Diễn viên nhí vào mùa - Kỳ 3:
Kỳ 1: Nhật ký “con đi đóng phim” Kỳ 2: Vụt sáng và... mất hút
Phóng to |
Đúng là nhiều người đi qua phim ảnh nhẹ nhõm như một cuộc dạo chơi tình cờ. Nhưng cũng không hiếm người đắm say và những vai diễn đầu tiên khi còn nhỏ lại là “duyên khởi” để họ tiếp tục gắn bó và tỏa sáng với phim ảnh khi trưởng thành.
Từ diễn viên nhí đến “đào chính”
Trần Thiên Tú sinh ra để làm diễn viên. Năng khiếu diễn xuất ở cô ấy là thiên phú. Khi làm Áo lụa Hà Đông, tôi đã nhận ra cô ấy vô cùng thông minh, đạo diễn nói một, cô ấy đã hiểu hai. Tôi không cần phải giải thích nhiều cho cảnh quay hoặc giả đưa ra ví dụ để thị phạm. Tú kỳ lạ lắm, cô ấy chưa bao giờ sống ở Sài Gòn vậy mà vô Sài Gòn cô ấy có thể ngay lập tức nói giọng Sài Gòn, vào Hội An cô ấy nói đúng giọng Hội An. Cái này học cũng không thể. Tôi biết nếu Thiên Tú cao hơn một chút, ngoại hình bắt mắt hơn thì có lẽ nghiệp diễn xuất của cô ấy sẽ suôn sẻ hơn. Nhưng có quá nhiều người đẹp không biết diễn xuất lên phim rồi. Là đạo diễn, tôi nghĩ nếu đã yêu khả năng diễn xuất của diễn viên, dù họ có thế nào thì đạo diễn sẽ nung nấu tìm kiếm ý tưởng cho diễn viên đó. Khi chọn Thiên Tú vào phim Huyền thoại bất tử, tôi vẫn tiếc cho cô ấy vì đất diễn cho nhân vật nữ không nhiều. Thế nên tôi đang viết một kịch bản phim nghệ thuật dành riêng cho diễn viên Như Quỳnh và Thiên Tú, để với dự án đó tôi tin Thiên Tú sẽ thật sự tỏa sáng. |
Đỗ Nguyễn Lan Hà từng xuất hiện trong bộ phim Đời cát của đạo diễn Thanh Vân với vai bé Danh. Khi đó Lan Hà 12 tuổi, diễn xuất của cô bé theo lời đạo diễn Thanh Vân là rất bản năng, nhưng với những ai yêu mến Đời cát sẽ khó quên được cô bé xinh xắn khép nép bẽn lẽn bên cạnh “mẹ” Hồng Ánh.
Tám năm sau đó, khi đã đi hết trong Nam ngoài Bắc để tìm cô Mai - nhân vật chính cho bộ phim Trái tim bé bỏng, đạo diễn Thanh Vân và Hồng Ánh (phó đạo diễn, cũng là mẹ của Mai trên phim) lại chợt nhớ đến Lan Hà. Thử vài phân đoạn, cả hai người nhận ra đây chính là Mai của Trái tim bé bỏng. Và vai diễn ấy đã đem lại cho Đỗ Nguyễn Lan Hà giải Cánh diều vàng cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2007.
Khá giống trường hợp của Đỗ Nguyễn Lan Hà, cô bé Trần Thiên Tú lấy được quá nhiều nước mắt của người xem khi vào vai bé Ngô trong Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh. 13 tuổi, sinh hoạt ở Cung Thiếu nhi Hà Nội và được đạo diễn Lưu Huỳnh chọn vào phim một cách rất tình cờ, để từ đó chiếc áo lụa trắng trên tay và gương mặt xuất thần của Trần Thiên Tú ở cảnh cuối bộ phim đã trở thành một hình ảnh khó quên.
Không sở hữu một nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” hay ngoại hình sáng màn ảnh, nhưng Trần Thiên Tú chiếm được trọn vẹn tình cảm của đạo diễn nổi tiếng khắt khe Lưu Huỳnh.
Với cô bé này, Lưu Huỳnh không tiếc lời khen ngợi, rằng đây là một diễn viên có năng khiếu diễn xuất thiên bẩm, giao vai cho cô ấy anh hoàn toàn yên tâm cô sẽ làm anh hài lòng. Thế nên dù Huyền thoại bất tử là một phim chiếu Tết của Hãng Phước Sang (thường vì nhu cầu doanh thu nên yếu tố ngôi sao sẽ được đặt lên hàng đầu) nhưng Lưu Huỳnh vẫn kiên quyết dành vai nữ chính cho Trần Thiên Tú.
Cô gái 17 tuổi tên Trinh, giận mẹ mà bỏ nhà đi không phải là một vai dễ lấy nước mắt như trong Áo lụa Hà Đông, nhưng nó đánh dấu một sự trưởng thành đáng kể trong cả hình thức lẫn nội dung của Thiên Tú. Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng cho biết anh rất thích cách diễn của cô bé này và tin tưởng cô sẽ còn đi xa hơn nếu theo nghiệp điện ảnh.
Còn mãi “em bé Hà Nội”
Khán giả yêu phim Việt có lẽ khó lòng quên cô bé Ngọc Hà trong bộ phim nổi tiếng năm 1974 của đạo diễn Hải Ninh: Em bé Hà Nội. Đây cũng là vai diễn đầu tiên của NSND Lan Hương, khi đó vừa tròn 12 tuổi.
Đạo diễn, NSND Hải Ninh đã đến tận nhà xin phép mẹ cô bé Lan Hương để em vào vai chính trong phim. Lợi thế là đôi mắt to tròn đầy biểu cảm như luôn muốn cất tiếng nói, nhân vật Ngọc Hà đã làm người xem sống với những thời khắc sau các cuộc ném bom B52 của Mỹ xuống Hà Nội, cô bé Ngọc Hà phải đi tìm bố mẹ và em gái của mình sau trận bom. Vai diễn này của Lan Hương đã làm rất nhiều khán giả nước ngoài bật khóc vì thương cảm những mất mát vô lý mà một đứa trẻ phải chịu đựng trong chiến tranh.
Nếu đạo diễn Hải Ninh không nói ra trong một lần trả lời phỏng vấn, rằng ông đã mất bao công sức đi tìm một em bé Ngọc Hà cho phim thì cũng ít ai biết mẹ Lan Hương đã sợ cho con gái đi đóng phim đến mức cắt luôn hai bím tóc rất xinh của Hương để ông đạo diễn đừng “nhòm ngó” con gái mình nữa.
Lan Hương hôm nay đã trở thành một NSND gắn bó cả cuộc đời với màn ảnh và sân khấu. Cái tên “em bé Hà Nội” đã đi theo chị đến tận bây giờ như một sự ghi dấu vai diễn đầu tiên - cũng là vai diễn mở rộng cánh cửa cho chị đến, ở lại với bộ môn nghệ thuật thứ bảy và có đủ đầy những thành công với nó.
Hình như có một mẫu số chung của các diễn viên kể trên khi họ khẳng định được bản năng diễn xuất lúc còn rất bé từ phim đầu tiên, gặp được vai diễn giàu biểu cảm cũng như đạo diễn có cặp mắt xanh. Khi đã có sẵn năng khiếu cùng sự đam mê điện ảnh, nếu có một môi trường nuôi dưỡng tốt, những mầm xanh ấy sẽ có nhiều cơ hội trưởng thành hơn trong tương lai.
Những hành trang điện ảnh mà diễn viên nhí có từ thuở nhỏ đến cái tuổi bắt đầu làm người lớn chắc chắn sẽ là thuận lợi đáng kể để các em đi tiếp. Tuy nhiên, may mắn lại thường không nhiều, thêm việc trường lớp đào tạo điện ảnh bài bản ở ta cho cả người lớn cũng chưa thật sự chuyên nghiệp. Nhưng nếu chỉ biết hái quả mà không gieo hạt hay trồng cây thì quả có nhiều và ngọt để hái mãi hay không?
--------------------------------------------
Kỳ cuối: Đào tạo... chữa cháy
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận