27/03/2010 06:17 GMT+7

Số hóa không gian di tích: Bảo tồn di sản giả hay thật?

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Hội thảo "Di sản văn hóa và giải pháp số hóa không gian di tích" vừa diễn ra ngày 25-3 tại Bảo tàng Lịch sử VN (số 1 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội). Một cuộc gặp gỡ giữa những người trẻ làm 3D hiểu ít về di sản và những nhà nghiên cứu di sản nhưng không giỏi 3D.

Họ có chung một mục đích: làm sống lại những đền đài, thành quách đã bị hư hỏng hoặc vùi sâu trong lòng đất bằng không gian ba chiều.

c4oyJQvm.jpgPhóng to

Văn Miếu Quốc Tử Giám sẽ là di tích được số hóa đầu tiên - Ảnh: Việt Dũng

Số hóa trước nguy cơ di sản biến mất

Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara (Phú Trạm) mở đầu hội thảo bằng hàng loạt báo động về việc bảo tồn văn hóa Chăm. Những bộ phận lộ thiên của kiến trúc Chăm đang dần bị thời gian mài mòn, còn người tham quan thì giẫm lên các di chỉ đang nằm dưới lòng đất.

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Inrasara cũng cảnh báo về không gian kiến trúc tôn giáo trong văn hóa Chăm. Nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời thì tương lai điêu tàn của các công trình này sẽ không còn xa nữa.

Các bước số hóa di tích

Dùng máy quét laser quét di tích, dữ liệu sẽ xây dựng mô hình 3D có bổ sung hình ảnh, thông tin, tài liệu nghiên cứu về di tích ấy.

Sản phẩm là khối dữ liệu 3D, thể hiện trên máy tính.

Công chúng sẽ “thăm viếng” di tích đã được số hóa bằng kỹ thuật 3D qua hệ thống máy tính có phục vụ tại chỗ.

PGS.TS Tống Trung Tín - viện trưởng Viện Khảo cổ học - khẳng định số hóa không gian di tích là cần thiết, nó đặc biệt cần đối với các công trình kiến trúc như các kinh đô của người Việt xưa. Ông đặt vấn đề làm thế nào để có thể làm sống lại diện mạo kinh đô, cấu trúc của đời sống cung đình và những sinh hoạt dân gian. Số hóa không gian di tích chính là cách để đưa người hiện đại về với lịch sử hàng nghìn năm trước - nhà khảo cổ học Tống Trung Tín khẳng định.

Nhà văn Nguyên Ngọc - người luôn đau đáu với Tây nguyên - cho rằng nếu không có một giải pháp kịp thời, nguy cơ mất toàn bộ di sản của Tây nguyên là rất lớn. Ông nói Tây nguyên là vùng văn hóa độc đáo bậc nhất. Những nghiên cứu về Tây nguyên vô cùng phong phú, đặc biệt là nghiên cứu của người Pháp, nhưng hiện nay chúng ta chưa khai thác được nhiều.

Vấn đề bức xúc của Tây nguyên hiện nay chính là giữ được rừng và làng. Phải giữ được hai thứ đó mới có thể bảo tồn cả nền văn hóa Tây nguyên. Chúng ta tính đến chuyện số hóa những di sản Tây nguyên bằng công nghệ 3D, nhưng nếu không giữ được rừng và làng, nó chỉ còn là những di sản giả.

Chặng đường còn dài

Một đại diện của giới 3D, ông Cao Lâm Châu (Công ty cổ phần Giải pháp tích hợp vi tính viễn thông VN) khẳng định: số hóa không gian di tích bằng công nghệ 3D là một điều không dễ dàng. Bên cạnh các yếu tố về chi phí và đòi hỏi công nghệ cao, bản quyền cho khối dữ liệu 3D, việc phối hợp giữa các nhà khoa học và giới làm 3D vẫn là một yêu cầu có tính quyết định.

Trước mắt, dự án về số hóa không gian di tích sẽ được khởi động trong năm 2010 và thời gian dự kiến hoàn thành là năm 2015. Tuy nhiên, ông Mai Linh - giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch), chủ đầu tư dự án - cho biết thời gian hoàn thành có thể kéo dài hơn.

Văn Miếu sẽ là di tích đầu tiên được đưa vào số hóa. Tiếp theo là Huế, các di tích khác sẽ được chọn theo ý kiến của giới chuyên môn.

Trước những băn khoăn về việc "game hóa" di tích, ông Mai Linh khẳng định: việc này sẽ không thể diễn ra. Các nhà nghiên cứu sẽ đồng hành cùng quá trình tái hiện 3D. Bên cạnh đó, làm đến đâu hội đồng bao gồm các nhà khoa học có uy tín sẽ thẩm định đến đó. Ðồng thời quá trình số hóa sẽ đi liền với việc bảo vệ các công trình, tránh tình trạng bị xuống cấp.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên