03/06/2010 09:14 GMT+7

Nỗi buồn lộng lẫy

VIỆT LINH
VIỆT LINH

TT - Phim mở màn bởi... lưng áo ai đó xác xơ đang lùa mẹ con chú bò đi đâu đó trên lối mòn cũng xơ xác... Khán giả không hiểu điều gì xảy ra cho đến lúc cái nhân dáng xơ xác - giờ đã rõ là bà lão - than thở phải dẫn bò đi xa tìm cỏ, và tên phim xuất hiện.

TeqGYiJG.jpgPhóng to
Cảnh kết phim

Qua lời tâm sự bị tiếng xe ủi ầm ầm kế bên lấn át của một phụ nữ, ta biết phim nói về cuộc đấu tranh giữa nông dân với...sân golf - cuộc đấu tranh mà ngay âm thanh đã cho thấy phía ưu thế. Thật ra chuyện nông dân mất đất lâu nay nhan nhản, nhưng lần đầu tiên qua phim tài liệu Đất đai thuộc về ai? (*) do Tổ chức đào tạo điện ảnh Varan giới thiệu ở Paris (Pháp), tôi được tận mắt thấy những sắc diện, phong thái, tiếng nói... mà theo tôi, không đạo diễn phim truyện nào xây dựng nổi.

Chuyện bắt đầu bằng cuộc họp - lần thứ mười mấy - với 75 gia đình thôn Viêm Đông, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong hội trường, đối diện với người dân lụm cụm, bức xúc, lam lũ là dãy bàn chủ tọa dành cho đại diện chính quyền huyện và giới đầu tư. Sau khi dõng dạc “Đây là cuộc cách mạng thay trời đổi đất...”, người đại diện áo sọc trắng bảnh bao tiếp tục trơn tru về sự phát triển. Nào sân golf từ 9 lên 18 lỗ, diện tích từ 73 lên 125 hecta; nào nông dân phải biết cảm thông... Nhưng rõ ràng người xem chỉ thót khắc cụm từ “cuộc cách mạng thay trời đổi đất”.

Vâng, “cuộc cách mạng thay trời đổi đất” có thể của những con người tinh tươm thi thoảng ghé tai nhau hội ý trên kia, chứ xa cách với những người bên dưới, như bà lão co chân điêng điếc nghiêng tai; như ông lão răn reo dã dượi...

Xa cách, bởi mấy mươi năm trước họ đã góp xương máu cho cuộc cách mạng hoàn toàn khác - cuộc cách mạng đã cho họ hòa bình, độc lập. Còn cuộc “thay trời đổi đất” này, như một người dân nói thẳng trong buổi họp: “Chúng tôi đã lầm, tưởng giao đất nông nghiệp để có công ăn việc làm, có đất đền bù. Ai dè mất hết...”. Khán giả sẽ nhớ hoài cảnh người thanh niên đùng đùng đi khỏi cuộc họp. Đi một nước, không thấy hai mũi giày tưng tưng đánh nhịp dưới gầm bàn...

Sau buổi họp, phim dẫn ta gặp dân, nghe họ nói về sự khổ, sự đền bù rẻ mạt... Biết “quay hết băng cũng vô ích thôi”, nhưng vẫn nói: “Ngập lụt, ô nhiễm, dân kêu không ai tới, nhưng khi dân uất ức đập ống nước thì chính quyền có mặt ngay, lập biên bản, bắt lên xã”, “Chính quyền ngồi trên cao đâu biết dân chết, sống ra sao...”. Khán giả sẽ nhớ hoài cuộc đối thoại giữa nữ nông dân với thanh niên đại diện sân golf: Tay cầm bình sơn xịt, thanh niên ngọt xớt: “Chuyện chi đó dì Sáu?“.

“Đây là đất của tui, không đền bù xứng đáng, tui không cho ủi. Tui đã kiện lên xã”.“Dì Sáu có đơn kiện rồi hả?”. “Tui không biết chữ nên không có đơn, nhưng tui đã tuyên bố dứt khoát với xã“. “Để cháu coi hồ sơ...”. Với hai chữ hồ sơ nhắc đi nhắc lại, người đại diện sân golf gián tiếp cho thấy thế yếu của cuộc kiện thưa không văn bản. Lại tiếp: “Được rồi, đất của dì tới đâu để cháu làm dấu ngưng ủi?“. Bà chủ đất đưa tay chỉ. Thanh niên thoăn thoắt xịt sơn. Những ruybăng mỏng manh theo đó được giăng ra, vuốt ve cái chủ quyền mỏng manh đang bị rình rập bởi mấy chiếc xe ủi đất...

Khán giả sẽ nhớ hoài ông Bốn - người dẫn ta đi thăm nghĩa trang liệt sĩ xã Điện Ngọc, kể ta nghe ông tham gia kháng chiến năm 13 tuổi, với 80 người trong xã; và là một trong hai người vỏn vẹn sống sót sau ngày giải phóng. Đứng trên nền đất trống, thấp thoáng miên man biệt thự đang xây dựng, ông Bốn kể hồi chiến tranh chống Mỹ, theo chủ trương “một tấc không đi một li không rời” của cách mạng, cả ngàn dân Điện Ngọc từng dũng cảm túa ra chặn xe tăng địch. Chưa hết, trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, dân xã đã quyên góp mỗi người 20 ký lương thực để xây lô cốt mà dấu vết nay vẫn còn...

Phim kết thúc. Ông Bốn đang đi gác sân golf. Trong bộ đồng phục Indochina Hoi An, người cựu du kích ngậm ngùi: “Mình không có chuyên môn, họ nhận mình làm tạm để nhìn mặt dân địa phương cho dễ, chứ mai mốt có cần đâu”.

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê đã gặp may khi tìm được một địa thế ngẫu nhiên, có thể cho thấy sự tương phản, trớ trêu trong cùng một cú máy. Nhưng khi quay cận cảnh bàn chân khô đét, mang dép trật quai của bà lão ở đầu phim; mũi giày bóng tưng tưng lơ lãng; giữ máy thật lâu cảnh chàng thanh niên uất ức bỏ đi..., người nữ đạo diễn này đã chọn một thế đứng chia sẻ, thể hiện một thế đứng nghề nghiệp vững vàng. Chính hai thế đứng này đã giúp Hồng Lê chọn ra cảnh kết phim đầy biểu cảm: dưới ánh hoàng hôn mênh mông, ông bảo vệ Bốn một mình đi gác. Oai nghi, cô thế...

Bắt chước một đồng nghiệp hay dùng cụm ngữ “xấu lộng lẫy” để gây cười, tôi muốn gọi cảnh kết phim của Hồng Lê là “nỗi buồn lộng lẫy”. Chỉ không để cười.

(*) Đạo diễn Đoàn Hồng Lê, Varan và Hãng Phim tài liệu - khoa học trung ương hợp tác sản xuất. Phim đoạt giải A Hội điện ảnh Đà Nẵng 2009.

VIỆT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên