15/11/2009 05:00 GMT+7

Nguyễn Á: trái tim trên lối đi riêng

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Tôi thích cái cách mà Nguyễn Sơn Lâm, một chàng trai “trời không cho lớn”, nhận xét về Nguyễn Á: “Anh ấy chụp ảnh bằng trái tim”. Vừa nói, Lâm vừa lấy bàn tay phải đập bồm bộp vào ngực trái của mình.

Nhân vật hằng tuần:

Nguyễn Á: trái tim trên lối đi riêng

TT - Tôi thích cái cách mà Nguyễn Sơn Lâm, một chàng trai “trời không cho lớn”, nhận xét về Nguyễn Á: “Anh ấy chụp ảnh bằng trái tim”. Vừa nói, Lâm vừa lấy bàn tay phải đập bồm bộp vào ngực trái của mình.

ImageView.aspx?ThumbnailID=375177

Tác giả “bắt tay” với nhân vật Nguyễn Thị Hạnh (Thừa Thiên - Huế) - người có mặt trong triển lãm Họ đã sống như thế - Ảnh: Anh Dũng

ImageView.aspx?ThumbnailID=375178
Có đến 60 nhân vật trong bộ ảnh Họ đã sống như thế về dự lễ khai mạc cuộc triển lãm. Ngoại trừ một số ít có hoàn cảnh kinh tế khá giả tự lo đi lại, còn phần lớn đều do anh đài thọ. Căn nhà anh trở thành chỗ ở cho mọi người trong những ngày lưu lại TP.HCM. Ở đó, anh cùng mọi người sống với nhau như một gia đình ruột thịt. Trong ảnh: Nguyễn Á (bìa phải) và các nhân vật của mình ăn cơm tối - Ảnh: Như Hùng

>> Họ đã sống như thế>> Ảnh "Họ đã sống như thế"...

Nguyễn Á là một nhân vật quá quen thuộc trong làng nhiếp ảnh VN. Đặc biệt trong những ngày gần đây, khi Nguyễn Á tung ra cuộc triển lãm mang tên Họ đã sống như thế, kể về 90 nhân vật khuyết tật đã vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống thì báo chí lại càng săn anh tợn. Nhưng tôi vẫn cứ muốn viết nữa về Nguyễn Á, như là một sự góp thêm những chuyện thú vị của con người quá đỗi thú vị này.

Đôi bàn tay đa tài

Tôi và Nguyễn Á biết nhau cách đây hơn 20 năm. Ngày ấy (những năm cuối thập niên 1980), chúng tôi vừa qua lứa tuổi thiếu niên.

Nguyễn Á là chàng trai sinh ra trong một gia đình nghèo có đến 11 anh em. Còn tôi từ miền Trung trôi dạt vào, không hộ khẩu. Thời ấy, bươn chải vào đời sớm để tự kiếm sống, phụ giúp gia đình là chuyện rất đỗi bình thường. Sáng sáng, khi mặt trời chưa ló dạng, cả hai chúng tôi cùng cọc cạch đạp xe đến báo Tuổi Trẻ để nhận báo đi giao. Nguyễn Á phụ trách địa bàn Q.Bình Thạnh, còn tôi Q.3.

Tôi lớn hơn Nguyễn Á hai tuổi, nhưng ngay từ hồi ấy đã ái mộ anh chàng có vóc dáng to cao, mái tóc loăn xoăn và nụ cười luôn đọng trên môi. Điều mà tôi nhớ nhất về Nguyễn Á là đôi bàn tay. Những ngón tay dài nhưng không ẻo lả, cứ xòe ra là cầm được cả gần 200 tờ báo, hơn gần gấp đôi tay tôi. Nhưng đôi bàn tay ấy nào chỉ có đếm báo, nó còn phụ quán cơm của gia đình Nguyễn Á với những việc lặt vặt như chạy bàn, rửa bát đĩa, phụ ông cụ thân sinh làm khí đá bỏ mối cho các tiệm hàn, những điểm buôn bán trái cây.

Và đặc biệt, tôi thán phục nhất đôi bàn tay của Nguyễn Á trên sàn đấu thể thao. Đó là những năm môn bóng ném đang trong thời cực thịnh của TP.HCM. Những trận đấu tranh giải thành phố thôi nhưng sân Phan Đình Phùng cũ luôn kín người xem. Và năm nào cũng thế, cuộc đua tranh chức vô địch giữa đội Q.3, Bình Thạnh, Tân Bình luôn thu hút người xem. Tôi thường không vắng mặt trên khán đài ở những trận đấu ấy, còn Nguyễn Á là thủ môn của đội Bình Thạnh (và cũng là thủ môn của tuyển TP.HCM). Quả bóng nằm trong tay Nguyễn Á gọn lỏn như chúng ta cầm một quả cam!

Nguyễn Á bảo ngày ấy anh mê bóng ném cũng chẳng kém gì mê nhiếp ảnh. Nhưng đến năm 27 tuổi (1995) thì đành phải bỏ bóng ném để nghiêng hẳn theo nhiếp ảnh; cái nghề mà thoạt tiên anh cắp máy theo học thầy Phùng Hiệp chỉ nhằm kiếm cơm nhưng không ngờ ngày càng lôi cuốn. Cũng chính nhiếp ảnh khiến Nguyễn Á phải từ giã thể thao sớm. Anh giải thích: “Ánh đèn flash khiến tôi bị lóa mắt dẫn đến phản ứng chậm. Làm thủ môn mà phản ứng chậm một tích tắc thôi thì xem như hết thời”!

Trong phúc có họa, trong họa có phúc. Rút khỏi thể thao là một quyết định khó với Nguyễn Á, nhưng cũng nhờ đó mới có một nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á hôm nay.

ImageView.aspx?ThumbnailID=375179
Thủ môn Nguyễn Á (đứng, áo vàng) cùng đội Bình Thạnh đoạt cúp vô địch TP.HCM năm 1993 - Ảnh tư liệu

Sống hết mình, sống trọn tình

Nguyễn Á nhảy vào đâu cũng gặt hái thành công. Chơi thể thao thì chiếm suất bắt chính cho tuyển bóng ném thành phố. Sang chụp ảnh thì lĩnh vực nào cũng kiếm được giải trong nước lẫn quốc tế. Nhà văn Đoàn Thạch Biền đã ví Nguyễn Á là “ống kính vạn hoa”! Ví dụ Tình đồng đội đoạt HCV Áo 2009, Thích thú đoạt giải danh dự của Macau 2008, Đường nét và ánh sáng đoạt HCV FIAP Hong Kong 2006, Chân dung đoạt HCV Canada 2007... Nhưng tất cả vẫn bàng bạc như bao tay máy khác. Nguyễn Á cũng nhận thấy điều đó nên anh bắt đầu tìm tòi cho mình một con đường riêng, không lẫn với ai.

Khởi đầu con đường mới là bộ ảnh Lê Thanh Thúy - một bộ ảnh góp phần đưa câu chuyện về nghị lực sống của đóa hướng dương Lê Thanh Thúy “ngưng đọng” trong lòng người dân Sài Gòn. Nguyễn Á bảo mình khởi đầu con đường mới bằng câu chuyện của Thúy, nhưng ngược lại cũng nhờ sáu tháng sát cánh bên Thúy, câu chuyện của bệnh nhân ung thư đặc biệt này đã giúp anh quyết định dấn sâu vào con đường sáng tác mới. Liên tiếp sau đó là hai bộ ảnh ra đời đều nóng bỏng hơi thở cuộc sống và đầy tính nhân văn, đó là Thương về khúc ruột miền Trung và Theo chân thanh niên tình nguyện. Nhưng “đỉnh” nhất là Họ đã sống như thế vừa được triển lãm từ 12-11 (đến 20-11) tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Đó là một bộ ảnh vừa công phu, vừa thể hiện khả năng sáng tạo lẫn sức lao động vô biên và đặc biệt là góc nhìn nhân bản của Nguyễn Á.

Nguyễn Á rất cực để có được cuộc triển lãm Họ đã sống như thế, khi anh đã miệt mài lao động gần hai năm trời. Trung bình mỗi một nhân vật, anh phải tốn mất ba ngày sống cùng họ. Có người chụp một lần là xong nhưng có người phải đi đi lại lại đến năm lần bảy lượt. Chưa kể 90 con người bất hạnh ở rải rác từ địa đầu Tổ quốc (huyện Bắc Hà, Lào Cai) đến vùng đất mũi (Cái Nước, Cà Mau) nên thời gian di chuyển cũng ngốn khá bộn. Một mặt vừa tất tả lo cho bộ ảnh, một mặt phải kiếm tiền bằng chụp ảnh người mẫu, ảnh cưới nên hai năm qua Nguyễn Á “cày hơn trâu”.

Thật ra cái vất vả của thể xác không là gì cả với một chàng trai có hơn chục năm chơi thể thao đỉnh cao, và nay vẫn duy trì thói quen sáng sớm đến CLB thể hình Phan Đình Phùng tập tạ. Tối 12-11, tôi chứng kiến cảnh anh Nguyễn Văn Long, người thạc sĩ khiếm thị đang dạy ở Trường Nguyễn Đình Chiểu (một trong 90 nhân vật của Họ đã sống như thế), tay trong tay với cô vợ sắp cưới xinh đẹp Toàn Thắng đi xem triển lãm. Nguyễn Á nhẹ nhàng đi đến từ phía sau. Anh đưa tay đặt nhẹ lên vai Long. Chàng trai Học cho mọi người đã nhoẻn miệng cười và hỏi: “Đại ca phải không? (Long thường gọi Nguyễn Á là đại ca)”. Đã có một sợi dây liên lạc vô hình giữa người nghệ sĩ với nhân vật khiếm thị. Để tạo được điều đó, Á đã phải sống hết mình, sống trọn tình với nhân vật. Đó là điều cực khó mà Á đã làm được.

Luôn luôn tìm tòi

Ông Trần Văn Nghĩa, phụ trách bộ môn bóng ném của TP.HCM vào thời mà Nguyễn Á còn là VĐV, đã đúc kết về người thủ môn - nghệ sĩ Nguyễn Á như sau: ”Nguyễn Á là một người luôn tìm tòi, sáng tạo, tự đòi hỏi mình. Ngay từ thời còn là thủ môn, sự xuất sắc của Nguyễn Á không chỉ là nhờ dũng cảm, xông xáo và phản xạ nhanh; mà anh là thủ môn duy nhất chịu nghiên cứu sở trường sở đoản của các tiền đạo đối phương nhằm tìm cách khắc chế. Theo dõi Nguyễn Á kể từ khi anh tập tễnh đặt chân vào làng nhiếp ảnh đến nay tôi thấy tính cách ấy ngày càng phát huy, giúp anh tạo được một lối đi cho riêng mình, không trộn lẫn với bất cứ ai”.

HUY THỌ

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên