25/11/2008 08:22 GMT+7

Hoàng thành Thăng Long: Giá trị đã được khẳng định, nhưng...

THU HÀ
THU HÀ

TT - Hội thảo quốc tế lần thứ hai về khu di tích Hoàng thành Thăng Long (hội thảo thứ nhất diễn ra giữa năm 2004) diễn ra trong hai ngày 24 và 25-11 thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà khoa học và công luận.

wZC75Drv.jpgPhóng to

Hình rồng và hoa văn trang trí trên bậc thang ở một di tích của Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: Cù zap

Dù trận ngập úng lịch sử tàn phá Hà Nội cuối tháng 10-2008 không hề làm phương hại đến khu di tích Hoàng thành Thăng Long thì khoảng thời gian sáu năm (từ ngày 18-12-2002, khi các nhà khảo cổ học bổ những nhát cuốc đầu tiên khai quật “chữa cháy” khu di tích) cũng đủ để các nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra những kiến nghị bảo tồn cần thiết cho di sản quý báu này. Và những gì họ chưa làm được cũng đủ để cho cả xã hội sốt ruột.

Chính vì vậy, hội thảo quốc tế lần này thu hút nhiều sự chú ý. Càng được chú ý hơn khi Thủ tướng Chính phủ chính thức đồng ý để Ủy ban UNESCO VN và UBND TP Hà Nội đề nghị UNESCO công nhận khu di tích Hoàng thành Thăng Long và thành cổ Hà Nội là di sản văn hóa thế giới.

Những giá trị trường tồn

Những di tích được phát lộ tại khu di tích 18 Hoàng Diệu, nằm trong tổng thể không thể tách rời với khu thành cổ Hà Nội, bao gồm điện Kính Thiên, Đoan Môn, Bắc Môn, Hậu Lâu, cột cờ Hà Nội... đã thuyết phục các nhà khoa học quốc tế về sự tồn tại của một trung tâm quyền lực kéo dài suốt 1.300 năm từ thời tiền Thăng Long (Đại La) thế kỷ thứ 7 qua Lý, Trần , Lê.

GS viện sĩ Đỗ Hoài Nam - chủ tịch Viện Khoa học xã hội VN - đánh giá: “Hệ thống di tích đan xen, chồng lấp lên nhau theo thứ tự niên đại, liên tục, không đứt đoạn gồm nhiều loại hình: di tích kiến trúc Đại La, Lý, Trần cùng dấu tích cảnh quan sông ngòi, ao hồ...liên kết tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp, nhưng phong phú và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về quy hoạch đô thị và không gian kiến trúc cũng như sự nối tiếp về triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long”.

Bên cạnh đó, với những di vật khảo cổ đã khai quật được lên đến hàng triệu đơn vị, trong đó có rất nhiều đồ gốm, sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á minh chứng rõ mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa của Thăng Long trong lịch sử.

Vẫn chỉ thêm một bước nhận diện

60 báo cáo khoa học và sự xuất hiện của hơn mười nhà nghiên cứu nước ngoài đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Hà Lan, Bỉ... vẫn thật sự chưa đáp ứng được nhu cầu bức thiết của xã hội về hướng bảo tồn cho khu di tích đã được khẳng định về giá trị lịch sử này.

Vẫn biết làm khoa học không thể duy ý chí và càng không thể bị chi phối bởi sức ép của tiến độ, nhưng công luận thật sự sốt ruột khi đến giờ phút này các báo cáo khoa học vẫn rất thận trọng với những tranh luận về các dấu tích: đường hay tường, kiến trúc cung điện hay công trình phụ trợ, nhiều gian nhưng cụ thể là bao nhiêu gian, khu vực đã được khai quật nằm ở vị trí chính xác nào trong quy hoạch hoàng thành thời đó? Ngay cả báo cáo của TS Tống Trung Tín - người chủ trì khai quật khu di tích, nay là viện trưởng Viện Khảo cổ kiêm chủ nhiệm dự án Hoàng thành Thăng Long - cũng rất cẩn trọng và thong thả: “Thêm một bước trong việc nhận diện mặt bằng các di tích kiến trúc cung điện...”.

Và vì chưa thể đưa ra được những kết luận cụ thể, chính xác về quy mô và kiến trúc cung điện của hoàng thành, đến giờ này các phương án cụ thể cho việc trùng tu vẫn bỏ ngỏ. Vẫn là “lấp cát, giữ nguyên hiện trạng, chờ khi có điều kiện khai quật, hoặc khoanh vùng một cụm di tích làm bảo tàng ngoài trời hay phục dựng nếu có đủ dữ liệu khoa học và tiền đề kinh tế”...

Trong khi đó, thời gian, mưa nắng, những biến đổi khí hậu và môi trường không chờ đợi các nhà khoa học và không hề phân biệt khu di sản văn hóa với những công trình thông thường.

* GS-TS Lưu Trần Tiêu (chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia): Cần lưu ý những nghĩa vụ quan trọng với di sản

Nhận thức chung của các địa phương và cả xã hội là chỉ biết đến những quyền lợi về vật chất và tinh thần với di sản được công nhận, mà ít biết rằng bên cạnh đó là những nghĩa vụ quan trọng: những cam kết của quốc gia có di sản được công nhận đối với việc bảo tồn và phát huy di sản, với việc bảo vệ tính toàn vẹn của di sản. Hằng năm, các quốc gia thành viên đều phải báo cáo với UNESCO về những vấn đề đã cam kết, đồng thời UNESCO sẽ giám sát trách nhiệm rất chặt chẽ, đặc biệt với các tác động của kinh tế - xã hội.

Hiện tại, Huế vẫn luôn bị khuyến cáo về những hoạt động xây dựng, làm đường, làm cầu, phát triển đô thị. Hạ Long bị khuyến cáo liên tục về môi trường biển, đặc biệt là việc xây cảng Cái Lân. Một di sản đã được công nhận hoàn toàn có thể bị gạch tên khi không còn xứng đáng.

* GS Kazato Inoue (ĐH Nara, Nhật Bản): Phải xác định phương thức bảo tồn

Với một khu di tích quá lớn và có vị trí đặc biệt nhạy cảm như Hoàng thành Thăng Long, cần phải xác định được bảo tồn cho mục đích gì: chính trị hay văn hóa.

Bản thân di tích khi được phát lộ chắc chắn sẽ bị mai một. Giải pháp bảo tồn cả thế giới cũng chỉ có: lấp cát, làm bảo tàng lộ thiên, làm bảo tàng ngầm (bên trên có kính để người dân có thể chiêm ngưỡng), phục dựng nguyên trạng, phục dựng một phần cùng với hệ thống tín hiệu, ký hiệu bổ sung... Nhật Bản đã áp dụng tất cả các hình thức này và cũng không thể nói là hoàn toàn thành công. Với hoàng thành, có thể nói nên cùng lúc kết hợp tất cả hình thức bảo tồn này, nhưng quan trọng nhất phải xác định được với phần di tích nào thì nên lựa chọn phương thức nào. Đó là công việc từ nay trở đi của các nhà khoa học.

* Ông Phạm Sanh Châu (cựu đại sứ VN tại UNESCO, tổng thư ký Ủy ban UNESCO VN): Có 3 việc phải làm...

Phải nói rất thành thực là nếu chỉ bằng quy mô và kiến trúc, Hoàng thành Thăng Long khó mà “qua mặt” được nhiều di tích khác. Nhưng hoàng thành có giá trị khi hiểu nó trong chiều sâu lịch sử. Khi trình hồ sơ và thuyết phục UNESCO, nên xoáy sâu vào giá trị “sự tồn tại liên tục của một trung tâm quyền lực suốt 1.300 năm và ngay cả hiện tại”. Đặc điểm đó rất có giá trị với các nhà khoa học, nhưng UNESCO còn có cả các nhà chính trị, vì thế phải thuyết phục. Với công luận, vì nó không kỳ vĩ như kim tự tháp hay Vạn lý trường thành nên phải tuyên truyền, quảng bá. Làm được cả ba việc đồng thời, Hoàng thành Thăng Long mới chắc chắn trở thành di sản thế giới.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên