Phóng to |
Dịch giả Phạm Viêm Phương dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện, bắt đầu từ hình ảnh con chim nhại:
"Chim nhại là một loài chim có ở miền nam nước Mỹ, nhại theo tiếng hót những loài chim khác. Ðặc tính bẩm sinh đó giúp nó sinh tồn và cũng làm vui cho cuộc đời. Tựa cuốn tiểu thuyết lấy một nửa câu ngạn ngữ miền nam nước Mỹ: Giết con chim nhại là một tội ác. Thế giới truyện cũng đề cập những người da màu, những nhân vật tốt đẹp bị vùi dập…".
* Là người theo dõi kỹ văn xuôi Mỹ, ông có thể chia sẻ những tâm đắc của ông khi "thẩm thấu" hết câu chuyện này?
- Tác phẩm có chiều sâu tư tưởng, nhất là tinh thần dân chủ và bình quyền, và đặt ra nhiều phản biện thú vị. Chẳng hạn như phản biện câu nói "Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng": thật ra con người khi sinh ra đã không hề bình đẳng. Vì có người sinh ra làm con nhà làm bánh, có người sinh ra làm con nhà làm quan, thế hệ trước đã không bình đẳng thì làm sao sinh ra thế hệ sau lại bình đẳng được…Hay như nói về việc có người tự hào mình là con nhà này, là dân vùng này, nhưng con người không chọn được nơi mình sinh ra kia mà! Thế thì tự hào vì những chuyện như vậy là nghĩa làm sao?
Phóng to |
Bìa sách Giết con chim nhại - bản dịch của Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh, Nhã Nam và NXB Văn Học ấn hành -Ảnh: L.Điền |
Tác giả cũng chia sẻ được những tư tưởng tích cực cho người đọc, chẳng hạn tư tưởng của luật sư Atticus Finch - người đứng ra bảo vệ một người bị vu khống, dù biết chắc chắn thân chủ mình bị oan và cũng chắc chắn mình không bảo vệ được anh ta. Khi đứa con gái Scout nói với ông: "Cả thị trấn đều thấy bố sai", ông luật sư đã trả lời rằng: "Biết chắc chắn mình thua cũng không phải là lý do để không đấu tranh".
Giết con chim nhại viết bằng ánh mắt trẻ con, lời kể trẻ con, nhưng không ai nghĩ là viết cho trẻ con, vì những vấn đề đặt ra quá tầm giải quyết của trẻ con và cả người lớn.
* Tác phẩm này được Harper Lee viết năm 1959, xuất bản năm 1960 và đoạt giải Pulitzer năm 1961, nhưng sao lâu nay không thấy VN dịch quyển này?
- Trước 1975, ở miền Bắc bản dịch tiểu thuyết này đã được in năm 1973, do NXB Lao Ðộng thực hiện, nếu tôi nhớ không lầm (*). Ở miền Nam lúc đó tôi không hề nghe nhắc tới tác phẩm này, có lẽ khi đó thông tin về văn chương Mỹ còn rất mỏng. Khi đó, người ta vẫn còn nặng suy nghĩ "Pháp mới là mảnh đất của văn chương", có lẽ do vậy mà trong số các dịch giả văn học trước kia không ai "phát hiện" tác phẩm này.
Với tôi, đọc và dịch Giết con chim nhại, tôi mới thấy khâm phục giải Pulitzer. Ban tuyển chọn của giải này quả là tinh tường, bởi các tác giả Mỹ đoạt Nobel hầu hết đều đã đoạt giải Pulitzer trước đó. Riêng với bà Harper Lee, tôi nhận thấy bà đã bị cái bóng của Giết con chim nhại đè nặng, khiến bà khó viết được một tiểu thuyết khác hay hơn. Tác phẩm này, qua độc giả bình chọn, được xếp vào loại 1 trong 20 quyển sách nên đọc trước khi chết, lại còn được xếp vào 100 tác phẩm hay nhất thế kỷ 20. Năm 2007, Tổng thống Mỹ G. Bush còn trao Huân chương Tự do cho Harper Lee vì tác phẩm này.
* Ông và Nhã Nam có hài lòng với bản dịch này?
- Theo nguyên tắc làm việc với Nhã Nam, bản dịch của tôi sau khi hoàn tất lần đầu sẽ được một chuyên gia ngoại ngữ đọc và đối chiếu với nguyên tác, xem có chỗ chuyển ngữ nào chưa ổn hoặc không rõ ý dịch giả thì ghi chú cẩn thận và chuyển lại cho tôi. Tôi theo đó hoàn thiện lần nữa, để bản dịch ít ra cũng không còn gây băn khoăn gì cho người biên tập thì mới hi vọng bạn đọc cũng không băn khoăn (theo tôi biết Nhã Nam còn hai lượt biên tập nữa trước khi bản thảo tới nhà in). Như thế chắc cả hai bên đều hài lòng.
(*) Ghi chú của Tuổi Trẻ: Bản dịch của Lương Minh Tâm và Phương Hiên có nhan đề Giết chết một con chim mocking
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận