29/05/2010 03:18 GMT+7

Hội thảo văn học Việt - Mỹ: "Nhiệm vụ của lương tâm"

THU HÀ
THU HÀ

TT - Một hội thảo văn học Việt - Mỹ được tổ chức tại Hà Nội và Hòa Bình trong năm ngày từ 28-5 đến 2-6-2010 sau rất nhiều những cuộc qua lại giữa các nhà văn hai bên và sau nhiều cuộc hội thảo tương tự tại Mỹ.

aJerATev.jpgPhóng to

Nhà thơ Kevin Bowen (đứng) nhớ lại cuộc gặp cách đây 20 năm giữa các nhà văn - cựu binh Mỹ và nhà văn Việt Nam tại Hà Nội - Ảnh: Hữu Việt

Lặng lẽ và bền bỉ, ngay sau tháng 4-1975, các nhà văn cựu binh Mỹ tìm mọi cách trở lại VN và thực hiện những nhiệm vụ mà lương tâm họ tự đặt ra cho mình. 35 năm nay, những cái tên Mỹ như Kevin Bowen, Bruce Weigl, Larry Heinemann, Larry Rothman, Wayner Karlin... đã trở nên gần gũi trong đời sống văn học VN dù họ không có những tác phẩm ăn khách được dịch ra tiếng Việt. Bởi vì hơn cả văn chương, phần đời còn lại của họ sau chiến tranh gắn với VN, và họ làm tất cả để người Mỹ và nước Mỹ hiểu được VN, như họ đã cố gắng hiểu.

Vì những giây phút khám phá này...

Khác với các hội nghị, hội thảo mang tính chính thống khác, Hội thảo văn học Việt - Mỹ lần này không dùng tiền ngân sách, cũng không có sự hỗ trợ nào từ các tổ chức phi chính phủ Mỹ, tất cả kinh phí tổ chức đều do mạnh thường quân VN tài trợ: Trung Nguyên, V Resort (địa điểm hội thảo), NXB Tri Thức (dịch và in ấn tài liệu)... và cá nhân nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đây cũng là một hướng mở tốt đẹp cho các hoạt động văn hóa tương tự trong tương lai.

Chỉ một vài từ nhưng đủ để miêu tả giây phút đó, giây phút giải mã những câu chữ của Lê Lựu, giây phút nghe những đoạn ngắt âm trong bài Trở về của Phạm Tiến Duật một bài thơ được xuất bản trong “Dự án thơ yêu thích của Mỹ”, giây phút cảm nhận được những ngọn gió làng trong thơ Nguyễn Duy, cảm nhận được bước chân của người đàn bà trên cánh đồng trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, hay lắng nghe những cuộc đối thoại của người trẻ trong câu chuyện của Lý Lan, hay những người lính của Nguyễn Quang Sáng, hai chị em nhớ về những phút thi vị của cuộc chiến của Nguyễn Khải, một người lính đi tìm mộ anh trai mình trong thơ Hữu Thỉnh...

Cũng chính vì những giây phút khám phá này mà chúng ta sống, mà chúng ta đã đi xa đến vậy, mà chúng ta đã chọn những con đường đi đôi khi là bồng bột. Những khoảnh khắc này rốt cục đã định hình nên tính nhân văn chung giữa chúng ta, đã kết nối chúng ta bất chấp những áp lực của một thế giới thường xuyên đe dọa chia lìa chúng ta. Không phải một nhà văn VN nào thốt lên những cảm xúc đó, mà chính là Kevin Bowen - giám đốc Trung tâm William Joiner, trung tâm nghiên cứu hậu quả chiến tranh của Trường ĐH Massachussette.

Chưa có con số thông kê chính xác từ Trung tâm Willian Joiner cũng như từ VN, nhưng theo tham luận mà Kevin Bowen gửi đến trước hội thảo, ông đã thống kê được hơn 40 lượt nhà văn VN (có những người sang nhiều lần) đã sang Mỹ theo các chương trình nghiên cứu của trung tâm. Mở đầu bằng cuộc trò chuyện của đại tá - nhà văn Lê Lựu năm 1987 ở Boston, liên tục sau đó là Nguyễn Khải, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Văn Lê, Cao Tiến Lê, Chu Lai, Bảo Ninh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Minh Khuê, Lý Lan, Tô Nhuận Vỹ, Hữu Thỉnh, Trần Văn Thủy...

Ở Mỹ, những nhà thơ, nhà văn VN mà hầu hết tuổi thanh xuân đã gửi lại nơi chiến trường ấy đã thốt lên: “Những người Mỹ là một dân tộc lạ lùng, đầu tiên các bạn ném bom chúng tôi, sau đó các bạn lại đến và nói rằng các bạn muốn nghiên cứu thơ của chúng tôi” (!?).

Hơn cả sự bền bỉ và nhẫn nại

“Sẽ là không công bằng nếu chỉ dựa trên số lượng ấn bản các sách văn học VN đã được dịch ở Mỹ để đánh giá hiệu quả của những hoạt động mang đậm chất “hàn gắn” này - nhà phê bình Văn Giá, trưởng khoa sáng tác ĐH Văn hóa Hà Nội, đơn vị đứng ra tổ chức hội thảo văn học lần này, nhận xét - Họ, những nhà văn cựu binh Mỹ, đã bắt đầu từ con số 0, thậm chí dưới cả 0, khi phải chịu những sự nghi ngờ, phản đối, thậm chí thù địch từ cả hai phía. Cũng không biết bao nhiêu lần, khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước chưa được bình thường hóa, các nhà văn của Willian Joiner phải hứng chịu những trận biểu tình kèm cà chua của người Việt quá khích ở Mỹ vì đã đón tiếp các nhà văn cựu binh VN.

Bền bỉ, hơn cả sự bền bỉ và nhẫn nại, họ thu vén những đồng tiền cá nhân ít ỏi của mình để có thể tổ chức được nhiều hoạt động nhất giới thiệu văn học VN, để mời được nhiều nhất có thể các nhà văn cựu binh VN sang Mỹ”.

Như cách nói của nhà thơ Nguyễn Duy: “Họ muốn làm điều gì đó để chữa lành vết thương của chính họ, rồi đến vết thương của những người khác, vết thương giữa hai dân tộc. Bằng ngòi bút, họ đã tác động đến lương tâm của của đại bộ phận dân chúng Mỹ cũng như lương tâm của người cầm quyền. Từng chút, từng chút một. Bằng văn hóa, họ tạo ra sự thông cảm và đặt ra một nhu cầu bức thiết cho lương tâm người Mỹ là phải có một quan hệ nhân ái với VN. Nhờ những hoạt động đó, họ đã làm trước, đi trước... Họ đã làm nhiệm vụ của lương tâm”.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên