Phóng to |
Bìa sách Hà Nội là Hà Nội - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Không còn cái chanh chua, đáo để, viết cho sướng tay, nói cho sướng miệng của thời Tự nhiên như người Hà Nội (tập sách đầu tiên); cũng qua đi cái thông minh, soi mói giữa quẩn quanh bế tắc chốn công sở của cái thuở Ăn phở rất khó thấy ngon, Hà Nội là Hà Nội là cái nhìn và sự suy tư của một người đàn ông trưởng thành và đầy trách nhiệm xã hội.
Vẫn duyên dáng và hài hước, nhưng Hà Nội bây giờ là chân dung những con người Hà Nội, những câu chuyện cụ thể và những ứng xử cụ thể trong nhiều vấn đề, từ riêng tư góc bếp đến vĩ mô mở rộng thủ đô.
Tác giả đưa đẩy câu chuyện khéo và duyên, từ chuyện ai hát Trịnh Công Sơn hay nhất, chuyện rau tươi sách sạch đến chuyện một tuần ngập lụt nằm co nhịn đói trên gác. Những câu chuyện ấy nếu là ở tập sách đầu tiên chắc hẳn sẽ đậm chất văn chương blog, châm chích sắc lẻm, khơi nguồn cho nhiều bình tán cay chua, nhưng ở tập sách mới nhất này chất tư liệu, biên khảo và giọng văn đã nhuốm màu chiêm nghiệm lại tạo nên một hiệu ứng khác: sự tin cậy, chia sẻ.
Hà Nội là Hà Nội còn có một sự thú vị khác: Hà Nội trong cái nhìn “tham chiếu” với những đô thị khác: Sài Gòn, Siem Reap, Hạ Long, Huế, Quy Nhơn… Tuy chỉ mới là những phác thảo kiểu “người đi qua phố” nhưng con mắt của một người Hà Nội nhớ Hà Nội ở nơi không phải Hà Nội đã phát hiện những chi tiết lạ (kiểu “thành phố đã đi ngủ trưa” khi đi qua Quy Nhơn), những gợi ý đầy chất xây dựng về một đô thị xanh hơn, nhân văn hơn, mộng mơ hơn (những suy tưởng bên thềm Siem Reap).
Và tình yêu Hà Nội ngày càng “đằm” hơn qua thời gian như thế, Hà Nội là Hà Nội chắc chưa phải là cuốn sách cuối cùng của Quý về thành phố quen thuộc mà lạ lùng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận