Thật ra chuyện văn sĩ, thi sĩ Việt Nam... lơ mơ về lịch sử nước nhà không là chuyện mới. Xin dẫn ra đây vài chuyện:
- Tạp chí Sông Hương số tháng 8-1997 có đăng một chùm thơ ba bài của T.Ð., một nhà thơ “tên tuổi” trên thi đàn Việt Nam hiện đại. Ðó là ba bài thơ viết về ba nữ nhân vật lịch sử Việt Nam: Huyền Trân công chúa, Mỵ Nương và Dương Vân Nga.
Tiếc rằng không rõ do đãng trí hay không thuộc sử mà trong bài thơ thứ nhất, nhà thơ T.Ð. đã cho rằng Chế Bồng Nga vì muốn cưới Huyền Trân công chúa nên đã cắt đất hai châu Ô, Lý cho Ðại Việt (!). Thật ra người làm việc đó là Chế Mân. Còn Chế Bồng Nga phải ngót 70 năm sau sự kiện cắt đất nói trên (1306) mới xuất hiện trên chính trường Champa, và là người đã mấy lần cất quân tiến đánh Ðại Việt dưới các triều vua Trần Nghệ Tông (1370-1372), Trần Duệ Tông (1373-1377), Trần Phế Ðế (1377-1388), Trần Thuận Tông (1388-1398) và bị tử trận tại Hoàng Giang (Hưng Nhân, Thái Bình) năm 1790.
Ở bài thơ thứ hai thì nhà thơ lại cảm thông cho Mỵ Nương mà nhà thơ cho là con gái của Thục Phán An Dương Vương (!), vì tình yêu mà đã trao nỏ thần cho Trọng Thủy nên mới dẫn đến mất nước. Phải là Mỵ Châu mới đúng chứ, vì Mỵ Nương là nhân vật của truyện Trương Chi - Mỵ Nương, chứ không phải vợ của Trọng Thủy như nhà thơ T.Đ. đã cảm tác.
- Tháng 10-1999, báo Tiền Phong khởi đăng truyện lịch sử dài kỳ của nữ văn sĩ N.T.A. viết chuyện Nội tán Nguyễn Khoa Ðăng thời chúa Nguyễn Phúc Chu (cầm quyền ở Đàng Trong từ năm 1691-1725) dẹp lũ giặc cướp ở truông nhà Hồ. Viết truyện lịch sử nhưng nhà văn lại không am hiểu lịch sử nên cứ gọi Nguyễn Phúc Chu là vua, trong khi vua nước ta thuở đó là vua Lê Hi Tông (1676-1705) và Lê Dụ Tông (1705-1729), còn Nguyễn Phúc Chu chỉ xưng là chúa, cai quản đất Ðàng Trong mà thôi.
Nhà văn N.T.A. còn đặt ra chức quan Cơ mật viện đại thần cho một nhân vật trong truyện của mình. Thật ra, chức quan này không hề có trong thời kỳ chúa Nguyễn, vì mãi đến triều Minh Mạng (1820-1841) nhà vua mới chính thức cho lập Cơ mật viện. Từ đó trở đi mới có chức Cơ mật viện đại thần.
- Cũng trên tạp chí Sông Hương số xuân Mậu Dần (tháng 2-1998) có đăng bài “Tản mạn chuyện hổ” của tác giả Ð.M.T.. Trong bài viết này, Ð.M.T. kể chuyện vua Gia Long nằm mơ thấy con hổ đen bay đến, tỉnh giấc thấy Nguyễn Hữu Tiến đứng hầu bên cạnh, sắc phục màu đen. Thật phi lý hết sức, vì vua Gia Long sinh năm 1762, thăng hà năm 1820, còn Hổ uy đại tướng Nguyễn Hữu Tiến sinh năm 1602, mất năm 1665, làm sao mà đến hầu vua Gia Long được.
Chuyện này có chép trong sách Ðại Nam liệt truyện tiền biên, nhưng người nằm mộng thấy con hổ đen bay đến và khi tỉnh giấc thì gặp Hổ uy đại tướng Nguyễn Hữu Tiến chính là Ðào Duy Từ (1572-1634). Không rõ tác giả Ð.M.T. có đọc sách Ðại Nam liệt truyện tiền biên hay không mà lại “đem râu ông nọ cắm cằm bà kia” như vậy.
Xem ra chuyện các nhà văn, nhà thơ nước ta chỉ “biết văn mà không rành sử” không là chuyện hiếm. Đáng buồn thay! Và cũng tai hại thay!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận