Phóng to |
Khi tòa hậu cung hoành tráng này được dựng lại, chỉ còn mấy khúc tường đá ong là nguyên bản, tất cả là mới, trừ mấy khúc gỗ được tận dụng lại. Rõ ràng chúng ta sẽ khánh thành một ngôi đền khác, trong khi ngôi đền cũ còn lâu mới xuống cấp |
Phóng to |
Quan sát bằng mắt thường có thể thấy bức tường đá ong khổng lồ nổi tiếng của đền đã bị phá một mảng lớn. Theo đơn vị thi công, họ phá di sản để lấy đường cho ôtô chở vật liệu vào “sửa chữa đền”. Xung quanh đền là lán trại căng nilông xanh đỏ của công nhân xây dựng, cơm khô, nồi niêu xoong chảo xếp chi chít trên mặt tường đền. Nhiều cây xanh bị chặt tơi tả. Toàn bộ khu đền chính (hậu cung) đã được dỡ ra, phủ giàn giáo, bạt vải kín bưng. Nghi môn (cổng vào đền) rất đẹp, vẫn còn trang hoàng cổ kính cũng bị dỡ ra, dựng lại từ đầu. Ông Vị, ông Thịnh là hai người trực tiếp có mặt quản lý thi công ở đền Và hiện nay cho biết sau Tết Nguyên đán họ sẽ dỡ nốt, xây lại gác chuông, gác trống... Đến lúc đó, đền Và sẽ không còn dấu vết cổ kính, là nơi đã “linh ứng” từ hơn 1.000 năm trước nữa!
“Đền Và phải 50 năm nữa mới xuống cấp!”
Ông Trần Đức Minh - trưởng ban đầu tư xây dựng của thị xã Sơn Tây - cho biết quyết định dự án trùng tu tôn tạo đền Và là do UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay đã nhập vào Hà Nội) phê duyệt, với mức kinh phí ban đầu hơn 17 tỉ đồng. Mục đích đầu tư là tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị, phát huy di sản. Dự án được tiến hành từ cuối năm 2008 và còn kéo dài trong nhiều tháng nữa sau tết. |
Không ra ủng hộ dự án xây mới đền Và, cũng chẳng vui mừng vì di tích quê mình được đầu tư gần 20 tỉ đồng, các cụ thôn Vân Gia cứ ngồi tiếp nhận lễ vật, hướng dẫn nhang khói cho khách thập phương lễ Thánh Tản “tạm” trong khu tiền tế. Tiếng máy móc đinh tai nhức óc. Nền hậu cung bị đào hang hốc lung tung. Cụ Thông tiếc nuối: “Các cụ chúng tôi không có kiến nghị sửa lại đền. Để nguyên thì đền Và của chúng tôi ít nhất vẫn còn vững chãi đến cả dăm ba chục năm trời nữa. Chắc là người ta muốn làm để nó kiên cố mãi mãi về sau cho con cháu”(?).
Tu tạo chứ không thể là “xây mới” !
Chúng tôi đã gặp nhiều du khách say mê vẻ đẹp thiên nhiên và kiến trúc của đền Và, nhìn “đại công trường” với toàn bộ hạng mục chưa có dấu hiệu xuống cấp bị dỡ ra, ai cũng xót xa. Vẻ đẹp, nét cổ kính của ngôi đền sẽ không còn nữa sau cuộc “đại trùng tu” này trong khi di sản cũ vẫn chưa hề hư hỏng gì nhiều. Tu sửa, với kiến trúc cơ bản còn nguyên vẹn như đền Và, chỉ nên bổ khuyết những chỗ hỏng nhẹ (nếu có), chứ không bao giờ được “dỡ trắng” toàn bộ di tích để xây mới. Các cụ đã dạy “để thì là tấm áo, dỡ ra sẽ là những miếng giẻ rách”. Họ dỡ ra, ngoài việc tận dụng vài chân cột, vài khúc cột cũ, mấy mảnh tường cũ cho “công trình” nhiều tỉ đồng mà họ đang dựng kia, rõ ràng họ đã làm một ngôi đền mới hoàn toàn trên nền đất vừa được “giải phóng mặt bằng”.
Trở lại cuộc trò chuyện với ông Vị - người tự giới thiệu mình phụ trách thi công “phá dỡ, dựng lại toàn bộ” đền Và, ông Vị thậm chí không biết đền xây dựng từ năm nào mà vẫn “dỡ trắng”, vẫn xây lại… tất tật. Ông chỉ biết: “Khi chúng tôi dỡ đền này ra, cột hỏng hết, hoành hỏng hết, rui mè hỏng hết” rồi đòi phải thay tất, lợp ngói mới tất (trong khi bằng mắt thường ai cũng biết ngôi đền hàng trăm năm qua vẫn lợp ngói âm dương và chưa bao giờ bị dột cả).
Ông Vị cũng hồn nhiên công nhận: khu tường thành kỳ vĩ kia sẽ không bị phá ra làm mới, mà “chúng tôi phá ra để cho ôtô đi vào” cho tiện. Tôi tỏ ý xuýt xoa trước vẻ đẹp của hệ thống rồng chầu, các linh vật bị gỡ xuống, ông Vị trề môi bảo: “Những thứ này chả biết làm từ bao giờ, nhưng nó là đồ mới hết cả” (ý nói không cần tôn trọng, bảo vệ). Ông mở nhà kho dẫn nhà báo vào thăm khu vực xập xệ mà họ đang lưu giữ các “đầu đao, con giống” của ngôi đền Và tuyệt kỹ. Rồng, lân bé tẹo nằm ở các góc, các đỉnh nóc của đền được cắt xuống, trói bó bằng dây thừng để trong nhà kho. Đến khi đền mới ra đời, trang hoàng ximăng vôi cát, họ sẽ đem rồng, lân cũ (số còn tận dụng được, số vỡ nát đã vứt bỏ), bả vôi cát ximăng gắn lên các vị trí cũ.
Bảo vệ di sản văn hóa theo kiểu “dỡ ra xây mới” như thế có khác gì “bức tử” di tích!
Một địa chỉ tín ngưỡng, một thắng cảnh nổi tiếng Đền Và là Đông cung, cung to lớn và thiêng liêng nhất của Thánh Tản Viên (Sơn Tinh, người trị vì núi Ba Vì), vị thánh đứng đầu trong tứ bất tử của VN - một “tối linh thượng đẳng thần”. Đền có từ thời VN còn chịu ách đô hộ của nhà Đường (năm 618-907), đã được Nhà nước VN công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1964. Trên toàn bộ quả đồi Và hình con rùa bơi về phía mặt trời mọc, rộng hơn 17.500m2 mà đền Và tọa lạc là một rừng lim cổ thụ, vòng gốc mấy người ôm, tứ thời sum suê. Xung quanh đền là hệ thống tường đá ong kỳ vĩ, bề rộng của tường hơn 1m, cao gần 3m. Cổng đền, các gác trống, gác chuông có hình giống Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) với các cửa sổ tròn gồm năm con dơi xòe cánh ôm quanh (ngũ phúc)…; tiếp đến là tả vu, hữu vu cổ kính; nhà tiền tế, hậu cung hoành tráng. Cách Hà Nội khoảng 50km về phía tây, lại nằm ở gần làng Việt cổ Đường Lâm, hệ thống khu du lịch di tích liên quan đến núi Ba Vì, thành cổ Sơn Tây, vì thế đền Và là một địa chỉ tín ngưỡng, một thắng cảnh nổi tiếng xứ Đoài, thủ đô và cả nước. Lễ hội ở đền Và vào rằm tháng giêng hằng năm - với nghi thức đánh cá thờ trên sông Tích, rước long ngai của “tam vị Đức Thánh Tản” qua sông Hồng sang đền Dội (tỉnh Vĩnh Phúc) - mang tầm vóc quốc gia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận