17/08/2010 00:02 GMT+7

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: Nguy cơ mất một dự án lớn

LAM GIANG
LAM GIANG

TT - Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) vừa gửi thư đến UBND tỉnh Quảng Bình về việc (tỉnh phải) hoàn trả số tiền 200.000/360.000 euro mà ngân hàng này đã chi cho dự án Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tại sao lại có cơ sự như vậy?

nSW75F4H.jpgPhóng to
Người dân ở Phong Nha có kế sinh nhai tốt hơn nếu Phong Nha - Kẻ Bàng được bảo tồn tốt - Ảnh: Lam Giang

1. Với mục đích bảo tồn, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân, giảm thiểu hoạt động bất hợp pháp vào Phong Nha - Kẻ Bàng, phát triển du lịch sinh thái... cũng như bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của Phong Nha - Kẻ Bàng, UBND tỉnh Quảng Bình đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tìm kiếm nhà tài trợ.

Quảng Bình sẽ “sửa chữa”

Đứng trước nguy cơ một dự án được nước ngoài tài trợ có thể bị mất, ngày 12-8 UBND tỉnh Quảng Bình đã họp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Hoài đã thẳng thắn nhìn nhận: ban quản lý dự án hiện nay không đảm đương nổi nhiệm vụ quản lý dự án. Và UBND tỉnh sẽ lựa chọn một trong hai phương án “sửa chữa” là bổ nhiệm một lãnh đạo Sở Kế hoạch - đầu tư làm giám đốc dự án như cam kết ban đầu với KfW, hoặc đưa ban quản lý dự án lên trực thuộc UBND tỉnh quản lý. Có như vậy mới tiếp tục thực thi được dự án và mới được KfW tiếp tục tài trợ vốn cho năm 2010 và đến 2015.

Chính phủ hai nước VN và CHLB Đức đã đạt được thỏa thuận là “Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ được thực thi theo chương trình hợp tác kỹ thuật của GTZ (Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức) và hợp tác tài chính của KfW” với tổng nguồn vốn 15,77 triệu euro. Trong đó Đức tài trợ 9,8 triệu euro không hoàn lại và 4,6 triệu euro cho vay ưu đãi, còn lại là vốn đối ứng của VN. Tháng 9-2008 dự án chính thức đi vào hoạt động, thời gian thực hiện đến năm 2015.

Dự án được thực thi trên địa bàn 146 thôn của 13 xã ở các huyện Bố Trạch, Minh Hóa và Quảng Ninh với tổng diện tích 225.000ha.

Các điều kiện mà dự án đưa ra là vùng lõi của Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ được mở rộng thêm khoảng 30.000ha ở hai xã Thượng Hóa và Hóa Sơn thuộc huyện Minh Hóa (năm 2009 đã được mở rộng, được quản lý như là rừng đặc dụng). Tối thiểu 4.250ha đất trống đồi trọc được cấp sổ đỏ cho hộ dân trồng rừng và 11.900ha đất rừng giao cho thôn, bản quản lý theo hình thức cộng đồng...

2. Nguyên nhân nào khiến KfW “đòi” tỉnh Quảng Bình hoàn trả tiền? Theo KfW đã nêu rõ trong các công thư đến UBND tỉnh, phía tỉnh đã làm trái thỏa thuận với KfW khi thực hiện dự án và tính tự chủ của ban quản lý dự án (trực thuộc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh).

Cụ thể là ngày 9-3-2010, KfW đã có công thư nêu rõ với UBND tỉnh: “Việc huy động cán bộ vườn quốc gia tham gia lập kế hoạch quản lý vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng không thực hiện được vì vốn đối ứng không đủ chi trả. Ban quản lý dự án đã không có phản ứng hữu hiệu trước tình trạng đốt rừng và phát quang rừng tự nhiên ở vùng đệm như đã báo cáo. Vẫn còn thiếu sự chủ động và quản lý dự án”.

Ngoài ra còn có vấn đề mà KfW đã đưa ra nữa là các tổ chức phi chính phủ (NGO) chưa tham gia các cuộc khảo sát đa dạng sinh học, do ban quản lý dự án làm trái các thỏa thuận trước đó...

3. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đến nay tỉnh Quảng Bình mới giải ngân được 114.000 euro/360.000 euro mà KfW đã chi trong tháng 7-2009. Do sự chậm trễ tiến độ thực hiện dự án (qua số vốn tỉnh đã giải ngân), từ đầu năm 2010 đến nay KfW đã nhiều lần gửi công thư đến ban quản lý dự án và UBND tỉnh thông báo trách nhiệm thực thi và cung cấp chứng từ (giải ngân vốn) thể hiện hoạt động của dự án như cam kết.

Không được tỉnh cung cấp chứng từ như yêu cầu nên ngày 14-6-2010 KfW đã có công thư đến UBND tỉnh Quảng Bình và các cơ quan liên quan yêu cầu hoàn trả số tiền 200.000 euro trong số 360.000 euro mà KfW đã cấp cho dự án hoạt động trong thời gian từ tháng 7-2009 đến 6-2010.

Đáp ứng các yêu cầu của KfW, ngày 15-7 UBND tỉnh Quảng Bình mới có công văn yêu cầu các lâm trường quốc doanh và nhân dân ở địa bàn 13 xã vùng đệm không được dùng phương pháp đốt để xử lý thực bì ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng.

Về vốn đối ứng, đến tháng 8 năm nay tỉnh vẫn chưa cấp đủ cho dự án. Về tính tự chủ của ban quản lý dự án như KfW đã nêu, đáng ra tỉnh phải bổ nhiệm một lãnh đạo của Sở Kế hoạch - đầu tư làm giám đốc ban quản lý dự án như đã cam kết với KfW, nhưng UBND tỉnh lại bổ nhiệm một trưởng phòng của sở này làm giám đốc nên không đủ năng lực điều hành hoạt động của dự án. Vì vậy trong tháng 6-2010 KfW đã đề xuất chuyển ban quản lý dự án lên trực thuộc UBND tỉnh để tăng tính tự chủ trong các hoạt động.

Ông Nguyễn Viết Thạo, giám đốc Ban quản lý dự án khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, thừa nhận đến ngày 10-8-2010 việc thực thi dự án đã bị chậm tiến độ. Trong đó việc trồng 4.250ha rừng, khoanh nuôi bảo vệ hơn 11.000ha cho người dân sinh kế theo cam kết thực hiện dự án thì đến nay tỉnh chưa trồng được bao nhiêu.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên