Phóng to |
* Thưa nhà văn, dịch giả Châu Diên, ông đã dịch Mặc cảm của Ð của Ðới Tư Kiệt và hẳn cũng đã đọc Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa mà Lê Hồng Sâm dịch, vậy Vào một đêm không trăng có gì khác hơn, đặc biệt hơn?
- Phải nói rằng trong ba tác phẩm của Ðới Tư Kiệt, cuốn Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa là cuốn hay nhất, tiểu thuyết nhất, đau lòng nhất, xứng đáng là một cuốn sách đầu tay, vắt kiệt sức ra mà viết.
Nhưng nhà văn không thể chỉ viết một cuốn sách. Phải có những cuốn tiếp nối. Hai cuốn sau cũng hay, đã bớt đi cái cuốn hút lãng mạn của Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa song lại hơn hẳn ở chỗ bình tĩnh hơn, trưởng thành hơn, sâu xa hơn, do đó cũng buộc người đọc phải trưởng thành theo, sâu xa theo.
Vào một đêm không trăng mổ xẻ vào tính không thể hiểu nhau giữa Ðông và Tây và chính cái không hiểu nhau đó - phát triển lên thành một thứ tội lỗi tập thể ai lo phận nấy - cái tội lỗi đã gây cho Trung Hoa nhiều bi kịch.
Toàn cảnh bức tranh Trung Hoa được ông miêu tả sắc nét hơn, dù vẫn mang tính huyền ảo của một bút pháp không thích lộ diện và do đó cũng khó đọc hơn, mặc dù sẽ thuyết phục hơn sau khi thật sự đọc nó.
Phóng to |
Sách do NXB Phụ Nữ ấn hành |
* Một điều mà nhiều người sẽ thắc mắc: đâu là ranh giới thực hư trong tiểu thuyết này?
- Thực hư là căn cứ vào đâu? Tất cả những gì Ðới Tư Kiệt viết đều thực. Cái thực đó là điều nhà văn nghĩ trong bụng rằng đó là cái thực.
Ở tiểu thuyết Vào một đêm không trăng, có nhiều yếu tố gây cho bạn đọc cảm giác hư hư thực thực qua bút pháp huyền ảo xuất sắc của tác giả. Nói chung, cái chất thực không nằm ở chỗ có hay không có nhân vật đó, sự kiện, sự vật đó, mà cái thực nằm ở cái bản chất ai ai đọc đến đó cũng thừa nhận.
Ví dụ cuộc tìm kiếm đầy chất người cho một cái đẹp. Hình ảnh những con người cô đơn và quyết liệt trong cuộc tìm kiếm. Tư cách của những trí thức. Sự nâng đỡ của tình yêu... Ðới Tư Kiệt muốn tác động tâm lý đó, ông không định trình bày sử liệu.
Khủng khiếp nhất và bi quan nhất là ý tưởng về sự Con người đi mà không nhìn xuống chân mình - họ kiêu căng trông đây trông đó, trừ việc trông vào chính chỗ bàn chân mình đặt vào - chỉ có ở chỗ đó mới không có vực thẳm.
* Có vẻ như ông thích dịch Ðới Tư Kiệt?
- Tôi không chọn Ðới Tư Kiệt. Nhưng đó là một cái duyên. Nhà xuất bản bảo tôi dịch Ðới Tư Kiệt. Thế rồi tôi gặp ông ấy ở Hà Nội. Chúng tôi trò chuyện với nhau. Ông ấy còn mời tôi đóng phim của ông quay ở Hà Nội, vai nhà sư xuất hiện 1 phút trong bộ phim Những cô gái con ông chủ vườn thảo dược, một phim về đồng tính nữ.
Ðến khi dịch cuốn Vào một đêm không trăng, Ðới Tư Kiệt lại qua Hà Nội, lại gặp tôi, trò chuyện mãi ông ta mới lộ ra ý đòi xem bản thảo và tôi đoán được ngay ông chỉ muốn đọc đoạn dịch quan trọng nhất - ngụ ngôn của Ðức Phật ghi trên cuốn lụa: "Vào một đêm không trăng, một kẻ lữ hành cô độc lần bước trong bóng đêm đi dọc theo một con đường nhỏ dài dặc, con đường nhòa vào với núi và nhòa vào với trời...".
Ðoạn này được lặp lại ba lần trong cuốn sách, cần dịch du dương như thơ...
Ðới Tư Kiệt không biết tiếng Việt, nhưng khi tôi đưa ba đoạn văn đó cho ông coi, ông đã mỉm cười nói với tôi: "Thôi thế là được rồi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận