25/09/2010 04:11 GMT+7

Công bố bản đồ Hà Nội 1831

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Sáng 24-9, Viện Thông tin khoa học xã hội (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) đã công bố tấm bản đồ Hà Nội 1831 Hoài Đức phủ toàn đồ.

Đây là lần đầu tiên tấm bản đồ gốc được công bố, trước đây giới nghiên cứu sử học chỉ được tiếp cận với tấm Hoài Đức phủ toàn đồ thông qua bản vẽ lại và phiên âm từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ của cụ Biệt Lam Trần Huy Bá.

2xDH0x3r.jpgPhóng to
“Hoài Đức phủ toàn đồ” sau khi được scan

Tấm bản đồ được vẽ năm 1831 là năm cuối cùng của kinh thành Thăng Long, năm đầu tiên của tỉnh Hà Nội. Tấm bản đồ có chỉ giới là phủ Hoài Đức bao gồm hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: mốc năm 1831 tạo nên giá trị đặc biệt cho tấm bản đồ. Đó chính là năm vua Minh Mạng cho lập tỉnh Hà Nội đồng bộ với việc cải cách đơn vị và địa giới hành chính.

Do vậy, tấm bản đồ với tên gọi “Hoài Đức phủ” có giá trị như tấm hình dán lên căn cước của “tỉnh Hà Nội” được thành lập năm 1831 để hơn nửa thế kỷ sau đó (1888) ra đời thành phố Hà Nội.

Theo mô tả của Viện Thông tin khoa học xã hội, hiện trạng của Hoài Đức phủ toàn đồ là: “Một tấm bản đồ mộc, được vẽ tay trên giấy troky, gồm nhiều mảnh ghép, kích thước 175x190cm.

Tên các địa danh và chú giải trên bản đồ được ghi hoàn toàn bằng chữ Hán và chữ Nôm; bản đồ ghi theo tỉ lệ 1/500 trượng (theo đơn vị đo độ dài cổ); hoàn thành ngày 15-5-1831 (năm Minh Mạng thứ 12); đồng tác giả Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến...”.

Hoài Đức phủ toàn đồ chỉ rõ số lượng các cửa ô, tên từng cửa ô. Theo đó, năm 1831 thành Hà Nội có 17 cửa ô, trong đó 10 cửa ô nằm ở phía đông thành, hai cửa ô phía tây, hai cửa ô phía bắc và ba cửa ô phía nam.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực trạng và các ghi chú trên tấm bản đồ, các nhà nghiên cứu sử vẫn còn không ít hoài nghi và đặt câu hỏi: liệu đây có phải là tấm bản đồ được vẽ vào năm 1831 hay không? Vì bản đồ dù được vẽ theo đơn vị đo độ dài cổ là trượng nhưng cách chia tỉ lệ rõ ràng theo phong cách phương Tây.

Các nhà khoa học đã đề xuất nên nghiên cứu kỹ về vật liệu giấy, phân biệt kiểu và nét chữ Hán... để xác định rõ niên đại của tấm bản đồ, đồng thời với việc tìm giải pháp hữu hiệu để gia cố, ngăn chặn tình trạng hư hỏng của tấm bản đồ.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên