25/04/2010 05:08 GMT+7

"Con mắt thấy sao thì tôi nói vậy"

LAN PHƯƠNG thực hiện
LAN PHƯƠNG thực hiện

TT - Nick Út đột ngột về Việt Nam sau Liên hoan phim quốc tế Berlin. Ông bảo: “Người bạn thân đặt vé máy bay lên bàn, rủ tui đi chơi”. Tính cách ông vẫn vậy. Nhanh nhẹn, cả quyết, đam mê với nghề.

Có lẽ điều đó đã giúp ông trở thành một trong số hiếm hoi phóng viên ảnh người Việt nổi tiếng khắp thế giới.

cjflLLRy.jpgPhóng to

Nick Út (bìa phải) với nữ diễn viên điện ảnh Pháp Catherine Deneuve tham dự buổi chiếu phim vì hòa bình tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần 60 - Ảnh do nhân vật cung cấp.

Ngày 27-4-2010, Nick Út sẽ về lại Việt Nam để tham dự một cuộc đoàn tụ cùng với một nhóm nhà báo quốc tế mang tên “Vietnam old hacks” trong đợt kỷ niệm 35 năm kết thúc cuộc chiến mà họ đã theo dõi và ghi nhận.

Nick Út (tên thật là Huỳnh Công Út), 59 tuổi, trở thành phóng viên ảnh của AP sau khi anh trai ông - cũng là một phóng viên chiến trường - hi sinh. Nick Út đoạt giải thưởng Pulitzer năm ông 21 tuổi với bức ảnh Cô gái napalm nổi tiếng.

Khi rời Việt Nam năm 1975, Nick Út chỉ mới 24 tuổi nhưng đã lăn lộn trong vị trí phóng viên chiến trường của AP đến tám năm. 35 năm sau, một lần nữa Nick Út lại nổi tiếng toàn thế giới với bức ảnh Paris Hilton khócsau cửa kính xe khi bị bắt giam vì lái xe trong cơn say rượu. Bức ảnh chụp ngày 8-6-2007, đúng 35 năm sau bức ảnh chụp Kim Phúc tại Tây Ninh.

Vậy là ông lên đường, mang theo những lời hứa hẹn, gặp gỡ bạn bè ở Việt Nam đầy trong quyển sổ ghi chú rất vội vã của mình.

Suốt những ngày ở Việt Nam, ông chỉ đi thăm người thân, trò chuyện với bạn bè, dạo quanh khắp Hà Nội, TP.HCM và bấm những tấm ảnh dịu dàng về cuộc sống của người dân nơi đây. Vẫn còn những gì đó mà ông cần kể dù đã có bao nhiêu bài báo viết về ông, về những tấm ảnh nổi tiếng của ông.

Lần này, thêm một cuộc trò chuyện mới với Tuổi Trẻ.

* Trong tư thế là người cầm máy, ở chiến trường và mặc quân phục của miền Nam Việt Nam khi đó, có bao giờ ông nghĩ mình thuộc phe nào không?

- Khi làm cho một hãng thông tấn tôi không được nghĩ mình thuộc phe nào hết. Ra chiến trường thì mình phải mặc quân phục. Tôi có mặc đồ dân sự tới doanh trại cũng không được cho vào, bắt phải thay quân phục mới được. Ra chiến trường thì người ta chỉ nhìn mình mặc đồ lính mà bắn, chứ có ai nghĩ mình cầm máy hình. Thành ra chiến tranh Việt Nam có tới hơn 100 nhà báo thiệt mạng cũng vì mặc quân phục đeo máy hình, đâu ai biết mình là nhà báo.

* Ông mặc đồ lính để ra chiến trường tác nghiệp, ít nhiều cũng nằm trong sự bảo vệ của quân đội miền Nam Việt Nam, nhưng có những bức ảnh của ông phản lại họ về mặt chính trị. Lúc đó ông cảm thấy thế nào?

- Lúc đó nhiều khi tôi đi chụp hình với những sư đoàn, họ hận tôi lắm. Họ luôn hỏi vì sao tôi nói xấu họ. Họ nghĩ như vậy. Tôi chỉ có thể trả lời tôi là nhà báo, tôi đâu thể nói láo được. Con mắt thấy sao thì tôi nói vậy. Tôi chẳng về phe nào hết. Mình chỉ kể ra sự thật.

* Khi ông vào nghề cũng là lúc anh trai ông vừa mất. Rất nhiều phóng viên chiến trường khác cũng chết vì chiến tranh. Sao ông lại chọn làm nghề này mà không chọn việc đơn giản hơn là ngồi phòng tối làm ảnh như ban đầu?

- Lúc anh tôi còn sống đã nói cuộc chiến tranh Việt Nam này còn kéo dài lâu lắm. Nó cần phải có nhà báo ghi nhận. Anh ấy muốn chụp ảnh để tìm một hòa bình cho Việt Nam, để được chụp những bức ảnh hòa bình, không thấy chiến tranh nữa.

Với lại, khi đó tôi cầm máy hình thấy oai lắm, sung sướng lắm. Tôi đi đâu cũng có người chào, người hỏi han máy ảnh, nghề nghiệp. Thế là lúc đó chẳng sợ nguy hiểm gì nữa.

Anh tôi chết sớm lúc 27 tuổi, chưa thực hiện được những điều đó. Khi bấm máy, tôi đã cầu xin anh cho tôi chụp được những bức ảnh đem lại hòa bình. Bức ảnh cô Kim Phúc đã góp phần cho hòa bình ở Việt Nam. Anh tôi không muốn thấy sự chết chóc thêm nữa.

* Sau khi bức ảnh lên báo, ông có chịu áp lực về chính trị hay sự trả thù phe phái nào không?

- Lúc đó chưa nghĩ tới gì cả. Đồng nghiệp liên tục báo bức ảnh đó lên trang bìa ở khắp Mỹ, Cuba, Nga... Biểu tình, xuống đường khắp nơi. Người ta chống cuộc chiến tranh Việt Nam rất cuồng nhiệt. Tôi cảm thấy sự hòa bình đó dường như đã tới rồi. Sau đó tôi mới cảm thấy sợ sự trả thù. Lúc nào đi đâu tôi cũng phải rủ thêm mấy anh phóng viên Mỹ đi chung. Sợ lắm, thay đổi chỗ ở liên tục. Năm đó tôi 22 tuổi.

Tới lúc tôi được mời đi nhận giải Pulitzer ở Hà Lan, cảnh sát định không cho đi. Ông Phạm Xuân Ẩn, lúc đó làm cho tạp chí Time, có nói nếu không cho Út đi thì Time sẽ viết về một người bị cấm đi nhận giải Pulitzer. Vậy là người ta mới cho tôi đi.

* Người ta vẫn hay nhắc tới hai bức ảnh đoạt giải Pulitzer trong chiến tranh Việt Nam là Tướng Nguyễn Ngọc Loan của Eddie Adams và Cô gái napalm của ông như hai bức ảnh làm dấy lên phong trào phản chiến khắp thế giới. Hai người biết nhau chứ?

- Eddie Adams với tôi coi nhau như anh em ruột. Trước khi mất, Eddie nói năng rất khó khăn, nhưng đã viết giấy nhờ gia đình gọi tôi đến. Tôi bay đến New York, ở nhà ông ấy mấy ngày. Ông bị ung thư vòm họng, gầy yếu lắm. Tôi bắt tay, nói: “Anh chưa chết được đâu!”.

Tôi thật sự không muốn thấy anh ấy chết trước mắt mình. Có một bữa trưa, Eddie tặng tôi một bức hình với lời đề tựa coi tôi như người thân trong gia đình. Bức hình đặt trong một cái hộp. Tôi không bao giờ mở ra, cũng không coi Eddie viết gì. Mãi đến hôm có một cuộc triển lãm ở California tôi mới mở bức hình ra. Đọc rồi lại khóc. Tôi về New York lúc 3g sáng thì 7g sáng vợ Eddie báo với tôi Eddie mất rồi.

* Có thời gian ông từng làm việc cho Eddie Adams trên chiến trường Việt Nam?

- Sau khi anh tôi mất, tôi được vào làm phòng tối cho AP. Phòng tối là chỗ rất tốt để học nhiếp ảnh. Thời đó tôi làm gì có tiền đi học, mà cũng không có tiền mua máy ảnh. AP lúc đó có đủ loại máy Leica, Nikon... tha hồ chụp miễn phí. Làm rơi hỏng máy cũng có máy thay thế ngay.

Trong ba tháng làm phòng tối tôi lấy máy tự chụp, không ai dạy cả. Eddie lúc đó đã chuyên nghiệp rồi. Eddie xem tôi chụp thế nào, bình ảnh giúp tôi, hai chúng tôi như anh em ruột vậy.

* Dường như cái hậu của bức ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan không vui như cái hậu của Cô gái napalm?

- Eddie từng là bạn rất thân của tướng Loan. Sau khi chụp tấm ảnh là 24 giờ sau Eddie bay về Mỹ cấp tốc, sợ bị trả thù.

Tất cả ảnh của Eddie cũng được chuyển hết về Hong Kong ngay tức khắc. Cũng thời gian đó, tôi ở mặt trận rất nhiều, rất sợ vào Sài Gòn vì sợ bị trả thù sau tấm ảnh Cô gái napalm của mình. Eddie cũng không thích tấm ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan của mình. Ông chẳng bao giờ nói về tấm ảnh đó dù nó đoạt giải.

* Bây giờ ông tiếp tục làm gì với nhiếp ảnh?

- Tôi vẫn là phóng viên của AP, vẫn chụp ảnh khắp nơi, 44 năm rồi đấy.

Ở Mỹ, có học trò viết bài luận này nọ cũng nhắn tin nhờ tôi. Trên Facebook của tôi có nhiều học trò lắm đấy. Có lúc họ làm bài tập có phỏng vấn tôi mà các thầy giáo còn không tin, sao cái ông to thế lại chịu cho phỏng vấn. Có một cô sinh viên người Trung Quốc muốn làm bài luận cần phỏng vấn tôi, tôi cũng giúp. Nhiều sinh viên ở tận bên Nga cũng điện thoại xin thông tin của tôi.

Chữ ký thì mỗi ngày. Tôi cho chữ ký suốt. Có người ở Đức xin chữ ký mà còn gửi kèm theo vài USD để tôi trả tiền tem, sợ mình không gửi lại cho họ. Có một ông người Mỹ hơn 80 tuổi, viết thư bảo bị bệnh, muốn xin chữ ký của tôi để hết bệnh (cười).

Cô gái napalm và “Tài liệu giá trị nhất của năm”

5WsvtymC.jpgPhóng to

Ảnh do nhân vật cung cấp

Nick Út vừa được trao giải “Tài liệu giá trị nhất của năm” (Most valuable documentary of the year) tại Gala thường niên điện ảnh vì hòa bình (Annual Cinema For Peace Gala) trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Berlin lần 60 tổ chức ngày 15-2-2010 tại Berlin, Đức.

Ông và Kim Phúc cùng với bức ảnh Cô gái napalm đã được tái hiện trong bộ phim tài liệu A napalm photo, kể về hành trình của bức ảnh từ những năm tháng khốc liệt của chiến tranh Việt Nam đến đỉnh cao của lòng nhân đạo và tinh thần chống chiến tranh trên toàn thế giới. Trong ảnh: ngày 15-2-2010, phóng viên truyền hình Marc Wiese (bìa phải) và diễn viên điện ảnh người Đức Jan Josef Liefers (bìa trái) công bố giải thưởng “Tài liệu giá trị nhất của năm” dành cho Nick Út tại gala.

LAN PHƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên