05/09/2010 07:17 GMT+7

Thế hệ mới của Văn học tuổi 20

LAM ĐIỀN ghi
LAM ĐIỀN ghi

TT - Gặp nhau ở một giải thưởng, những tác giả Văn học tuổi 20 lần này có những góc nhìn riêng, những cách thu xếp không giống nhau để đến với văn chương.

Điều đáng quý là mỗi người đều trân trọng công việc viết lách và tự nhận mình chung thủy với trang văn...

cRiL5S5X.jpgPhóng to

Nguyễn Thiên Ngân - gương mặt trẻ nhất trong những tác giả đoạt giải Văn học tuổi 20 lần IV (do NXB Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Hải Miên: Tôi nghiện tiếng Việt

k3Q7th5P.jpgPhóng to

Cuộc thi Văn học tuổi 20 năm nay, một dấu hiệu mừng

Tôi vốn thích vẻ đẹp mang tính chủng tộc. Một vẻ đẹp thuần chủng cũng gợi lên rất nhiều cảm hứng và có lẽ đó là một khởi đầu của việc hình thành một tinh thần dân tộc trong khi cầm bút. Và để có tình yêu với dân tộc mình, người cầm bút phải sống, tìm hiểu và đọc. Nhiều người trẻ ít chú ý đến mảnh đất mình đang sống mà chỉ quan tâm đến những vùng xa.

Khi viết, tôi có khả năng nhập thân thật kỳ lạ: ngay thời điểm đang viết thì tôi chính là nhân vật, cả con người mình cũng có thái độ, tương tác giống như vậy. Ngay cả cái tứ “nghiện tiếng Việt” cũng là một trạng huống thực tế trong cuộc sống của tôi. Có lẽ sống trong môi trường viết lách, lại có một người mẹ sành tục ngữ ca dao, Truyện Kiều và các lối vận dụng lời ăn tiếng nói, nên tôi thật sự không biết nếu chẳng may rơi vào chỗ không dùng tiếng Việt nữa thì tôi sống thế nào. Người viết cần tích lũy để khi viết thì ngôn từ cấu tứ có được sự dụng công. Tôi làm báo mười mấy năm, khiến cho trước khi viết cái gì cũng xét xem mình có biết về chuyện ấy không. Cách sống duy lý ấy bổ sung tương hỗ cho công việc viết văn - vốn cộng hưởng trên nền cảm xúc.

Thiên Di: Tôi ấp ủ đề tài về người Chăm

KZ3aIwLX.jpgPhóng to

Tôi chỉ mới viết văn từ năm 2005 - khi tốt nghiệp đại học. Với tôi, viết văn là một công việc quan trọng, vì có những chuyện nếu không viết thì tôi chẳng biết làm gì. Có khi, viết cũng là một cách để giải tỏa stress. Tôi chỉ sợ cuộc sống bộn bề quá, đến một lúc nào đó mình sẽ quên mất rằng mình cũng từng thích viết. Mỗi ngày tôi dành thời gian buổi chiều để viết, có khi viết lúc khuya, và cũng có khi viết lúc giật mình tỉnh giấc và nảy ra ý tứ gì đó.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất gắn liền với văn hóa Chăm (quê Khánh Hòa, thường trú Bình Thuận - PV) nên tôi đang ấp ủ một đề tài về truyền thuyết liên quan đến người Chăm, theo dạng phiêu lưu. Nhưng vì chưa nắm rõ các kiến thức về lịch sử, văn hóa của người Chăm, kể cả các tập tục của cộng đồng người Chăm từng vùng... nên chưa chấp bút được.

Trương Anh Quốc: Chờ tàu không lắc... để viết

AIWTXZ7j.jpgPhóng to

Để viết văn, tôi phải suy nghĩ, hình dung về cốt truyện trong khi đang làm việc. Đến sau bữa cơm trưa thì bắt tay vào viết. Cuộc sống trên tàu viễn dương lắm khi phải chờ lúc tàu không lắc mới viết được. Tôi không viết văn buổi khuya được vì phải ngủ để lấy sức ngày mai làm việc. Tôi chắc là sẽ theo đuổi văn chương như một cái nghiệp, chứ không dùng văn chương để làm nghề. Tôi đã có nghề để nuôi cái nghiệp này. Thu xếp như vậy, tôi thấy chuyện viết văn của mình không bị áp lực gì cả, có khi trong một tháng tôi viết xong bảy truyện, và cũng có những giai đoạn suốt liền bảy tháng tôi không viết được truyện nào. Do vậy, chuyện viết cái gì là do mình quan tâm, mình có cảm hứng thì viết thôi, không quan trọng việc người ta có thích cái mình viết hay không. Trong văn của mình, tôi cũng chủ ý viết càng kín càng tốt, tức những gì cần nói thì giấu ẩn đi.

Quỹ thời gian của mình có thể phân chia thành: một phần ở trên bờ, chín phần lênh đênh trên biển, khi nào vào bờ thì đi nhà sách, mua một lô lốc sách đem xuống tàu...

Đỗ Duy: Văn chương là người bạn lớn

lUKlQesR.jpgPhóng to

Tôi là một người luôn cần có bạn bè, cả khi vui lẫn khi buồn. Và văn chương là một người bạn lớn tôi có thể trải lòng để vui buồn tận cùng mà không phải làm phiền một ai bên cạnh. Tôi muốn theo đuổi con đường văn chương, và giải thưởng Văn học tuổi 20 như là chìa khóa mở ra một cánh cổng để bước vào những con đường tiếp theo. Dự thi văn học, hi vọng mình cũng có thêm bạn viết. Còn nữa, những cuộc thi văn chương cũng là động lực cho mình viết, vì có những khi mình lười, viết không ra đầu ra đũa gì cả, chính việc tham dự một cuộc thi bắt mình phải ngồi lại, viết cái gì đó cho ra hình ra dạng hơn.

Thật ra, viết về tuổi 20, với tôi, là viết bằng hồi tưởng. Tôi muốn viết nhiều hơn về tuổi 30. Tuổi 30 có nhiều gai góc, nhiều hoang mang hơn. Có lẽ tôi sẽ tích lũy chất liệu, tìm cảm hứng và xây dựng từ thực tế của tuổi 30 một chân dung văn học và viết một truyện dài về đề tài này.

Nguyễn Thị Mạnh Hà: Tôi quan tâm đến các mối quan hệ

Gosa9uSN.jpgPhóng to

Mỗi khi viết, tôi bắt đầu từ những gì xung quanh mình, đã khiến mình bận tâm, và đó là những gì còn đọng lại ở mình. Tôi quan tâm đến các mối quan hệ giữa người với người. Con người và các mối quan hệ luôn chứa đựng những cái hay nhất và không ít bất ngờ, thú vị đằng sau những cái tưởng như bình thường. Với công việc biên tập nội dung cho một số website tại TP.HCM, môi trường công việc cũng là nơi tôi thu thập tư liệu để viết.

Mai Anh Tuấn: Viết là nhu cầu khám phá nội tâm

LDytw0Eo.jpgPhóng to

Tôi thấy mình có khả năng và tìm thấy niềm vui nơi công việc hiện tại: dạy văn ở trường đại học (quê Quảng Bình, dạy học tại Hà Nội - PV). Còn viết văn, đây là nhu cầu khám phá nội tâm của mình, và viết văn cũng có mối quan hệ hỗ tương với chuyện dạy văn. Do lẽ làm công tác giảng dạy thường phải nghiên cứu, đó là quá trình trau dồi kiến thức để chuyển tải đến sinh viên. Dạy văn giống viết văn ở chỗ cả hai đều là đối thoại, nhưng viết văn thì đối thoại hẹp hơn. Với một người giảng dạy văn chương, khi đã nghiên cứu và nắm các lý thuyết về bút pháp, thi pháp thì viết văn cũng chính là lúc để nghiệm xem những lý thuyết kia ứng dụng thực tế vào sáng tác, vào những tác phẩm cụ thể ra sao.

Tôi không có dự định gì cho văn chương, vả lại tôi thường không làm theo được những kế hoạch đặt ra từ trước. Có lẽ lúc nào đó tôi sẽ viết nhiều, và đến khi nào đó thì tôi viết ít lại.

Võ Diệu Thanh: Còn sống là còn viết văn

DuSVcxON.jpgPhóng to

Tôi đang ấp ủ đề tài viết một quyển tiểu thuyết về vùng đất cách mạng Giồng Trà Dênh. Đề tài này hay nhưng khó viết, bởi tính chất phức tạp của câu chuyện liên quan đến những đất, những người... Mỗi ngày, chỉ buổi tối sau khi đã làm xong các công việc khác tôi mới ngồi vào viết, nhiều nhất chỉ viết được hai tiếng thôi. Với tôi, viết văn là để mình lớn lên được một chút, có khi cũng là để giải trí, để thấy mình gần gũi với cuộc sống xung quanh... cho nên viết văn thật là quan trọng.

Tôi bắt đầu viết từ năm 1994, nhưng sau đó có một thời gian dài suốt chín năm tôi không viết gì, đến năm 2002 mới viết trở lại. Việc viết văn của tôi thường không được gia đình ủng hộ, bởi có khi cần phải đi thực tế để lấy tư liệu cho trang viết, như viết về Giồng Trà Dênh là tôi phải đến ở với người dân vùng đó, xa nhà (An Giang - PV) mấy chục cây số... Những người trong nhà thấy tôi đi lại như vậy, lo lắng cho sức khỏe của tôi. Nói vậy thôi, chứ tôi yêu công việc này, có thể nói: còn sống là còn viết văn.

Hương Thị: Kiến thức phải được thẩm thấu

cCzjaCPN.jpgPhóng to

Tôi chọn con đường viết lách, và chắc là sẽ sống chung với việc viết cả đời rồi. Về những giải thưởng văn chương, tôi thấy giải thưởng bao giờ cũng có hai mặt: nó là động lực, thúc đẩy mình tiếp tục phấn đấu, đồng thời giải thưởng cũng là dấu mốc, là một cao điểm mình đã vượt qua, thách thức mình tiếp tục với những cao điểm khác. Không hiểu sao cứ mỗi buổi chiều là tôi thấy thăng hoa hơn, nên tôi thường chọn viết vào buổi chiều. Giữa cuộc sống vô cùng bộn bề (tác giả sống ở Hà Nội - PV), nếu mình để ý đến các chi tiết dù nhỏ nhất và kết nối, xâu chuỗi nó lại sẽ thấy mọi cái trong cuộc đời đều hợp lý, và nó cũng là chất liệu cho văn chương.

Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, việc viết văn đòi hỏi người viết bớt dần cái tôi cá nhân của mình. Và với hành trình văn chương, việc học tập tích lũy vốn liếng để trang viết của mình có chiều sâu kiến thức là chuyện mình luôn hướng đến. Với tôi, kiến thức trong văn chương phải là kiến thức được thẩm thấu qua sự tiếp nhận của tác giả, chứ không đơn thuần là lặp lại từ một nội dung khoa học nào đấy hay bê nguyên xi từ cuộc sống đặt vào trang văn.

Nguyễn Thiên Ngân - gương mặt trẻ nhất đoạt giải

u1G2w76o.jpgPhóng to

Tôi đã từng làm giám khảo cuộc thi sáng tác văn thơ “Chân dung tuổi mới lớn” của báo Mực Tím năm 2005 và đã hoàn toàn tự tin khi chấm Nguyễn Thiên Ngân - năm đó mới 17 tuổi - giải nhất với một chùm truyện ngắn dự thi. Tôi không biết Thiên Ngân là ai, ngày trao giải mới hay cô đang học lớp 11 ở Buôn Ma Thuột. Mới 17 tuổi, vậy mà Thiên Ngân tỏ ra chững chạc, sâu sắc, trong văn và cả ở ngoài đời. Tôi tin Ngân sẽ còn tiến xa. Và quả đúng như vậy.

Năm năm sau, trước khi đến với cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 4, Thiên Ngân đã kịp có ba tập truyện (Cặp vòng mây, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2007; Ngôi nhà mặt trời, NXB Phụ Nữ, 2008; Đường còn dài, còn dài, Tủ sách Tuổi Trẻ - NXB Trẻ, 2009). Phải nói truyện vừa Đường còn dài, còn dài chính là một bước tiến mạnh của Ngân, tôi gần như không phải biên tập gì khi làm cuốn này.

Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi hay tin Thiên Ngân đoạt giải kỳ này.

LAM ĐIỀN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên