Cả chục sân khấu tại gia xuất hiện ở Hà Nội, TP.HCM là một hướng đi thú vị, độc đáo của những nghệ sĩ yêu nghề, khát khao với nghề...
Phóng to |
Cuối năm 2009, TP.HCM chào đón Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 bằng một chương trình âm nhạc đặc biệt mang tên “Ấn tượng nhạc và phim”.
Một trong những tiết mục tạo được ấn tượng mạnh cho gần 2.000 khán giả trong và ngoài nước có mặt tại nhà hát Hòa Bình đêm ấy là bài chầu văn Cô đôi thượng ngàn, do ban nhạc đến từ “ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai” trình diễn.
Phóng to |
Giọng hát trong vang lanh lảnh của Tuyết Mai như được chắp cánh bay lượn cùng tiếng đàn nguyệt ấm áp của Đinh Linh và tiếng trống chầu dặt dìu của Đinh Duy Thành. Cả khán phòng trong dăm phút ngắn ngủi ấy như bị “lên đồng” theo các nghệ sĩ đang trình diễn hết mình trên sân khấu, lặng ngắt dõi theo rồi vỡ òa những tiếng vỗ tay vang dội.
Này chồng, này vợ, này con...
Vợ chồng Tuyết Mai - Đinh Linh được khán giả mộ điệu và giới nghệ thuật chuyên nghiệp biết tài từ lâu. Bao nhiêu năm chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM là bấy nhiêu năm khổ luyện và trung thành chỉ với một con đường: âm nhạc dân tộc. Vợ chơi tam thập lục, t’rưng, k’long put, đàn đá, trống. Chồng chơi sáo trúc, đàn bầu, đàn đá, trống, đàn nguyệt (đàn kìm).
Tuyết Mai lại may mắn có thêm giọng ca thiên phú, có thể hát ngọt ngào các làn điệu âm nhạc truyền thống. Chị không bằng lòng với tấm bằng chính quy về tam thập lục tại Nhạc viện Hà Nội - nơi chị và chồng cùng theo học từ nhỏ và tốt nghiệp bậc đại học. Thích hát, chị từng theo học thanh nhạc để có thể hát chuyên nghiệp khi cần, bên cạnh việc chơi đàn. Được chồng khuyến khích, vừa biểu diễn chị vừa đeo đuổi nhiều năm để hoàn thành chương trình thạc sĩ âm nhạc tại Nhạc viện TP.HCM.
Có một nền tảng nhạc lý và kỹ năng biểu diễn vững vàng, các nghệ sĩ như Tuyết Mai - Đinh Linh đã có thể làm được nhiều hơn khả năng biểu diễn thông thường trong lĩnh vực nghệ thuật dân tộc. Đinh Linh sáng tác khá nhiều tác phẩm âm nhạc cho dàn nhạc và múa. Cánh diều quê hương (giải B, đoàn múa Những Ngôi Sao Nhỏ), Nhớ về dòng sông (HCV, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen), Hạt thóc vàng và Mùa xuân trên bản Hơ Mông (đều HCV, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).
Còn Tuyết Mai, không chỉ là solist chính của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, chị đã nhiều lần được dàn nhạc giao hưởng của HBSO mời trình diễn nhạc cụ dân tộc cùng dàn nhạc trong các tác phẩm lớn và những chương trình quan trọng.
Cũng không biết tự lúc nào, tình yêu âm nhạc dân tộc mà Đinh Linh và Tuyết Mai được thấu truyền từ bậc sinh thành (cha của Đinh Linh là NSƯT Đinh Thìn - người chơi sáo trúc hay nhất Việt Nam lúc sinh thời) đã ngấm sang các con trai của họ. Cậu cả Đinh Duy Thành đang học piano năm thứ 10 tại Nhạc viện TP.HCM và dự tính theo học chỉ huy dàn nhạc sau khi tốt nghiệp vào năm 2011.
Cậu út Đinh Nhật Minh đang học sáo trúc tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc. Được cha mẹ dạy, Đinh Duy Thành hiện đã chơi được bộ gõ và đàn tứ trong ban nhạc của “ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai”.
Lặng lẽ những đam mê
Đi biểu diễn ở nhiều nước và được mời sang dạy đàn ở Nhạc viện Đài Loan, Tuyết Mai và Đinh Linh hiểu rõ âm nhạc truyền thống Việt Nam có sức thu hút lớn như thế nào đối với người nước ngoài. Với tư cách là người trong cuộc, anh chị cũng hiểu rõ việc tổ chức biểu diễn và giới thiệu âm nhạc dân tộc cho khách nước ngoài tại Việt Nam còn khó khăn và chậm chạp ra sao. Dự án dựng lên mấy lần thì cũng mấy lần để đó. Không có nhà hát, không có tiền, không có kết nối với ngành du lịch. Những lý do nghe thật khó tin và dễ nổi giận, nhưng hình như chẳng ai làm gì được ai.
Chỉ có những khao khát, những đam mê về âm nhạc dân tộc thì còn nguyên đó nơi những Thúy Hoan, Hải Phượng, Huỳnh Khải, Đức Dũng, Mạnh Hùng, Anh Tấn, Hoàng Anh, Y San... và nhiều người khác nữa. Quán trà “Điểm một thời” của Sĩ Hoàng hai năm liền nuôi nấng không gian âm nhạc dân tộc sang trọng rồi phải ngừng vì địa điểm bị lấy lại.
“Nhà Trần Văn Khê” thỉnh thoảng tổ chức một chuyên đề âm nhạc dân tộc sâu sắc và cuốn hút. Tuyết Mai và Đinh Linh thấy hết, cảm nhận hết những nỗ lực đáng quý của bạn bè, đồng nghiệp. Và hai vợ chồng biết rằng đã đến lúc họ phải dựa vào nhau, dựa vào các con để nỗ lực tạo ra một “ngôi nhà âm nhạc” cho gia đình mình và cũng cho những người còn xem trọng, yêu quý âm nhạc dân tộc.
“Nhà hát Trúc Mai” hãy còn rất đơn sơ về hình thức và khiêm tốn về không gian. Là phòng khách rộng ở tầng trệt một ngôi nhà ba tầng. Trang trí và nhạc cụ đều bằng gỗ, tre và trúc. Nhưng chỉ cần bạn đặt chân đến đây, ngồi yên lặng nơi đây chừng hơn nửa giờ, bạn sẽ được trải nghiệm những khoảnh khắc âm nhạc và văn hóa dân tộc tuyệt vời. Có ở nhà hát nào, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, bạn sẽ được giới thiệu về xuất xứ, tính năng của tất cả các nhạc cụ dân tộc Việt Nam đang treo trên các bức tường hoặc đặt trên sàn, trên bàn? Chỉ riêng sáo trúc, bạn sẽ biết sáo lớn, sáo nhỏ, sáo Mèo khác nhau thế nào, tại sao. Về đàn, bạn sẽ làm quen với đàn nguyệt (đàn kìm), đàn tứ, đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn đá. Về bộ gõ, có trống trung, trống cơm, song lang, phách...
Có ở nhà hát nào ban nhạc diễn từ đầu chí cuối chỉ với ba người chơi - trong đó hai người là nghệ sĩ ưu tú ở độ tuổi cuối 6X đầu 7X, một là học sinh năm thứ 10 ở nhạc viện độ tuổi 9X? Mà họ chơi say sưa lắm, dẫu khán giả chỉ một, hai người hay đông nhất là 35 người.
Có ở nhà hát nào người dẫn chương trình và nhạc công chỉ là một; không gian diễn và nghe gần đến mức khán giả chỉ cần nhón người lên là chạm tay vào diễn viên; các tiết mục trình diễn đều không cần đến thiết bị khuếch đại âm thanh (kể cả đàn môi là loại nhạc cụ phát ra chỉ lớn hơn hơi thở một chút).
Có ở nhà hát nào mà khán giả được nghe đủ cả âm nhạc Tây Bắc, Tây nguyên, Nam bộ, Bắc bộ, Trung bộ một cách điêu luyện và thu hút đến thế; nghe trình diễn xong, khán giả lại được diễn viên tận tình hướng dẫn chơi đàn. Có nhà hát nào như thế không? Có đấy, “nhà hát” Trúc Mai đấy.
Hỏi Tuyết Mai và Đinh Linh “sống được không với cái “nhà hát” kiểu này?”, họ bảo sống được. Giá một chương trình biểu diễn chỉ từ 1-5 triệu đồng tùy theo lượng khán giả. Có tuần vài buổi, có tuần chẳng có buổi diễn nào. Nhưng rồi họ lại bảo như một tâm sự, thích nhất là có những khán giả Việt Nam kéo cả nhà đến đây nghe nhạc sau khi ăn sinh nhật ở nhà hàng. Khán giả bảo họ muốn cho con cái hiểu và yêu thích âm nhạc truyền thống của nước mình. “Con của mình và con của nhiều người nữa thích nhạc dân tộc mình, thế là chúng em sống được chị ạ”.
“Nhà hát” Trúc Mai ở 104 Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM đã đón tiếp rất nhiều đoàn khán giả đến từ hơn mười nước: Pháp, Mỹ, Úc, Mexico, Ý, Nga, Canada, Áo, Thụy Sĩ, Venezuela... Trong sổ cảm tưởng của Trúc Mai, có thể đọc được những dòng này: “Gia đình âm nhạc này hết sức tài năng. Chúng tôi đã được trải qua những khoảnh khắc quá tuyệt vời, hoàn toàn thư giãn giữa một Sài Gòn đầy náo nhiệt” (một khách Pháp), “Những người chơi nhạc tuyệt vời! Một đôi vợ chồng và con cái tuyệt vời! Những nhạc cụ tuyệt vời! Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi hiểu Việt Nam có một thiên nhiên đẹp thế nào và một nền âm nhạc truyền thống tuyệt vời thế nào!” (vợ chồng Charmin đến từ Tahiti), “Buổi biểu diễn của các bạn thật là tuyệt! Rất tài năng, rất say đắm. Xin nói thêm: một gia đình âm nhạc như các bạn thật vĩ đại (great)” (Annisa Rakun, đến từ Mexico), “Thật may mắn khi có được một gia đình âm nhạc như thế này, rõ ràng cha mẹ đã quá thành công khi truyền cho con mình tình yêu âm nhạc truyền thống” (Greg và Kay Wooke, đến từ Melbourne, Úc), “Vẻ đẹp và sức mạnh của âm nhạc của các bạn thật đáng kinh ngạc. Quả là một dịp tuyệt vời khi được đến đây và lắng nghe các bạn biểu diễn. Cảm ơn rất nhiều” (Rosemary, Jane, Debby từ New York, Mỹ). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận