Buổi giao lưu diễn ra sáng 19-3, trong khuôn khổ Hội sách TP.HCM lần 6 tại công viên Lê Văn Tám (TP.HCM).
Nhà văn Alessandro Baricco: “Tôi ghét sự lặp lại”
Những tâm tình với Lụa
Alessandro Baricco khá ngạc nhiên khi gặp Elisa - cô gái đồng hương Turin với ông - tại buổi giao lưu. Elisa "cắc cớ": “Tại sao ông không viết cho người đọc dễ hiểu mà cứ bắt người đọc tự khám phá?”.
Alessandro Baricco cũng "cắc cớ" không kém: “Tôi viết như vậy vì đó là ý thích của tôi! Ví dụ như tiểu thuyết Lụa. Khi tôi mang bản thảo đến nhà xuất bản, tôi đã nói như năn nỉ họ. Tôi xin lỗi họ vì tôi biết Lụa khi in ra sẽ ít người đọc và rất khó bán. Nhưng đó là sở thích của tôi. Tôi còn hứa với họ là sau cuốn Lụa, tôi đã có một cuốn sách rất hay trong đầu và tin rằng sẽ bán rất chạy. Không ngờ Lụa bán rất chạy, còn cuốn sách tôi nói là hay đó lại bán tệ nhất”.
![]() |
Alessandro Baricco tại buổi giao lưu - Ảnh: Thu Thảo |
"Đây là lần đầu tôi đến Việt Nam. Bạn đọc Việt Nam rất dễ thương, cuồng nhiệt và đồng cảm với tôi. Các bạn đã cho tôi một cảm giác thật tuyệt vời!" Alessandro Baricco |
“Tôi sinh ra ở đồng bằng và rất gần với những ngọn núi. Ngày tôi còn nhỏ, dù chỉ mất hai giờ đi ôtô là đến biển, nhưng với tôi, khi đó biển xa cách lắm. Biển đã trở thành giấc mơ của tôi. Nơi đó có những con tàu đi về miền xa, có cá tôm ăn thoải mái và cả những cô gái đẹp. Khi lớn lên, tôi đến biển và thấy rằng biển không như những gì tôi tưởng tượng. Nhưng giấc mơ ngày ấu thơ của tôi về biển thì vẫn còn. Và khi tôi viết, biển lại trào ra" - Alessandro Baricco chia sẻ.
![]() |
Nhà văn Bích Ngân đặt câu hỏi với Alessandro Baricco - Ảnh: Thu Thảo |
Alessandro Baricco cũng bày tỏ nhận xét về bộ phim chuyển thể từ Lụa: “Phim buồn quá, truyện của tôi đâu có buồn vậy. Phim làm rất đẹp, tinh tế, nhẹ nhàng nhưng tôi vẫn chưa hài lòng lắm. Tôi nhận ra rằng một số điều có thể ẩn dụ được trong văn học, nhưng trong điện ảnh lại rất khó”.
![]() |
Elisa (người Ý) đang du lịch tại Việt Nam cũng đến tham gia buổi giao lưu và đặt câu hỏi với Alessandro Baricco - Ảnh: Thu Thảo |
Cầm trên tay cuốn tiểu thuyết Lụa chờ đến lượt xin chữ ký tác giả, Vũ Bích Ngân - SV ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM - hào hứng: “Mình đọc Lụa từ năm 2007 và rất muốn có ngày được gặp tác giả. Mong ước ấy đã thành sự thật. Cách nói chuyện của Alessandro Baricco thật gần gũi và thú vị".
Hãy dành ba ngày leo núi
Không chỉ viết sách, Alessadandro Baricco còn cùng với những người bạn thành lập trường dạy sáng tác Scuola Holden tại thành phố Turin, Ý.
Trường đào tạo những người viết văn ở thể loại kể chuyện, hướng dẫn cho học viên kể lại những câu chuyện càng thật càng tốt. Mỗi khóa học kéo dài hai năm và không có phần chấm điểm học viên.
“Chúng tôi cũng cho học viên làm những bài kiểm tra và có những câu chuyện, quy tắc được học lại từ những nhà văn nổi tiếng trước. Nhưng điều quan trọng nhất là học viên phải tìm ra phong cách riêng, và chúng tôi dạy cho họ cách tìm ra chúng" - Baricco nhấn mạnh.
Alessandro Baricco còn cho biết ông thường cho học viên dành ba ngày đầu để leo núi. Có liên hệ gì giữa leo núi và sáng tác? Hãy nghe Alessandro Baricco giải thích kèm nụ cười nhiều ẩn ý: "Lý do đầu tiên là để các bạn trẻ hiểu thế nào là cực nhọc, mệt mỏi. Thứ hai là để tôi có dịp quan sát, tìm hiểu tính cách từng bạn. Thứ ba là để các bạn có cơ hội tìm hiểu nhau. Và cuối cùng là khi đêm về, các bạn sẽ cùng thư giãn và kể lại những gì đã trải qua trong hành trình leo núi ấy theo cách riêng của mình".
Nếu thấy tò mò và nghi ngờ điều này, bạn cứ thử một lần!
![]() |
Alessandro Baricco trong "vòng vây" bạn đọc xin chữ ký - Ảnh: Trung Uyên |
"Tôi viết như tôi đang nói với bạn"
Thời niên thiếu, Alessandro Baricco chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn và chỉ đơn giản nghĩ rằng mình sẽ làm nghề gì đó hơi... lạ một chút. Đến khoảng 30 tuổi, Alessandro Baricco bỗng cảm thấy thích kể chuyện và tự tin rằng mình có cách kể chuyện không giống những nhà văn khác. "Tôi bắt đầu viết như một bản năng, một điều tự nhiên đến mức tôi không biết phải nói như thế nào. Tôi không gặp khó khăn gì khi viết" - ông cho biết.
Nói về phong cách viết của mình, Alessandro Baricco ngắn gọn: "Tôi viết như đang dùng tiếng nói để kể chuyện cho bạn nghe. Tôi bị ảnh hưởng một phần bởi văn học cổ điển, phim ảnh, những người kể chuyện truyền miệng".
Hai năm, ba năm, thậm chí 10 năm là khoảng thời gian mà Alessandro Baricco dành ra để tìm một giọng điệu thích hợp cho tác phẩm nào đó của mình. Như cuốn tiểu thuyết Emmaus sẽ phát hành tại Ý vào tháng 11-2010, Alessandro Baricco đã mất 10 năm để tìm ra "âm nhạc phù hợp" (cách nói của ông) để thủ thỉ kể bạn nghe về đứa con tinh thần ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận