tiếng Pháp để bang Quebec tặng cho các nguyên thủ quốc gia.
Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội ra đời trong hoàn cảnh đó. Khi cuốn sách hoàn thành, ông Sylvain - Bộ trưởng Bộ Quan hệ quốc tế về khối Pháp ngữ của Quebec, Canada nói: “…Ông Hữu Ngọc là một trong những học giả xuất sắc của Việt Nam, ở ông tôi xin chào không những một ký ức không bao giờ cạn mà cả một con người có cả một vốn văn hóa tế nhị, hình ảnh của Việt Nam…”.
* Ông phải mất bao lâu để hoàn thành một cuốn sách dày dặn và được in sang trọng như thế?
- Cuốn sách làm chỉ trong ba tháng, bởi khi nhận được lời mời, tôi chỉ còn chừng ấy thời gian. Tôi đã tự hứa với mình, trong ba tháng đó, cấm không được ốm. Cũng phải nói thêm rằng, từ tháng 8-1945 đến tận lúc đó ta mới có cuốn sách giới thiệu Hà Nội cho người nước ngoài.
* Trong cuốn sách đó, ông đã phác thảo “chân dung” Hà Nội ra sao?
- Có nhiều cách để giới thiệu Hà Nội. Tôi giới thiệu Hà Nội theo kiểu của mình. Chương đầu tiên tôi muốn cho mọi người biết rằng, Hà Nội là tấm gương phản ánh lịch sử của Việt Nam. Chỉ cần xem các di tích có thể mường tượng được quá trình phát triển lịch sử của Việt Nam trong 3.000 năm.
Các chương sau đó giới thiệu địa lý lịch sử (Hà Nội chưa mở rộng, đó mới là Hà Nội thực). Các khu phố cổ, thành Hà Nội (nơi vua chúa ở); khu phố Tây; khu nông thôn ngoại ô Hà Nội. Mỗi chương nói lên đặc điểm từng khu một. Có một chương kết luận về Hà Nội đổi thay thế nào…
* Và sự đổi thay ấy, dưới con mắt của ông như thế nào?
- Phần tích cực cũng có, tiêu cực cũng có. Ví dụ như Hà Nội có rất nhiều nhà cao to, đẹp. Khu tôi ở (Trung Hòa) chẳng hạn như một thành phố mới của một nước phát triển, ở đó có biểu hiện sinh hoạt của một số tầng lớp người Hà Nội cao hơn hẳn. Rồi các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội cũng diễn ra dày đặc.
Nhưng bên cạnh đó, có xu hướng chạy theo con số. Phải làm thế nào một mặt vẫn phát triển đất nước, mặt khác vẫn phải giữ được chất lượng của sự phát triển ấy, hay nói cách khác là phát triển phải bền vững. Nước ta vẫn xếp trong hàng các nước nghèo. Hiện giờ có thể là nằm trong nước trung bình, nhưng sự thực dân chúng vẫn rất nghèo.
Sự thay đổi của Hà Nội theo hướng tích cực phải xuất phát từ con người. Lấy con người là trung tâm, chứ đừng chạy theo con số. Vấn đề lớn của chúng ta hiện nay trên toàn quốc là vấn đề giữa chất lượng và số lượng. Ta chỉ chạy theo thành tích, số lượng. Đồng thời muốn chứng tỏ điều gì đó với một số nước trên thế giới bằng con số.
Tôi nghĩ nếu Hà Nội chậm về phát triển GDP một chút cũng không sao cả. Chúng ta không nên đem khoe với thế giới về những ngôi nhà hàng mấy chục tầng, hay là tàu cao tốc(dự án đã bị bác - PV). Hà Nội phát triển phải lấy trọng tâm là con người. Muốn thay đổi gì thì phải xuất phát từ con người chứ không phải là những con số, chỉ tiêu phát triển.
Ví dụ gần nhất là nếu như số tiền định xây dựng cổng chào(dự án cũng đã bị hủy - PV) thì hãy lấy mà làm công trình thoát nước để những trận mưa không lớn lắm như hồi giữa tháng 7 vừa qua không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Người dân chắc chắn chẳng muốn nhìn những cái cổng chào vô tri vô giác, mà họ muốn có những cái cống để thoát nước, thiết thực hơn.
Hãy học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đến thăm bất cứ một cơ quan nào cũng đến xem nhà vệ sinh, nhà bếp như thế nào. Khoe với nước ngoài là phải khoe về chất lượng cuộc sống của người Hà Nội, cái hồn của người Hà Nội. Cái vỏ của Hà Nội cũng cần thiết nhưng đó chỉ là cái vỏ hào nhoáng bên ngoài.
* Vâng, những người làm văn hóa ở nước ta vẫn luôn nói đến việc phải chú trọng cái “hồn” của văn hóa, nhưng dường như họ không nắm bắt được “hồn vía” văn hóa là gì, có thể do vậy mà việc giữ gìn bản sắc văn hóa người Việt đến nay vẫn chỉ hô hào là chính. Theo ông, cái “hồn” văn hóa của Hà Nội nằm ở đâu?
- Cái hồn của người Hà Nội biểu hiện qua cách ứng xử hằng ngày. Tôi lấy ví dụ thế này. Tôi vẫn hay dẫn bạn nước ngoài đi chơi phố. Một lần, có em bé bán đồ lưu niệm mời mua đồ, bạn tôi không mua, nhưng rút ví cho em đó mấy chục ngàn đồng, cậu bé từ chối. Lúc đó, tôi thấy tự hào vô cùng về người Hà Nội.
Một lần khác, tôi cùng bạn đang ở chợ Hôm, thấy một chiếc xe con đỗ xịch ở cạnh vỉa hè. Thấy mấy người lực lưỡng nhảy xuống, kéo quang gánh của một bà cụ bán rau, lúc bấy giờ tôi chỉ muốn chui xuống đất. Cho nên tôi vẫn muốn nói về cái hồn của người Hà Nội phải được giữ gìn và xây dựng làm sao cho văn minh, thanh lịch thực sự.
Ngày xưa khi nhà tôi còn ở phố Hàng Gai, bà mẹ tôi là con một ông lang, nhà cũng mở một sạp tạp hóa ở cửa. Mùa nực, mẹ tôi để một ấm nước vối ở cửa nhà, bên cạnh cửa hàng, cùng với mấy cái bát. Khách qua đường, ai khát thì tự lấy nước mà uống. Cái hồn của Hà Nội ngày xưa là thế. Cho nên, muốn tự hào về người Hà Nội thì phải giữ được những cách ứng xử như thế. Nên tái tạo cái hồn của người Hà Nội - vốn đã mất rồi và người ta nói hiện chỉ còn một vài phần trăm người Hà Nội gốc thôi - thông qua việc giáo dục cách ứng xử.
Phóng to |
Tháp Rùa cổ kính, lung linh trong đêm. Tháp xây trên đảo Rùa từ thời vua Lê Thánh Tông (1442 -1497). Cùng với hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa là một cụm di tích, danh thắng “độc nhất vô nhị” của Hà Nội - Ảnh: Tiến Thành - Tuổi Trẻ |
* Theo tôi được biết, Hà Nội sau khi mở rộng như hiện nay thì nó đã chứa trong mình cư dân của 33 dân tộc thiểu số. Ông có nghĩ là chúng ta sẽ thành công trong việc tái tạo hồn của người Hà Nội nói chung và hồn văn hóa Hà Nội nói riêng?
- Cuốn Phác thảo chân dung Hà Nội viết về Hà Nội khi chưa mở rộng. Vậy mà ông Nguyễn Khắc Viện đã từng có nhận xét: Đô thị khác, nông thôn khác, không nên cho vào cuốn sách gọi là chân dung Hà Nội (ý nói phần ngoại ô Hà Nội trong đó). Huống hồ là Hà Nội đã mở rộng quá như bây giờ.
Các cụ đã nói “Liệu cơm gắp mắm”, liệu sức mình mà làm. Mở rộng ra như bây giờ mà không ổn định trật tự, không quản lý được thì để làm gì? Định khoe với thế giới chăng? Phải làm thế nào để người dân được hưởng là chính chứ như bây giờ làm như thế chỉ để cho một thiểu số hưởng lợi là không đúng với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Như trên đã nói, cách ứng xử mới là biểu hiện cốt lõi của hồn dân tộc. Giáo dục cách ứng xử không phải cao xa gì, mà cũng chẳng phải đưa vào chương trình giảng dạy. Nó phải được diễn ra thường xuyên, từng giờ, từng phút, trong môi trường cuộc sống hiện tại. Tôi lấy ví dụ, rất nhiều người chê phương tiện xe buýt công cộng, nhưng có lẽ tôi là người cao tuổi nên thỉnh thoảng đi, tôi thấy đây là một môi trường giáo dục rất tốt. Người già bao giờ cũng được mọi người trên xe buýt bảo nhau nhường chỗ, hướng dẫn nơi xuống xe cho đúng…
Tại sao ta không làm được như một số thành phố ở Trung Quốc, như Côn Minh chẳng hạn, họ có chính sách xe máy vào trong nội đô phải trả thuế rất cao. Nếu xây dựng được hệ thống xe buýt công cộng thì không những đỡ được gánh nặng hạ tầng, mà còn là nơi giáo dục văn minh ứng xử.
* Thưa, Thăng Long sắp ngàn năm tuổi, ông có món quà gì đặc biệt trong dịp này không?
- Nhà xuất bản Hà Nội đề nghị tôi tái bản cuốn Phác thảo chân dung Hà Nội và cập nhật thêm thông tin, nhưng lần này viết lại bằng tiếng Anh. Ngoài ra, tôi đã làm bộ sách gồm 10 cuốn (khổ nhỏ) mang tên chung “Hanoi, Who are you?”. Mỗi tập sẽ trả lời một vấn đề: Hà Nội - ăn uống, Hà Nội - vui chơi, Hà Nội - địa lý… Đây là sách phục vụ công tác đối ngoại của Hà Nội nên chỉ in bằng tiếng Anh.
Ngoài ra NXB Thanh Niên cũng làm quyển về Hà Nội - Hà Nộicủa tôi, dày độ 500 trang. Đó là những cảm nhận của tôi về Hà Nội, trong đó có các người bạn nước ngoài của tôi đã từng sống ở Hà Nội và rất yêu Hà Nội, tôi cũng coi là người Hà Nội.
Bên Đức, họ có ra một tạp chí ba tháng một kỳ, trong đó có một bài về Hà Nội. Trong 10 năm nay, mỗi số tôi viết cho họ một bài, hiện họ định gộp tất cả các bài viết đó thành một tập về Hà Nội. Đó có lẽ cũng là một dự án mà tôi muốn hoàn thành trong dịp này.
* Trong cuốn Hà Nội của tôi, thành phố của ông Hữu Ngọc còn đẹp như xưa?
- Cuốn sách chỉ nêu những cảm xúc về các khía cạnh của Hà Nội. Phố Hàng Đào ngày xưa ra sao, tàu điện chạy qua Trường Bưởi như thế nào, bạn bè của tôi ra sao…
* Về tập sách Lãng du trong Văn hóa Việt Nam khá nổi tiếng của mình, ông dành nhiều trang viết về lễ hội. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội những năm gần đây đã bị chê trách rất nhiều, ngay người dân địa phương - những chủ thể của lễ hội - cũng thường chỉ coi là một dịp làm ăn, chứ không phải là một nhu cầu về tinh thần… Ông nghĩ sao về tình trạng này?
- Tôi lại trở về với việc là chúng ta quá mải chạy theo các con số mà không quan tâm tới chất lượng. Tôi vừa nghe nói Bắc Ninh định bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để làm nhà lưu niệm Nguyễn Văn Cừ chẳng hạn. Tất nhiên, các vị tiền bối có công thì chúng ta phải ghi nhớ, nhưng nếu các vị ấy còn sống mà nghe nói bỏ 100 tỉ đồng ra làm nhà lưu niệm thì chính họ cũng không đồng ý, làm như thế thì chết dân. Khi tiêu tiền của dân phải nghĩ thấu đáo.
Một xu hướng nữa là ý thức “con gà tức nhau tiếng gáy”, tại sao tỉnh họ làm được lễ hội to mà tỉnh ta không làm được…? Làm to nhưng chỉ ồn ĩ về mặt hội mà quên đi hoặc rất coi nhẹ phần lễ. Như vậy là đã làm mất đi cái hồn của hoạt động văn hóa này rồi.
* Cũng trong cuốn sách đó, ông đề cập đến vấn đề tiếp biến văn hóa. Xin ông giải thích rõ hơn cho bạn đọc khái niệm này?
- Đó là khái niệm do UNESCO đề ra và nhấn mạnh từ lâu rồi. Tiếp biến văn hóa (TBVH) là vấn đề muôn thuở. Đó là khi hai nền văn hóa gặp nhau, mỗi nền văn hóa sẽ mất đi một ít và thu về một ít để tạo ra một cái mới. Trong môn học nhân học văn hóa nó là bình thường. Trong sự phát triển của mình, Việt Nam phải chú ý đến vấn đề đó để tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.
Tôi lấy một ví dụ TBVH thành công của Việt Nam đó là áo dài. Hiện nay áo dài được coi là truyền thống, quốc phục, người ta cứ nghĩ nó đã có từ rất lâu đời như kimono của Nhật Bản, nhưng thực ra nó chỉ mới xuất hiện bảy, tám chục năm nay. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chúng ta đã có những cái áo dài tam, tứ thân cũng rất đẹp, nhưng đạo đức xã hội lúc đó theo Khổng Tử, phụ nữ chỉ là cái “máy đẻ”, những nét đẹp cơ thể của phụ nữ phải được giấu kín.
Năm 1925, Pháp mở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, các sinh viên của ta học vẽ hình thể người phụ nữ nên đã “khoác” lên họ cái áo vừa giống cái váy của phụ nữ phương Tây, vừa giống áo tứ thân của Hà Nội. Đó là thành công của TBVH Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hiện nay, đến các sân bay quốc tế, chỉ cần nhìn trang phục áo dài của các cô tiếp viên hàng không là người ta nhận ra ngay hình ảnh Việt Nam. Phố cổ, đáng lẽ cũng phải có kế hoạch để làm sao có được TBVH thật tốt, thật thành công ngay từ những năm đầu mới giải phóng. Hiện nay, khu phố cổ như phố Hàng Gai không còn nhận ra nữa. Ít nhất phải giữ được những đoạn phố như Hội An, hoặc một vài nhà cổ thực sự. Không có ai đặt vấn đề đó ra…
Phóng to |
Nhà văn hóa Hữu Ngọc - Tranh: Hoàng Tường |
* Ngoài áo dài, có TBVH nào thành công nữa không, thưa ông?
- Hát xẩm cũng là TBVH hay. Nó đã được sân khấu hóa. Hoặc như múa rối nước. Việc phục hồi các hình thức nghệ thuật này và kết hợp với các yếu tố đương đại đã mang đến thành công là múa rối nước hiện nay đã mang đi biểu diễn ở nước ngoài rất nhiều. Nhiều người cũng “lên án” quan họ bây giờ ít lãng mạn hơn do các liền anh liền chị lạm dụng âm thanh điện tử. Nhưng nếu hát trên thuyền với quy mô lễ hội như ngày nay mà không có micro thì không ai nghe thấy được.
Vấn đề là phải điều chỉnh ra làm sao để có được sự hài hòa, mọi người đều chấp nhận được. Nhất định là phải thay đổi, thời đại này, con cháu ta không chấp nhận những cái ề à nữa. Có hai cách để bảo tồn văn hóa: Giữ nguyên (như kịch nô của Nhật Bản), hoặc làm có yếu tố đương đại và nếu mọi người chấp nhận thì TBVH thành công.
* Mọi người đều biết ông là nhà “xuất khẩu văn hóa”, nhưng ông có “nhập khẩu văn hóa” không?
- Tôi viết Chân dung văn hóa Pháp, Hoa anh đào và Điện tử (chân dung văn hóa Nhật), chân dung văn hóa Mỹ, văn hóa Lào, văn hóa Thụy Điển… tôi cũng là người đầu tiên dịch Truyện cổ Grim sang tiếng Việt.
* Quỹ văn hóa Thụy Điển - Việt Nam do ông làm Chủ tịch, trong 16 năm đó, các ông đã làm được những việc gì?
- Mục đích của quỹ là giúp cho việc bảo vệ văn hóa truyền thống của Việt Nam và hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa mới. Trong 16 năm đó, chúng tôi đã thực hiện được khoảng hơn 2.000 dự án. Riêng Hà Nội thì đã bảo tồn các di tích cổ như chùa Quảng Bá (làm gác chuông để bảo vệ chuông cổ); xây lại mộ của các ông Ngô Thì Sĩ - Ngô Thì Nhậm; lưu giữ được hàng chục bức tranh sơn dầu cổ có giá trị; tu bổ chùa Thượng Khúc; cùng Hội Sử học làm một số tượng chân dung các danh nhân: Tạ Duy Hiển, Trần Đại Nghĩa, Đào Duy Anh, Huỳnh Văn Nghệ…
Bảo vệ một số bia cổ ở đình Nho Táo, Thương Khúc… In một số sách nghiên cứu rất có giá trị để làm tư liệu cho đời sau. Bên cạnh đó, quỹ hỗ trợ cho nhiều hoạt động nghệ thuật biểu diễn và triển lãm (137 cuộc) đương đại; trao học bổng cho các trường văn hóa nghệ thuật dân tộc…
* Thưa ông, quỹ này đã ngừng hoạt động, nhưng nghe nói, ông lại bận bịu với chức Chủ tịch Quỹ từ thiện văn hóa (CCF)?
- Quỹ được thành lập trên cơ sở vốn là số tiền do một bà bạn người Na Uy trước khi chết để lại (cùng với vài người bạn nữa) cho chúng tôi. Xuất phát từ suy nghĩ từ thiện văn hóa có thể đóng góp cho việc nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức dân tộc và mang lại một ý nghĩa cho cuộc sống trước sức mạnh của xã hội phát triển theo xu hướng phân hóa mạnh mẽ, chúng tôi lập ra Quỹ này.
Phương châm hoạt động của chúng tôi là: Thiết thực, trực tiếp đến tận cơ sở, ít tốn kém nhưng hiệu quả, chú ý đến người nghèo, vùng cao và nông thôn. Cũng chính vì lẽ ấy, Quỹ sẵn sàng tiếp nhận giấy trắng một mặt, vở, sách giáo khoa cũ cho học sinh những vùng bị thiên tai, bão lũ; tặng “Tủ sách nâng cao dân trí” cho nhiều trường trung học phổ thông.
Không chỉ có vậy, chúng tôi đã hỗ trợ phương tiện (máy ảnh) và kinh phí cho địa phương chụp ảnh lại những sắc phong quý trong các đình, đền. Tỉnh Hưng Yên vì thế mà đã chụp được 2.435 ảnh sắc phong để giao lại cho kho Hán Nôm, Thư viện Quốc gia…
* Xin cảm ơn ông! Chúc ông có nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc đầy ý nghĩa của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận