Phóng to |
Theo KTS Hoàng Đạo Kính, để ngôi làng cổ này tiếp tục sống cuộc đời của nó mới chính là phương thức bảo tồn tốt nhất, mọi quy chế quản lý phải đảm bảo dòng chảy ấy đồng thời với đảm bảo quyền lợi của dân làng…
* Thưa GS, là người chủ xướng và theo đuổi trong nhiều năm công cuộc nghiên cứu làng cổ Phước Tích, ông có cảm tưởng gì khi Phước Tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia?
- Đời làm bảo tồn di tích và di sản văn hóa, có hai nơi chốn mà tôi gắn bó, thương và lo lắng như thể việc nhà mình, đó là Hội An và Phước Tích. Năm 1981, cùng anh em Ba Lan nghiên cứu Hội An với tư cách là một di sản đô thị, cứ lo canh cánh e làm bà con hẫng hụt. Năm năm sau, nó được công nhận ở tầm quốc gia và mười năm sau ở tầm quốc tế. Thật mãn nguyện!
Năm năm trước mở hội thảo lớn để nhìn nhận giá trị của làng di sản Phước Tích, lại canh cánh trong lòng sợ bà con khổ thêm vì có tiếng mà chẳng được lợi lộc gì. Chậm, song di sản giàu của vùng quê nghèo cuối cùng cũng được công nhận. Gặp các cụ ông cụ bà ở đó khỏi hổ thẹn.
* Nhiều năm trước đây trên rất nhiều diễn đàn, ông từng đặt vấn đề đề nghị công nhận Phước Tích là làng di sản thay vì làng di tích, vì sao vậy, thưa ông?
- Luật di sản văn hóa của ta chưa cập nhật khái niệm “di sản đô thị” và “di sản thôn quê”, những đối tượng có nội hàm và cách ứng xử khác biệt so với di tích. Di tích trước hết là sự hiện hữu của những gì đã xảy ra hoặc đã diễn ra, của những gì không bao giờ lặp lại, do đó trở nên duy nhất. Phiên bản của nó, dù chính xác nhất, không thể thay thế di tích được vì không còn yếu tố nhân chứng, yếu tố thời gian. Di tích là đối tượng của bảo tồn nguyên trạng, và mọi sự trùng tu cũng chỉ nhằm mục đích bảo lưu cái gốc, không thể bị thay thế.
Phóng to |
Di sản văn hóa là khái niệm bao quát hơn và có phần mềm hơn. Di sản đô thị, đô thị - di sản, di sản thôn quê, làng - di sản là những phức hợp lịch sử - văn hóa và kiến trúc hiện hữu, bao hàm cả những di tích, những thành phần có giá trị này khác, bao hàm cả những thành phần kiến trúc đô thị cũ và mới, đang phục vụ cuộc sống hôm nay và đương nhiên đòi hỏi cả sự nâng cấp cũng như sự phát triển.
Di sản kiến trúc đô thị và di sản kiến trúc nông thôn là những thiết chế cộng cư sống động, nơi đang diễn ra các hoạt động bình thường của cuộc sống, đang phát triển và tiếp nối. Chúng cùng lúc cần sự duy trì những giá trị truyền thống và sự thích ứng với nhu cầu sống hiện đại.
Đối với những di sản này, sự kết hợp bảo tồn và phát triển là sự đảm bảo cho lý do tồn tại, đảm bảo cho chính đòi hỏi bảo tồn. Sự duy trì dòng chảy tự nhiên cho những di sản kiến trúc đô thị và nông thôn là ở sự phát triển tiếp nối. Cầu nối giữa bảo tồn và phát triển chính là cải tạo và thích ứng. Làng cổ Đường Lâm và làng cổ Phước Tích cần sự ứng xử như vậy.
Chúng không thể biến thành những bảo tàng, dù là bảo tàng sống. Bảo tàng hóa chúng sẽ tạo ra sự đối kháng với nhu cầu sống của dân cư. Bảo tồn chúng như di tích là bất khả kháng.
Phóng to |
- Bản chất cơ bản của sự ứng xử duy nhất có thể, duy nhất khả thi đối với làng Phước Tích là bảo tồn kết hợp nhuần nhị với phát triển. Một số nhà cổ có thể đưa vào diện nghiêm ngặt, song cho phép làm những việc nào đó để đảm bảo đời sống bình thường cho chủ nhân, đem lại thu nhập cho họ bởi việc đón khách tham quan. Một số căn nhà nào đó ít có giá trị hơn, nhưng góp phần duy trì khung cảnh làng quê cổ truyền thì cho phép cải tạo nâng cấp, nhưng không phá vỡ diện mạo vốn có.
Những xây dựng mới cần phải có sự điều tiết để làm sao không tạo ra những tương phản. Cần ban hành quy chế đặc thù quản lý bảo tồn, xây cất, phát huy tác dụng, có cả quy định về bảo tồn khung cảnh làng quê. Tuy nhiên chớ áp đặt cứng nhắc, mà nên dựa trên cơ sở tính khả thi và sự chấp thuận của cộng đồng. Đặc biệt phải gắn chặt quyền lợi của người dân với bảo tồn di sản làng, với du lịch văn hóa.
Năm 2002, sau một hội thảo quốc gia về di sản đô thị Huế, chúng tôi có cơ hội dẫn đoàn chuyên gia từ Hội KTS VN tham quan làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Cả đoàn lúc ấy, đặc biệt là GS.TS KTS Hoàng Đạo Kính, quá đỗi bất ngờ trước sự giàu có về hệ thống kiến trúc truyền thống cũng như vẻ đẹp độc đáo của ngôi làng, tồn tại trong vùng từng là “cối xay thịt” của chiến tranh... Ngay lập tức, Hội KTS VN chủ trương đưa công cuộc nghiên cứu ngôi làng này thành “chương trình hành động” của hội trong năm 2003. Kết quả nghiên cứu là cuộc hội thảo quốc gia về làng di sản văn hóa Phước Tích tổ chức tại Huế vào tháng 3-2004, cũng chính là nền móng cho diễn trình bộ hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT, nay là Bộ VH-TT&DL, xếp hạng di tích đối với ngôi làng này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận