Hoàng thành Thăng Long được công nhận di sản văn hóa thế giới"UNESCO đánh giá rất cao di sản Hoàng thành Thăng Long"
Giáo sư cũng lưu ý trong số những di tích còn lại, bảo tồn các di tích khảo cổ học dưới lòng đất là một công việc cực kỳ khó khăn và cần phải nghiên cứu lâu dài. Riêng đối với công việc phục dựng những di tích đền đài đã bị phá hủy, giáo sư Lê thừa nhận hiện các nhà khoa học chưa tập hợp đủ các cứ liệu khoa học để tiến hành công việc này.
“Hiện nay chúng ta phải chấp nhận thực tế là có đến đâu làm đến đấy” - giáo sư Lê nói.
Phóng to |
Du khách tham quan điện Kính Thiên trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: Việt Dũng |
Là người trực tiếp tham dự cuộc họp tại Brazil để xét duyệt Hoàng thành Thăng Long, ông Phạm Sanh Châu cho biết bên cạnh những giá trị không thể phủ nhận của Hoàng thành Thăng Long, chúng ta cũng gặp may mắn là việc đưa hồ sơ xét duyệt di sản này phù hợp với một xu thế mới đang bắt đầu thịnh hành ở UNESCO.
“Bên cạnh việc thừa nhận các giá trị vật thể có thể nhìn thấy được, ngày nay UNESCO ngày càng đánh giá cao vai trò của những di tích khảo cổ và những giá trị về mặt tinh thần và lịch sử của di sản”.
Ngoài yếu tố giá trị của di sản, ông Châu cho rằng chúng ta cũng phải mất một thời gian dài vận động, thuyết phục hội đồng thẩm định của UNESCO cũng như đại biểu 21 nước tham dự hội nghị. Tuy nhiên, ông Châu cũng khẳng định việc bảo tồn nguyên trạng Hoàng thành Thăng Long là một việc làm hết sức cấp thiết, nếu không Hoàng thành Thăng Long sẽ bị UNESCO liệt vào danh sách cảnh báo đỏ và đưa ra khỏi danh sách di sản thế giới của tổ chức này.
Trong thời gian tới, nhất là dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, toàn bộ khu di tích Hoàng thành Thăng Long sẽ được mở cửa đón khách tham quan.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn (giám đốc khu di tích thành cổ Hà Nội), thực hiện công ước của UNESCO, sau khi quân đội bàn giao hết những phần đất thuộc khu di tích, ban quản lý sẽ tính đến phương án mở thêm một số cửa đón khách. Các cổ vật được tìm thấy trong quá trình khai quật sẽ được trưng bày tại chỗ. Trong dịp đại lễ, những hiện vật tiêu biểu được trưng bày tại hai căn nhà ở trung tâm thành cổ và tòa nhà ở nền điện Kính Thiên.
Sáng cùng ngày, phiên họp của Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu và bảo tồn khu di tích Cổ Loa - thành cổ Hà Nội đã được tổ chức. Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia về di sản đã cùng ngồi lại với nhau để cùng bàn về một phương pháp bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản văn hóa thế giới này.
Một số chuyên gia đề xuất nên làm rõ quy hoạch tổng thể khu Hoàng thành Thăng Long và đặt nó trong quy hoạch chung của thủ đô. Thậm chí nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc còn đề nghị không nên tiếp tục đào khảo cổ ở cả khu 18 Hoàng Diệu và thành cổ mà phải tập trung vào bảo tồn, để di tích trên và dưới lòng đất hài hòa với nhau.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn di tích ở khu di sản còn quá mỏng. Cần nới rộng các cơ chế tuyển dụng cán bộ để thu hút nhiều hơn nữa các chuyên gia về bảo tồn, đặc biệt là chuyên gia bảo tồn di tích cổ. Mặt khác, cần phải đưa những giá trị của di sản đến gần người dân hơn nữa bởi chính họ là những người sẽ phải tiếp tục công tác giữ gìn di sản này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận