Phóng to |
Hiện trường khai quật một đền tháp - Ảnh: N.H.T. |
Phát biểu tại hội thảo, nhà nghiên cứu cổ sử Trần Văn Bảo (Trường ÐH Ðà Lạt) tự tin: "Những phế tích còn lại ngày nay ở Cát Tiên là dấu vết của một thánh địa huy hoàng, tráng lệ, là trung tâm chính trị - tôn giáo của một vương quốc hùng cường có nền kinh tế và nhân lực dồi dào trong quá khứ!".
PGS.TS Ngô Văn Doanh (Viện Nghiên cứu Ðông Nam Á) khẳng định thánh địa Cát Tiên "hội đủ những phẩm chất cơ bản của di sản văn hóa thế giới". Theo ông, chỉ riêng một quần thể kiến trúc tháp, đền tháp, đền thờ, mộ táng... từ hơn 10 thế kỷ trước nay bỗng nhô lên từ lòng đất đã là một sự hấp dẫn kỳ lạ.
Ai là chủ nhân?
Trả lời cho câu hỏi quan trọng này là một đòi hỏi "ngàn cân" tại cuộc hội thảo.
Vào thời điểm thánh địa Cát Tiên được phát hiện, cư dân hiện hữu lâu đời độc nhất quanh di tích này là người Mạ sống từ xa xưa ở đây. Trong cộng đồng này nay vẫn còn lưu truyền về một "vương quốc Mạ" trong quá khứ nhưng không biết nó ở đâu, thời điểm nào của lịch sử. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng khi nghiên cứu những gì xuất lộ qua các đợt khai quật Cát Tiên cộng với quy chiếu những hiểu biết dân gian đã cho rằng thánh địa này là của người Mạ bản địa cổ xưa.
Giáo sư Lương Ninh (Trường ÐH KHXH&NV, ÐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng thánh địa Cát Tiên không phải và cũng không thể do ai khác xây hộ, dù là Phù Nam, Chân Lạp (quốc gia đã tiêu diệt Phù Nam khoảng thế kỷ 8-11), hay Champa (nhà nước hiện hữu cùng thời). "Chính họ, cư dân bản địa, tự làm cho mình!" - nhận định thế nhưng giáo sư Ninh cho rằng không nhất thiết cư dân bản địa thời thánh địa Cát Tiên xuất hiện là người Mạ ngày nay.
Một luồng đoán định khác cho rằng có thể Cát Tiên là của cư dân Champa. Xét về đặc điểm xây dựng, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng cùng kiến trúc sư Nguyễn Minh Khang (Cục Di sản văn hóa) nói các đền, đài... tại Cát Tiên cho thấy "rất gần với Champa". Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu này khẳng định: "Có thể chủ nhân của Cát Tiên là một tộc người khác Champa, Phù Nam, Chân Lạp lẫn Khơme... nhưng cùng chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Ðộ là điều quá rõ!".
Các ý kiến tại hội thảo cho thấy quá nhiều nền văn hóa đã hòa nhuộm vào đền đài bên ngoài và trong lòng di tích Cát Tiên, đó là yếu tố Champa, Óc Eo, là văn minh Ba Tư (Tây Á), Kusana (Trung Á), là Bà La Môn giáo, Hindu giáo, rồi cả Phật giáo... Sự không "rặt" một dòng văn hóa hay tôn giáo nào ở một thánh địa cổ đã là đặc trưng riêng của di tích Cát Tiên, nhưng ai là chủ nhân của nó thì vẫn còn là thách thức cho giới khoa học trong và ngoài nước.
Thời điểm xuất hiện và tồn tại của thánh địa này cũng là câu chuyện ly kỳ, không chỉ là những con số suy đoán khác nhau rải từ thế kỷ 3-11. Bởi trong vùng thánh địa này gần đây còn phát hiện những di chỉ cư trú khác rơi vào thời đại đồ đá cũ sang thời đá mới, rồi tới thời kim khí…
Thách thức giữa hoang tàn
Cát Tiên là vùng thánh địa/di chỉ khảo cổ học khổng lồ duy nhất trên đất nước VN do chính người VN phát hiện (năm 1984), rồi chính các nhà khảo cổ trong nước tiến hành khai quật suốt hơn 20 năm qua. Qua tám cuộc khai quật với hàng loạt công trình kiến trúc được xuất lộ suốt chiều dài 15km ở thượng lưu sông Đồng Nai, hàng chục vạn hiện vật được tìm thấy và từng có một lần hội thảo (năm 2001) nghiêm túc về nó ngay tại Cát Tiên, nhưng thánh địa bị bỏ quên giữa rừng già này vẫn còn đầy ắp những bí ẩn thách thức các nhà khoa học. |
Kiến trúc sư Trần Anh Tuấn - một chuyên gia ở lĩnh vực tu bổ di tích (thuộc Bộ VH-TT&DL) - lên tiếng trước tình trạng từng cụm công trình, từng phế tích kiến trúc ở Cát Tiên chưa được khảo cứu và ghi chép đầy đủ. Trong khi đó hiện trạng bảo tồn và dùng thứ kỹ thuật bảo tồn hết sức tồi tệ (chỉ dựng nhà tạm có duy nhất mái che mưa nắng theo kiểu bảo quản nguyên trạng sau khai quật).
Vị kiến trúc sư bảo tồn này nói ông đau xót khi thấy nhiều viên gạch đang bị phong hóa, cấu trúc các đền, đài… biến dạng. "Khai quật thì phải đi với trùng tu, nếu không sẽ làm đau xót di tích, mà di tích mất đi sẽ không bao giờ trở lại!" - chuyên gia này lên tiếng.
Lấy kinh nghiệm khi tham gia tổ chức quản lý/khai thác hệ thống tháp Chăm ở Mỹ Sơn, ông Trần Ánh - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Quảng Nam - kêu gọi nên nhanh chóng đặt ra vấn đề gìn giữ bài bản, khoa học nhất cho "viên ngọc bí ẩn" - thánh địa Cát Tiên. Ông đề nghị cần phải quản lý di tích bằng quy hoạch, phải sớm có kế hoạch trùng tu, tôn tạo mà việc này phải được làm thật tử tế: có quy trình, có nghiên cứu, khảo sát, phê duyệt dự án, giám sát… chứ không nên duy trì mãi "ứng xử tạm thời" cho một khối tài sản văn hóa quá đồ sộ của nhân loại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận