25/05/2010 03:24 GMT+7

GS Nguyễn Minh Thuyết: Không nên "bao cấp" lễ hội

GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết

TT - “Tổ chức những lễ hội như 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần cân đối chi sao cho vừa phải và có ý nghĩa. Ngân sách nhà nước chi cho lễ hội cũng cần hạn chế, không nên có lễ hội nào chỉ chi từ ngân sách nhà nước”.

P5EEXpii.jpgPhóng to
Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, vỉa hè nhiều tuyến phố lớn và xung quanh hồ Gươm đã được bóc lên thay bằng đá xanh mới, khiến người dân băn khoăn liệu có quá lãng phí? Trong ảnh: vỉa hè phố Ngô Quyền được lát đá xanh trong kế hoạch chỉnh trang đô thị đón đại lễ 1.000 năm - Ảnh: Việt Dũng

Nd9R2kXm.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: Việt Dũng

"Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội không cần quá nhiều dự án, chỉ cần làm sao huy động được 36 phố phường hay những làng cũ, phố mới Hà Nội tự tổ chức được những lễ hội nhỏ liên hoàn, có lẽ Hà Nội đã như một đại lễ rồi"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - đã nói như thế trước thực trạng không ít lễ hội được tổ chức tốn kém mà người dân vẫn khó cảm nhận.

Ông nói: “Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, mỗi năm cả nước có tới 8.000 lễ hội. Có nhiều loại lễ hội, nhưng có lẽ những lễ hội dân gian do dân tự tổ chức là vui, có ý nghĩa hơn cả. Đã đến lúc ta nên rà soát xem lễ hội nào người dân tự quản được, Nhà nước chỉ đóng vai trò hướng dẫn. Lễ hội gắn với lễ kỷ niệm lớn hay vì lý do văn hóa, du lịch cũng cần đánh giá yếu tố kinh tế và văn hóa một cách đầy đủ xem tác dụng đến đâu, để vừa tiết kiệm vừa được người dân ủng hộ, tránh hình thức”.

* Ở VN đang có rất nhiều lễ hội nhưng không hẳn là... lễ hội. Phải chăng người ta quan tâm nhiều đến các phông, biển, công trình, dự án hơn là quan tâm xem người dân muốn lễ hội diễn ra như thế nào?

- Có nhiều lễ hội của ta tiếng là tổ chức cho người dân nhưng được tổ chức như một hội nghị, xong hội nghị là hết, rất tốn kém mà hiệu quả không như mong muốn. Nhiều nước tổ chức lễ hội cà chua, khoai tây hay lễ hội kỷ niệm lớn nhưng nhà nước cũng tham gia vừa phải. Có thể chỉ một đoàn diễu hành, còn lại dân tự đứng ra tổ chức. Hoặc nhà nước làm năm đầu, những năm sau các tổ chức xã hội đứng ra làm. Chúng ta cũng có nhiều lễ hội, ngày kỷ niệm rất ý nghĩa và tổ chức tốt. Tuy nhiên, có những lễ hội đúng là hình thức.

* Vậy theo ông, tư duy tổ chức lễ hội nên thay đổi?

- Đúng vậy, cách ứng xử của chính quyền cũng nên thay đổi. Tôi nghĩ nhân kỷ niệm 1.000 năm, Hà Nội tổ chức làm sao có hệ thống thu gom, xử lý rác thải tốt, xây hệ thống nhà vệ sinh, nhà để xe đàng hoàng cho thành phố... đã có ý nghĩa lắm rồi. Hay nhiều người dân nói nhân 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội gỡ bớt một số đoạn chặn các ngã tư ra thì tốt (bịt ngã ba, ngã tư theo kế hoạch phân luồng, tổ chức lại giao thông của TP Hà Nội từ giữa năm 2009 - PV). Ở một số nơi, việc bịt ngã tư khiến người đi bộ bị ra rìa, rất khó sang đường.

* Nhiều nhà văn hóa đề nghị nhân 1.000 năm, Hà Nội nghiên cứu bỏ cái loa truyền thanh phường đi, thay bằng hệ thống thông tin hiện đại hơn có lẽ sự văn minh sẽ khác hẳn?

- Việc thông tin cho người dân là cần thiết nhưng phát thanh cưỡng bức, huyên náo vào những giờ cao điểm hay sáng sớm, thực tế là vi phạm quyền tự do chọn nghe của người dân. Anh có thể thông báo nhưng bằng nhiều cách, không thể ép dân. Người ở thành phố làm ca về muộn, 5 giờ đã phát đài thì mệt quá. Dân thành phố có Internet, hệ thống thông tin rất hiện đại, không nên áp dụng hình thức loa thời chiến, vốn dùng để giúp dân vào hầm ấy nữa.

Thật ra Hà Nội có thể làm nhiều hành động văn hóa có ý nghĩa hơn xây những công trình. Như ở London, Anh, khách du lịch có nhu cầu đi vệ sinh có thể vào bất cứ tiệm cà phê nào. Hà Nội hoàn toàn có thể phát động phong trào như thế, tạo một nét văn minh, hiếu khách. Hà Nội đang cần rất nhiều thứ.

Trong đó, xây nếp sống văn hóa là cần thiết bậc nhất vì văn hóa ở Hà Nội đang rất xuống cấp. So với TP.HCM, đường hoa Nguyễn Huệ tồn tại cả tuần mà có bị phá phách đâu? Lễ hội hoa ở Hà Nội thì người xem chen nhau phá tan hoang. Hay xây dựng chỗ sinh hoạt vui chơi cho giới trẻ. Những cái sâu xa ấy cần phải quan tâm. Nhưng có lẽ những vấn đề văn hóa khó làm hơn việc đầu tư công trình nên vẫn ít được để ý. Hà Nội 1.000 năm thì cái văn hiến 1.000 năm cần được quan tâm hơn nữa.

* Tóm lại, thưa ông, những lễ hội ở VN cần thực chất và tiết kiệm hơn?

- Tôi có cơ hội được đi một số nước, thấy họ tổ chức lễ hội nhưng chú trọng yếu tố “hội” hơn. Ở VN vẫn tổ chức theo kiểu thiên về lễ lạt. Không nên nghĩ cứ Nhà nước tổ chức mới hoành tráng. Những lễ hội “quốc doanh” ấy có thể hoành tráng nhưng để dân họ chuẩn bị, họ làm thì họ có kỷ niệm và niềm vui lớn hơn nhiều.

Hơn nữa, những “lễ hội quốc doanh” kinh nghiệm cho thấy cờ quạt, băngrôn nhiều đôi khi không phù hợp với người dân nên thu hút không nhiều người tham gia như đáng ra có thể. Lễ hội 1.000 năm mà Nhà nước bao trọn gói theo tôi cũng không đúng hướng lắm. Kiểu “lễ hội quốc doanh” thì thường không bền. Tư duy lễ hội không nên giữ lối bao cấp.

Cần chấn chỉnh chuyện “ăn theo”

* Thưa ông, nhân sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có nhiều việc không thật ý nghĩa. Nhiều vỉa hè đang đẹp tự nhiên đào lên lát bằng đá mới, nhà rêu phong cổ kính thì sơn lại... Phải chăng đang có “phong trào” chi tiền nhân 1.000 năm Thăng Long?

- 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là sự kiện rất lớn, có ý nghĩa. Nhân lễ hội, ta chỉnh trang đô thị là đúng và nhiều việc chỉnh trang là cần thiết. Nhưng bên cạnh công trình hoành tráng, cần thiết, tôi có cảm tưởng nhiều công trình làm chưa đâu vào đâu. Chuỗi hành động cho lễ hội dày quá có thể khiến dân thấy tiếc, sợ lãng phí. Việc cạy vỉa hè, lát mới, theo tôi phải xem lại.

Như đoạn Hàng Khay, Hàng Bài bị thay bó hè cũ bằng bó hè mới, dân không tán thành. Những viên bó vỉa hè đang rất tốt, được làm từ đầu thế kỷ 20, được đẽo gọt rất công phu, nay tự nhiên lột lên thay bằng lớp mới, trơn trượt. Cần xem lại lý do vì sao nhiều nơi thích thay mới thế, có phải đó là thích dự án vì dự án có kinh phí hay không.

Hiện nay đúng là đang có hiện tượng ăn theo 1.000 năm Thăng Long. Nhiều công trình chẳng dính dáng gì đến 1.000 năm Thăng Long, không liên quan đến ngân sách 1.000 năm Thăng Long nhưng cũng gắn biển. Lòng dân hướng về thì tốt, nhưng “gắn” để lợi dụng sự kiện mà quảng bá, bán hàng, chi tiền là việc không đúng, cần chấn chỉnh.

* Xin cảm ơn ông.

GS Nguyễn Minh Thuyết
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên