07/05/2010 07:29 GMT+7

Tiễn biệt hồn thơ Kinh Bắc

NGUYỄN TRỌNG TẠO
NGUYỄN TRỌNG TẠO

TT - Với tôi, Hoàng Cầm là nhà thơ lớn với bút pháp tân cổ điển. Ông làm mới thơ Việt cuối thế kỷ 20 trên nền tảng văn hóa Việt mà nổi bật là văn hóa Kinh Bắc.

BkU9t95N.jpgPhóng to
Nhà thơ Hoàng Cầm trong lễ mừng thượng thọ, cũng là sinh nhật cuối cùng, ngày 22-2-2010. Dù phải thở với bình oxy, ông vẫn vui khi nghe các nghệ sĩ đoàn quan họ Bắc Ninh và bạn bè hát, ngâm thơ ông - Ảnh: Vy An

Tối chủ nhật vừa rồi, tôi đang đi từ Sóc Sơn về thì nghe điện thoại của Nguyễn Ðình Toán báo cụ Cầm vừa vào cấp cứu ở Bệnh viện Hữu Nghị, khó qua. Linh cảm điều bất ổn, tôi gọi ngay cho nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn, và hẹn sáng mai vào viện thăm ông. Ông nằm trên giường bệnh chụp ống thở oxy nhưng mắt vẫn mở nhìn chúng tôi và cố nấc lên mà không nói được. Hữu Thỉnh xúc động nói: "Cố lên anh nhé. Anh là nhà thơ xuất sắc, là người thầy, người anh đáng kính của bọn em".

Lòng trào lên một nỗi buồn khó tả, tôi nhớ đến câu thơ ngôn truyền của ông: "Sông Ðuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ". Những hình ảnh thân thương, gần gũi của quê làng vào thơ ông bỗng trở nên sang trọng lạ lùng. "Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng"... Những câu thơ gợi nhớ lại cả cuộc đời của ông...

Đắng cho đời thêm ngọt

Hoàng Cầm sinh ngày 22-2-1922 tại làng Phúc Tằng, huyện Việt Yên (Bắc Giang) nhưng quê gốc ở Thuận Thành (Bắc Ninh), nơi có con sông Ðuống "nằm nghiêng nghiêng" trong thơ ông. Tên thật của ông là Bùi Tằng Việt được ghép bởi tên làng và tên huyện, còn bút danh là tên một vị thuốc đắng: Hoàng Cầm. Ý ông là dùng cái tên đắng cho đời thêm ngọt. Nhưng sự đắng đót luôn theo đuổi ông suốt thời tuổi trẻ. Ông tốt nghiệp tú tài toàn phần năm 18 tuổi, bước hẳn vào nghề văn: dịch sách, làm thơ, viết truyện, viết kịch. 20 tuổi viết nên vở kịch thơ Hận Nam Quan tràn đầy lòng yêu nước.

Năm 22 tuổi viết kịch thơ Kiều Loan được công diễn đầu tiên năm 1946. Người vợ ông cưới năm 18 tuổi chết sớm để lại người con trai, ông lấy người vợ kế là Tuyết Khanh, người từng sắm vai Kiều Loan, rồi tham gia Vệ quốc quân. Tài năng của ông dồn vào thơ và lãnh đạo đoàn kịch quân đội phục vụ kháng chiến. Ông được đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng thưởng bài thơ Ðêm liên hoan trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ với những câu thơ thật hào hùng: "Máu tôi mai sẽ chảy/ Trôi phăng hết kiếp ngựa trâu/ Xương tôi, tôi bắc nên cầu/ Cho đàn con bước lên lầu Tự Do!".

Thi sĩ của tình yêu và "màu dân tộc"

Sau năm 1954, Hoàng Cầm được bầu vào ban chấp hành Hội Nhà văn khóa đầu tiên. Nhưng ông cũng là người chủ trương nhóm Nhân văn - Giai phẩm. Vài năm sau Nhân văn - Giai phẩm bị đóng cửa. Trong những ngày ấy, ông kết hôn với bà Lê Hoàng Yến và mở quán rượu nuôi đàn con nhỏ. Tuy nhiên, nghiệp văn chương không bỏ người thi sĩ tài hoa, ông lặng lẽ viết nên tập thơ Về Kinh Bắc và hàng trăm bài thơ khác. Thời đổi mới đến, Hoàng Cầm được phục hồi hội tịch Hội Nhà văn và Về Kinh Bắc - tập thơ hay nhất của Hoàng Cầm - được xuất bản cùng nhiều tập thơ khác của ông.

Mảng thơ tình của Hoàng Cầm là một đóng góp đáng kể về cảm giác tình yêu trong thơ ta. Ðấy là một cảm giác si mê hưng phấn trong ái tình. Ví dụ những câu thơ rất gợi này: "Chân em dài đi không biết mỏi/ Má hồng em lại nổi/ Ðồng mùa nước lụt mênh mông/ Lưng thon thon cắm sào em đợi/ Ðào giếng sâu rồi đừng lấp vội đầu xanh". Những chân dài, má hồng, lưng thon đi vào thơ Hoàng Cầm trở nên lung linh tơ lụa bọc che những ẩn dụ xa xăm.

Những tác phẩm của Hoàng Cầm được công bố thời đổi mới đã đưa ông trở lại thi đàn đúng như tầm cỡ của ông - một thi sĩ của "màu dân tộc" và tình yêu. Bạn bè yêu thơ trong và ngoài nước luôn tìm đến ông thăm hỏi, xin thơ, trong đó có cả những nhà lãnh đạo cao cấp của Ðảng. Tôi còn nhớ lần nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm đến thăm, mời ông đến nhà sáng tác của Bộ Văn hóa - thông tin để sáng tác với chế độ ưu đãi đặc biệt. Hoàng Cầm rất vui, nhưng tiếc là sau đó ông bị ngã gãy chân, phải "nằm nghiêng nghiêng" trong ngõ phố Lý Quốc Sư cho đến lúc cuối đời.

Sự nghiệp văn chương của Hoàng Cầm cũng như con người ông luôn ẩn giấu những tầng dày văn hóa Việt Nam, sâu sắc và chân thành. Ngôn từ của ông sáng láng, dạt dào và thấm đẫm tâm linh. Dân tộc và tình yêu luôn là nguồn cảm hứng thơ ca bất tận của ông, nó vừa thủ thỉ chân tình vừa hào hùng sảng khoái, nó vừa nghiêm cẩn thiêng liêng vừa yêu kiều quyến rũ.

Có thể nói thơ ông ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ Việt kế tiếp với sự cách tân mang sắc thái dân tộc. Bởi cái tâm sâu xa của ông là luôn ủng hộ sự cách tân ngôn ngữ của các nhà thơ thế hệ đàn em. Người mê và thuộc thơ ông thì nhiều vô cùng. Tôi tin gia tài thơ văn của Hoàng Cầm còn tiếp tục được đông đảo công chúng tiếp nhận và chia sẻ.

Giờ thì thi sĩ Hoàng Cầm đã vĩnh viễn xa cõi đời này. Câu thơ ông viết 50 năm trước lại quay về giây phút cuối cùng ông: "Cúi lạy Mẹ, con trở về Kinh Bắc"...

Hoàng Cầm - nhà thơ của Lá diêu bông, Bên kia sông Ðuống, Mưa Thuận Thành, của kịch thơ Kiều LoanHận Nam Quan - đã qua đời lúc 9g25 ngày 6-5-2010, thọ 89 tuổi.

Thơ Hoàng Cầm hấp dẫn các thế hệ người đọc khác nhau, vì ngoài những tìm tòi cách tân về nghệ thuật, ông vẫn gìn giữ cho riêng mình một vốn ngôn ngữ và hình ảnh đặc trưng Kinh Bắc, độc đáo, tài hoa. Có những câu thơ của ông, dù không phải thơ tình, vẫn làm say đắm bao trái tim người Việt. Có những hình ảnh thơ do ông tạo ra đã trở thành ngôn ngữ phổ biến trong xã hội: "lá diêu bông", "mưa Thuận Thành", "màu dân tộc".

Từ khoảng năm 1993, thơ ông được in nhiều và liên tục được tái bản do nhu cầu tìm đọc của công chúng. Thơ của ông cũng được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông.

Năm 2006, tuổi già của ông còn nhận được niềm vui lớn: 60 năm sau buổi công diễn đầu tiên và duy nhất, vở kịch thơ Kiều Loan đã được dàn dựng lại trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ với tình yêu sân khấu rất trong sáng của nghệ sĩ Anh Tú - anh đã tự bỏ tiền túi dàn dựng Kiều Loan làm tác phẩm tốt nghiệp khoa đạo diễn và tặng tác giả Hoàng Cầm. Nhà thơ đã đi xe lăn đến xem Kiều Loan và khóc. Ðó là lần xuất hiện gần như cuối cùng trước công chúng của ông.

Năm 2007, ông nhận Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật.

Hiện Hội Nhà văn VN và gia đình nhà thơ Hoàng Cầm vẫn chưa xác định ngày giờ chính thức cử hành tang lễ.

NGUYỄN TRỌNG TẠO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên