Phóng to |
Các thí sinh đang chờ tới lượt thi tài tại một cuộc thi ca hát - Ảnh: GIA TIẾN |
Không cần đi đâu xa, chỉ dạo vòng quanh một vài ngã tư hay bùng binh ở TP.HCM, bạn sẽ sớm gặp những băngrôn với lời lẽ quảng cáo đầy sức hấp dẫn như Đào tạo ca sĩ 2010, Chương trình tìm kiếm ca sĩ mới...
Ít sân khấu, lô nhô ca sĩ chờ
Kể từ giữa năm 2008 đến nay, tình hình các sân khấu lớn, phòng trà, quán bar ca nhạc dần ít đi đã tác động rõ đến lượng ca sĩ mới đang mỗi ngày ra lò từ các trung tâm đào tạo của nhà văn hóa quận, huyện cũng như các công ty tư nhân.
Anh H., quản lý một quán bar nhỏ ở quận 3, cho biết trước năm 2007 phải săn tìm ca sĩ, mời, ngả giá... hết sức vất vả. Nhưng thời gian gần đây, với lượng ca sĩ, nhóm nhạc mới ngày càng nhiều, các quản lý quán bar bắt đầu đổi ngôi. Họ chỉ cần ngồi chờ, duyệt (khắt khe) vì số người đến xin hát mỗi lúc một nhiều. “Ngày xưa trả tiền thù lao ca sĩ, ngày nay mình chưa kịp trả lời, ca sĩ đã đề nghị hát ít tiền, có người nói không cần tiền, chỉ cần hát. Kinh ngạc hơn là có cả những người hát còn tặng thêm tiền cho quản lý chỉ vì muốn sớm được chính thức bước vào nghề ca hát”, anh H. nói.
Một nhóm nhạc nam từng tồn tại trên năm năm tại TP.HCM cũng than rằng số lượng ca sĩ, nhóm nhạc xin xếp hàng hát nhiều đến mức họ bị xem nhẹ, thậm chí bị hăm dọa là sẽ ngưng công việc nếu đòi tăng thù lao theo thời giá. Thời của ca sĩ nữ trẻ đẹp, các nhóm hát mới... tràn ngập đang là một cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường âm nhạc cả nước, không phải vì sự nghiệp, mà đôi khi chỉ vì ảo vọng sân khấu.
Nhà nhà học hát, người người thi hát
Những cuộc thi, trò chơi liên quan đến ca nhạc dường như mỗi lúc một nhiều hơn, thu hút nhiều người tham gia hơn, cũng như hàng lố danh hiệu xuất hiện làm bối rối không biết bao nhiêu người, cũng như làm tầm thường hóa vị trí các ca sĩ mới hôm nay.
Nhìn trên truyền hình, điều nhận ra nhanh nhất bây giờ là các nhân vật ứng thí hay người chơi game show, trước khi có thể hát được một câu tử tế, đã hoàn chỉnh cách nhún nhảy, điệu bộ và trang phục, còn thu hút hơn cả những ca sĩ thực thụ.
Một thí sinh tham gia chương trình game show liên quan đến ca hát của HTV kể cô đã tham gia chương trình này đến lần thứ ba, và lần này có lẽ do nhẵn mặt với ban tổ chức cũng như dồi dào kinh nghiệm nên vào được đến vòng chung kết.
T., một thí sinh khác, vừa đoạt giải của chương trình game show hát của VTV, ngay lập tức nhắn tin cho tất cả mọi người, cũng như thay đổi giọng điệu ngay từ lúc đó, kể như mình đã bước trên một bục danh vọng khác thường. Vài tháng sau, cũng chính cô buồn bã nói mình quá ảo tưởng và nhận ra cuối cùng tất cả chỉ là một trò chơi không hơn không kém.
Bơ vơ và bế tắc
Lời lẽ của những cuộc tìm kiếm ca sĩ mới, tuyển sinh đào tạo... trên báo, trên băngrôn hay từ các trang web luôn có giá trị mập mờ kiểu như sẽ mở ra một chân trời mới hay là một cơ hội mới của đời người. Mặc dù nghề ca sĩ cũng là một nghề như mọi nghề, và giá trị nghệ thuật sẽ được định đoạt bằng tài năng hoặc nỗ lực theo thời gian, nhưng từ các lời mời gọi này có vẻ như ai cũng có thể làm được nghề, thậm chí có được “đẳng cấp” trong nghề.
Thực tế cho thấy rất hiếm hoi những người được đào tạo hay tham gia các cuộc thi trong năm năm gần đây có thể trở thành ngôi sao hay đứng được trên sàn diễn thật. Việc kiếm tìm, đào tạo ca sĩ hay kêu gọi ứng thí tiếng hát A, B gì đó ở Việt Nam luôn thường có phần mở đầu mà ít khi có hậu ở phần sau. Hầu hết những người đó đều bơ vơ và bế tắc sau khi rời khỏi ánh đèn rực rỡ của sân khấu.
Khác với nhiều cuộc thi ca nhạc của nước ngoài, kể cả Thái Lan ngay bên cạnh, khi được phát hiện, cả một hệ thống vận động của ngành công nghiệp biểu diễn đã hòa nhịp và cùng khai thác tận cùng sức lực, tài năng hay tuổi trẻ của ca sĩ; thì ở Việt Nam khi người ta xướng tên người đoạt giải... cũng là lúc cuộc đời của một ca sĩ mới được ném lên chiếc thuyền ra giữa lòng hồ mênh mông mà không hề có mái chèo kèm theo!
X. - một ca sĩ đoạt một giải ca nhạc cách đây vài năm - kể khi kết thúc cuộc thi, có người đề nghị cô bỏ ra 400-500 triệu đồng để làm một album, cô đã đồng ý như một lối thoát cuối cùng khỏi sự bế tắc, còn hơn là dừng ngay tại chỗ sau cuộc thi. Mà nghịch lý rằng lẽ ra album đó, sự nghiệp nối dài đó phải do chính ban tổ chức cuộc thi đảm trách như một tính toán toàn vẹn của ngành công nghiệp biểu diễn.
Nhưng với những nghịch lý như vậy, những công việc mời gọi, kiếm tìm ca sĩ vẫn mở ra và rầm rộ như hôm qua chưa từng có mắc mứu nào còn sót lại. Và năm 2010, với những lời mời gọi mới, người ta lại chỉ nhìn thấy sự thừa thãi và nông cạn của một thị trường ca nhạc.
Tìm kiếm ca sĩ để làm gì? Điều không thể phủ nhận rằng lớp người yêu ca hát, mơ mộng thành ca sĩ hôm nay tại Việt Nam luôn là một nguồn tài chính tiềm năng cho các cuộc thi hay các nơi đào tạo, tìm kiếm ca sĩ mới... Cho tới giờ chưa có thành phần nào đầu tư cho các công việc cá nhân của mình mà vốn đầu tư sẵn sàng chấp nhận mất trắng có thể cao ngất như vậy. Những câu chuyện ca sĩ mới bán nhà, bán đất của gia đình lao vào công cuộc tiếp cận ánh đèn màu, với mức chi ra vài tỉ đồng là điều có thật. K. - một nhạc sĩ ở phía Nam, từng được một gia đình đem con đến gửi gắm và hỏi một cách thật thà rằng gia đình sẽ đầu tư vào chuyện làm ca sĩ cho con trai mình, mặc kệ tiền bạc thu về được hay không, chỉ vì thấy con mình u sầu vì quá mê mẩn làm nghệ sĩ. “Liệu bán hai chiếc ghe có thể đủ tiền làm đĩa cho nó không? - ông cụ lo lắng hỏi - nếu không đủ tôi bán thêm mẫu ruộng”. Ngay với nhiều nhà tài trợ, mô hình sự kiện nào liên quan đến ca nhạc, vốn được coi là tạo sức cuồng nhiệt của khán giả (chỉ sau bóng đá ở Việt Nam) cũng đều là thị phần đáng quan tâm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận