Những bức ảnh làm cuộc sống đẹp hơn
TT - Họ đã sống như thế không đơn thuần là một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật. Rất nhiều người xem đều có ý như cụ Nguyễn Tấn Tài (79 tuổi): “Đây là những bài học cho cuộc sống. Mỗi tấm ảnh, mỗi nhân vật là một bài giảng”.
>> Nguyễn Á: trái tim trên lối đi riêng
Anh thợ điện Phạm Tuấn Sơn (29 tuổi, Long An) bị tai nạn lao động phải cưa bỏ cả hai tay và ba ngón chân phải. Giờ đây, anh được mọi người gọi là “tỉ phú cá dĩa”. Anh tâm sự: “Tật nguyền không quan trọng. Vấn đề là ý chí. Ta vững vàng bước đi trong một ý chí không lung lạc thì sẽ thành công” |
>> Ảnh "Họ đã sống như thế"...>> Họ đã sống như thế>> Nguyễn Á: trái tim trên lối đi riêng
Vì lẽ đó, Tuổi Trẻ, với sự đồng ý của tác giả Nguyễn Á, xin giới thiệu một số gương mặt trong 90 nhân vật của Họ đã sống như thế đến với mọi người...
Bộ ảnh đẫm nước mắt
1. Có lẽ đây là bộ ảnh làm tốn nhiều nước mắt nhất. Đầu tiên, người sáng tác là tôi đã gần như khóc suốt với 90 nhân vật của mình. Đó là nước mắt của sự cảm phục khi đứng trước những con người bất hạnh. Còn những nhân vật chính, khi tôi mời họ về dự lễ khai mạc triển lãm gần như ai cũng khóc. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc khi thấy được sự chia sẻ của cộng đồng với mình. Và cuối cùng, người xem, tôi cũng thấy họ đã khóc rất nhiều khi đứng trước các bức ảnh.
2. Chụp ảnh người khuyết tật khó hơn chụp người đẹp rất nhiều. Đơn giản bởi người khuyết tật ở VN chưa được xã hội nhìn một cách thật bình thường nên họ thường co cụm, thủ thế khi tiếp xúc người lạ. Vì vậy, tôi thường phải mất 1-2 ngày để hòa nhập vào cuộc sống của nhân vật. Khi nhân vật đã xem tôi như một thành viên trong gia đình, khi ấy máy mới lấy ra.
3. Để thực hiện bộ ảnh này tôi đã tốn trên 200 triệu đồng. Nhiều người bảo tôi “điên” khi tốn quá nhiều tiền cho một bộ ảnh mà không thu lại được gì. Nhưng tôi thì nghĩ khác: cái được của tôi là thu về 90 bài học vô giá.
4. Nhân vật nào cũng đáng quý cả, nhưng thú thật tôi yêu, tôi thương những người khiếm thị nhiều hơn. Có những đêm tôi lầm lũi một mình đi đến những vùng sâu vùng xa để tìm nhà nhân vật. Trong mịt mù đêm tối tôi ngẫm ra rằng không ánh sáng là điều bi kịch nhất. Nghề của tôi là nghệ thuật ánh sáng.
Tác phẩm của tôi là dành cho mọi người nhìn ngắm và chiêm nghiệm. Nếu chẳng may cả thế giới này chìm trong bóng tối thì làm gì tồn tại nghề nhiếp ảnh. Tôi đã khóc không biết bao nhiêu lần khi nhân vật của mình cứ hỏi người thân: “Hình anh sao em? Có đẹp không?”.
Một tuần 420km - Cứ vào cuối tuần là thầy giáo khiếm thị Nguyễn Phước Thiện lại lụi cụi ra ga Sài Gòn đáp tàu đi Phan Thiết (đi về hết 420km). Thêm mấy chặng xe ôm nữa, ông đến với lớp học tình thương ở Mũi Né để dạy tiếng Anh miễn phí cho các trẻ nghèo, vì “tội lắm, hầu hết trẻ vào đời sớm ở đồi Hồng đều nghèo và thất học”. Gần một năm qua, đám học trò nghèo của ông thầy đặc biệt này đã nói được tiếng Anh với du khách nước ngoài đến đồi Hồng. |
* Ý kiến người xem: “Mặc dù thầy Thiện không thấy đời, nhưng đời thì xin nghiêng mình trước tấm lòng của thầy” Phạm Thị Thu Vân (ĐH Mở TP.HCM) |
Học cho mọi người - Căn bệnh sốt phát ban đã lấy đi ánh sáng đôi mắt của Nguyễn Văn Long (Quảng Bình) từ năm 3 tuổi. Nhưng, bóng đêm không lấy được khát khao học hỏi của anh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh tiếp tục dùi mài thêm gần 10 năm nữa để lấy bằng thạc sĩ văn hóa. Tất cả vốn kiến thức ấy, Nguyễn Văn Long đang từng ngày truyền lại cho các em học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Long không thể nào biết ảnh mình được Nguyễn Á thể hiện như thế nào. Anh chỉ cười bảo: ”Đại ca Á vui lắm”. |
* Ý kiến người xem: “Tôi sẽ kể lại câu chuyện của anh Long, của các nhân vật trong triển lãm Họ đã sống như thế với một người bạn ở Hà Nội vừa bị tai nạn ôtô làm mất một tay, một chân. Tôi sẽ nói với bạn rằng trên đời còn có vô vàn người thiếu may mắn, nhưng họ đã vươn lên để sống có ích cho đời, cho mình”. Phạm Thị Phượng (kế toán Công ty Tokyo Development Consultants) |
Hai ngón tay bay - Anh Phan Thành Thương (Tây Ninh) là nạn nhân của chất độc da cam, khi sinh ra với mỗi bàn tay chỉ có một ngón. Bi kịch hơn, cậu con trai của anh năm nay 4 tuổi cũng bị như cha. Anh đã trở thành thầy giáo dạy vi tính có tiếng ở Tây Ninh, và ngoài giờ vẫn chơi bóng chuyền như mọi người bình thường khác. Anh Thương lạc quan khi nói về con: ”Thằng bé sẽ làm được nhiều việc hơn cả tôi vì nó đã có cha đi trước với bao nhiêu là kinh nghiệm”. |
* Ý kiến người xem: “Xin ngả mũ kính phục khi đứng trước bộ ảnh về anh Thương. Nghị lực của anh là một bài học lớn” Đặng Đức Ninh (Công ty Nhạc Xanh) |
Ngọn nến dẫn đường - Bị liệt một tay và một chân do sốt bại liệt, nhưng điều đó vẫn không cản được Trần Ngọc Điệp (Củ Chi, TP.HCM) thực hiện ước mơ trở thành cô giáo. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm TP.HCM, cô Điệp về đầu quân Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Không màng đến chuyện mình, cô luôn rớt nước mắt trước những cô cậu học trò nhỏ khiếm thị của mình, vì cho rằng “tôi còn hạnh phúc hơn các em. Tôi mãi mãi xin làm ngọn nến dẫn đường cho các em”. Một điều thú vị hơn nữa: cô Điệp còn là thành viên đội tuyển cờ vua TP.HCM. |
* Ý kiến người xem: “Bộ ảnh của Nguyễn Á về nhân vật Trần Ngọc Điệp thật trẻ trung, tươi sáng. Xem ảnh người khuyết tật nhưng lại thấy toát lên vẻ trẻ trung, yêu đời” Bà Nguyễn Thị Xuân Mai (65 tuổi, ở Bình Thạnh) |
“Thật cảm động và vô cùng bất ngờ được xem triển lãm lần này của Nguyễn Á. Như chưa từng có triển lãm độc đáo nào tại NVH Thanh niên TP.HCM được sự quan tâm đặc biệt của công chúng như thế này” Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương “Nguyễn Á đã làm được một điều kỳ diệu. Những bức ảnh của Nguyễn Á đã làm người xem phải chiêm nghiệm về chính bản thân mình và cuộc sống. Cảm ơn Nguyễn Á - người nghệ sĩ có tâm hồn thật đẹp” Nghệ sĩ Thành Lộc Trích từ Sổ lưu niệm cuộc triển lãm Họ đã sống như thế, diễn ra từ ngày 12 đến 20-11 tại NVH Thanh niên TP.HCM. Sau đó, cuộc triển lãm sẽ được tổ chức tiếp ở Hà Nội (45 Tràng Tiền) từ ngày 2-12-2009. |
.................
Ý kiến bạn đọc:
TTO - Trước hết cháu xin chân thành cảm ơn bác Nguyễn Á! Thật sự khi xem những tấm ảnh này cháu đã không cầm được nước mắt. Xung quanh chúng ta có rất nhiều người kém may mắn nhưng tại sao họ lại có ý chí và nghị lực sống tốt đến thế?
Đây là một câu hỏi lớn mà chính chúng ta cần phải suy nghĩ! Cháu cảm ơn Bác rất nhiều! Nhờ được xem những tấm ảnh của bác, chắc chắn cháu sẽ sống tốt hơn!
Nguyễn Anh Tuấn
Những bức ảnh này đã tạo cho chúng ta nhiều cảm phục. Những con người tuy không có một sự toàn diện về thân thể nhưng họ lại có một trái tim vượt khó. Cám ơn những bức ảnh của Nguyễn Á đã cho tôi một nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Lý Minh Thành
* Cuộc sống thật đẹp thật quý.... Những người như vậy càng khiến ta khâm phục hơn và càng biết trân trọng cuộc sống hơn. Hãy sống sao cho thật ý nghĩa để khi chết đi ta không phải hối tiếc!
Bùi Việt Cường (fugibi@)
* Xin cảm ơn nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Với bộ ảnh "Họ đã sống như thế", anh như mới vừa đốt sáng lên những ngọn nến để mọi người hiểu được thêm về giá trị sống, và giúp cho tôi tìm được đường đi trong đêm tối.
Nguyen Dung (myduc05@)
* Cháu cám ơn chú Nguyễn Á và các bức ảnh của chú. Những bức ảnh mà qua đó, ta có thể hiểu thêm được nhiều điều giá trị của cuộc sống.
danghongminh (meomeo902@)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận