Chuyện kể về "nhà hát Trúc Mai"
Phóng to |
Khi chưa làm được sân khấu đúng nghĩa, ban nhạc Tre Việt biểu diễn luôn tại phòng khách nhà mình - Ảnh: Việt Dũng |
Từ sân khấu ca trù
Trót đam mê ca trù nhưng không có một sân khấu chính thức nào cho bộ môn nghệ thuật này thì biết trông cậy vào đâu? Câu hỏi dai dẳng buồn, những năm gần đây đã tìm ra một câu trả lời ngắn gọn. Việc gìn giữ, thổi lửa để ca trù có thể sống lại không đâu khác chính là căn nhà của các nghệ sĩ (CLB ca trù Thái Hà, CLB ca trù Tràng An) hay Bích Câu đạo quán (CLB ca trù Hà Nội của nghệ sĩ Bạch Vân). Lâu dần, sự duy trì đều đặn của các nghệ sĩ vừa vì nghề vừa vì mưu sinh mà các địa điểm trở thành nơi quen thuộc của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Vài năm nay, loại hình sân khấu gia đình nhỏ, phục vụ lượng khách khiêm tốn vài chục người xuất hiện nhiều. Nơi được coi là thành công nhất phải nói đến đó chính là CLB Âm Sắc Việt của NSƯT Thanh Ngoan. Nghệ sĩ Thanh Ngoan cho biết chị hoạt động không chỉ trong lĩnh vực chèo (nghề chính) mà còn hát được rất nhiều thể loại khác: quan họ, hát văn, ca trù, xẩm...
Đương nhiên, để có được khả năng đa dạng như thế, Thanh Ngoan phải dày công luyện tập và học hỏi từ những bậc cao niên trong nghề. Khi mới thành lập, CLB Âm Sắc Việt biểu diễn tại sân khấu 75 Hàng Bồ (từ năm 2005) nhưng sau hai năm đông khách thì địa chỉ này không cho thuê nữa, buộc những người làm nghề (Thanh Ngoan, Thúy Hòa và Thu Uyên) phải tách thành ba địa điểm khác nhau.
Thanh Ngoan về mở sân khấu tại gia đình trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Thúy Hòa mở CLB tại Nghi Tàm và Thu Uyên thì hoạt động tại Nhà văn hóa quận Tây Hồ. Tuy là ba địa điểm nhưng cả ba nơi đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và nội dung hoạt động chủ yếu cũng là duy trì và phát triển văn hóa dân gian: ca trù, chèo, chầu văn...
Phóng to |
Tiết mục độc tấu đàn k’ni tại sân khấu Hoàng Anh Tú - Ảnh: Đức Long |
Ban nhạc Tre Việt
Tre Việt gồm các thành viên trong một gia đình: nghệ sĩ Đồng Văn Minh (chồng), nghệ sĩ Mai Lai (vợ), cùng hai người con Đồng Quang Vinh và Đồng Minh Anh. Điểm đặc biệt nhất của Tre Việt đó là tất cả nhạc cụ được sử dụng đều làm từ tre nứa và do NSƯT Đồng Văn Minh sáng chế dựa trên những tiết tấu khác biệt của những âm thanh do gõ mà tạo thành.
Bích Câu đạo quán biểu diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp đều đặn vào tối thứ bảy hằng tuần tại 12 Cát Linh, CLB ca trù Tràng An sinh hoạt vào thứ năm hằng tuần, Tre Việt vẫn duy trì hai lần/tháng... Hầu hết các nghệ sĩ có sân khấu gia đình đều còn đang công tác tại các nhà hát nên không duy trì lịch diễn cố định mà thường diễn theo lịch đặt và có thông báo trước đến khán giả quan tâm. |
Sản phẩm được coi là đỉnh cao nhất của anh đó là cây đàn tre lắc, hay còn được các khán giả nước ngoài gọi là piano tre. Piano tre có thể chơi được rất nhiều bản nhạc với những cung bậc khác nhau phụ thuộc vào tiếng va chạm giữa các ống tre to nhỏ và nhịp rung của ngón tay nhấn phím (giống như chiếc cần của đàn bầu).
Ngoài ra, ban nhạc Tre Việt còn giới thiệu nhiều nhạc cụ khác nhau mang những âm hưởng mộc mạc, giản dị và gần gũi với đời sống người Việt.
Khi nhận thấy sự yêu quý của khán giả hay sự thích thú, tò mò trước những âm thanh do tre nứa va đập tạo ra, gia đình nghệ sĩ Đồng Văn Minh đã ấp ủ làm một sân khấu nhỏ trên tầng bốn của căn hộ. Người nghe nhạc (chủ yếu là khách quốc tế) đành tạm hài lòng với những âm thanh tre nứa rộn ràng trong không gian phòng khách nhỏ bé. Nghệ sĩ biểu diễn và khán giả trở nên gần gũi. Và âm nhạc, nhờ đấy mà trở thành cầu nối để giao lưu trò chuyện.
Phóng to |
Đến nhà hát thính phòng cho âm nhạc dân gian
Ra đời chưa lâu nhưng lại là một sân khấu “đúng nghĩa” với đầy đủ thiết bị cách âm, ánh sáng, ghế ngồi và cách bài trí... Đó chính là sân khấu của NSƯT Hoàng Anh Tú tại đường Hoàng Hoa Thám. Khai trương từ giữa năm 2009, sau gần một năm đi vào hoạt động, sân khấu tại gia của nghệ sĩ Anh Tú đã là địa chỉ đến của nhiều khán giả. Vẫn khai thác dòng âm nhạc dân gian với thế mạnh là giới thiệu cây đàn bầu (sở trường) và phối hợp với các đoàn nghệ thuật: quan họ Bắc Ninh, chèo Việt Nam hay các nghệ sĩ khác để có thể xây dựng những buổi diễn đậm đà hồn Việt.
Nghệ sĩ Hoàng Anh Tú cho biết: “Âm nhạc dân gian thường diễn ra ở sân khấu nhỏ, trong đó khoảng cách giữa người nghệ sĩ và người nghe không có. Mỗi khi đi biểu diễn ở nước ngoài trong những sân khấu thính phòng thì cái hay của âm nhạc dân gian được nhân lên gấp bội. Tôi đã nghĩ phải có một sân khấu thính phòng tại Việt Nam”.
Vậy nên, sau gần 20 năm gắn bó với nghề, nghệ sĩ Anh Tú quyết định dốc vốn để làm một sân khấu như mơ ước. Tại sân khấu này, ở những buổi biểu diễn không quá đông, các nghệ sĩ ngồi hát không cần loa, không cần tăng âm mà tất cả những tinh túy của nghệ thuật dân tộc vẫn đến tai người nghe bất kể họ ngồi ở góc nào.
Hiện nay tại Hà Nội, đây là sân khấu gia đình có quy mô nhất. Chưa thể biểu diễn đều đặn vì còn phụ thuộc vào yêu cầu đặt hàng của khán giả nhưng nghệ sĩ Hoàng Anh Tú vẫn đầy niềm tin với chọn lựa của mình: “Quá trình xuất hiện và tồn tại của sân khấu gia đình chưa phải là lâu, nhưng nó đang manh nha cho thấy đây là một cách tiếp cận mới với công chúng yêu nhạc, mà ở đó, âm nhạc dân tộc đã và đang được quan tâm, chú trọng. Dù con đường này còn rất nhiều gian nan và gập ghềnh nhưng đây là một tín hiệu đáng mừng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận