21/09/2008 06:57 GMT+7

Mọi ý tưởng bắt đầu từ ngôi nhà của mình

THU HÀ thực hiện
THU HÀ thực hiện

TT - Trung thu này, bên cạnh những trò vui chơi tổ chức cho thiếu nhi thường niên, Bảo tàng Dân tộc học VN vừa có thêm một cuộc trưng bày thú vị: Trung thu của trẻ em VN qua các thời kỳ. Có một kỷ vật nhỏ nhắc người xem nhớ đến vị giám đốc đã về hưu của bảo tàng.

EPOVysbP.jpgPhóng to
Giáo sư Nguyễn Văn Huy - Ảnh: Việt Dũng
TT - Trung thu này, bên cạnh những trò vui chơi tổ chức cho thiếu nhi thường niên, Bảo tàng Dân tộc học VN vừa có thêm một cuộc trưng bày thú vị: Trung thu của trẻ em VN qua các thời kỳ. Có một kỷ vật nhỏ nhắc người xem nhớ đến vị giám đốc đã về hưu của bảo tàng.

Lá thư của bà Vi Kim Ngọc - vợ GS Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên và là người sáng lập ngành dân tộc học VN - gửi cho cậu cháu ngoại nhân một mùa trung thu đã khá xa.

Bà Kim Ngọc là thân mẫu của nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Nguyễn Văn Huy. Thu hút và chinh phục người xem bằng những hiện vật nhỏ, đầy giá trị đời sống - đó là phong cách làm bảo tàng ông Huy đã truyền cho các cộng sự của mình, và phong cách ấy được các chuyên viên của bảo tàng giữ nguyên, kể cả khi ông Huy không còn làm việc nữa.

Cuộc đời bắt đầu ở tuổi... 63

Trung tâm Bảo tồn di sản khoa học và tiến sĩ là trung tâm bảo tồn tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. PGS - TS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, sẽ đảm nhận chức giám đốc chuyên môn của trung tâm này.

Ngày 27-9, lễ ra mắt trung tâm sẽ được tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội.

Hiện trung tâm đang tập trung thực hiện dự án công viên Văn Miếu tôn vinh các tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại (được xây dựng tại xã Bắc Phong, Cao Phong, Hòa Bình, dự kiến hoàn thành vào năm 2020).

GSTS Nguyễn Văn Huy sinh năm 1945, cùng tuổi với cuộc cách mạng mùa thu. ông đã nghỉ hưu được hai năm, sau rất nhiều thành công của Bảo tàng Dân tộc học mà ông và đồng sự dày công gầy dựng từ con số 0.

Những cuộc triển lãm mà ông là người đề xuất ý tưởng và tổ chức sưu tầm, trưng bày: VN, hành trình của những linh hồn (tại Mỹ, VN và một loạt nước châu Âu); Cuộc sống thời bao cấp; Chúng tôi ăn rừng (về cuộc sống của các dân tộc Tây nguyên); kể cả việc mời các nghệ nhân địa phương ra Hà Nội dựng nhà rông, nhà dài, nhà rường… đặc trưng cho từng dân tộc ở các vùng lãnh thổ VN... đã mang đến cho Bảo tàng Dân tộc học VN một sinh khí không bảo tàng nào của VN có được.

Bảo tàng đồng hành với cuộc sống, bảo tàng tham gia những sáng tạo văn hóa thường nhật của con người… đó không phải là phát kiến cá nhân của ông nhưng thật sự rất mới mẻ khi ông áp dụng vào hoạt động trưng bày, triển lãm tại bảo tàng của mình. Con số hàng trăm ngàn người đến bảo tàng trong ba tháng triển lãm “Cuộc sống thời bao cấp” năm 2006 chứng tỏ hiệu quả từ những ý tưởng có vẻ như quá đơn giản và táo bạo của ông.

Và bây giờ ông lại bắt đầu một hành trình phiêu lưu mới ở tuổi 63. Một dự án mới, nghe đã thấy đầy khó khăn và diệu vợi: dự án công viên Văn Miếu và Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn di sản khoa học VN. Một khối lượng hiện vật khổng lồ, có thể lên đến hàng triệu đơn vị lưu trữ nhưng chưa được thu thập về, hiện nằm ở... từng gia đình các nhà khoa học, người còn người mất.

Khoảng trống mênh mông ở giữa là tiền, là nhân lực, là nỗi nghi ngại của người đời về những giá trị thật và ảo của cái gọi là công trình khoa học hay tấm bằng tiến sĩ, là sự thờ ơ của ngay chính thân nhân các nhà khoa học với di sản của cha anh mình, là thời gian đang từng giờ hủy hoại một cách vô tư và tàn nhẫn những di sản vật chất và tinh thần vốn mong manh.

Gắn kết những thứ đó lại để có một không gian văn hóa, như ông từng làm suốt gần 30 năm qua với Bảo tàng Dân tộc học, ông chỉ có kinh nghiệm, tâm huyết, và một thứ bảo bối mà ông gọi là “nghề nhà”.

Mọi ý tưởng bắt đầu từ ngôi nhà của mình

* Thưa ông, bây giờ mới bắt đầu một sự nghiệp mới, như vậy có quá muộn không? Công viên Văn Miếu của ông đặt ở tận Hòa Bình, liệu có ai đủ tình yêu di sản để lặn lội tới đó xem một cuộc trưng bày?

- Bắt đầu không bao giờ là muộn, tôi không nghĩ mình làm việc này cho 5 năm, 10 năm sau, mà cho 20, thậm chí 50 năm sau nữa. Ngày chúng tôi lập dự án Bảo tàng Dân tộc học (1983), ở VN thậm chí còn không ai hình dung Bảo tàng Dân tộc học là cái gì. Mảnh đất bây giờ là bảo tàng ngày ấy đồng không mông quạnh, cỏ lác mọc đầy. Ai cũng bảo xây dựng bảo tàng mới là lãng phí, vì bảo tàng ngay ở trung tâm thành phố còn không ai đến. Bạn bè ở các bảo tàng khác còn bảo chúng tôi bị điên (!).

Rồi 14 năm sau (1997) bảo tàng mới ra đời. Bây giờ cũng vậy, có thể không ai hình dung nó sẽ thế nào, ai lên đấy làm gì, nhưng tôi tin là 10 năm nữa sẽ khác, sinh hoạt văn hóa của người dân sẽ khác. Đường từ Hà Nội lên Hòa Bình sẽ là những khu dân cư văn minh và thân thiện, và người dân bên cạnh việc đi du lịch giải trí, nghỉ dưỡng sẽ lựa chọn một mô hình mới: tìm hiểu lịch sử và khám phá văn hóa, khi đó họ sẽ cần đến công viên này.

* Được vào bảo tàng, theo quan niệm của người VN lâu nay, phải là những hiện vật đặc biệt của những cá nhân xuất chúng. Dự án của ông lại chú trọng đến hiện vật đời thường của các nhà khoa học bình thường, vậy làm sao để tạo sức hấp dẫn?

- Tôi đã đi rất nhiều bảo tàng khác nhau trên thế giới. Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ từng tổ chức một triển lãm về Einstein. Nhà bác học vĩ đại nhất thế kỷ 20 được giới thiệu một cách ấn tượng nhất có thể : ông đang đi xe đạp. Bảo tàng giải thưởng Nobel ở Thụy Điển giới thiệu các nhân vật từng nhận giải Nobel rất đơn giản: một tấm toil trắng kéo dài qua tất cả các phòng trưng bày, trên đó mỗi người được 1m2 diện tích để giới thiệu.

Bảo tàng New York triển lãm 100 gương mặt phụ nữ thế kỷ 20 chỉ chọn những người bình thường nhất, nhưng nghề nghiệp của họ tạo dấu ấn xã hội: một người thợ cắt tóc tạo kiểu tóc cho người Mỹ trong thập niên 1940, một người thợ may với nhát kéo tạo váy ngắn... Thật ra, với bất kỳ chất liệu nào cũng có thể làm được, chỉ cần tình yêu và một chút sáng tạo. Tùy theo mục đích của mỗi cuộc trưng bày mà tìm cách “kể chuyện” cho người xem.

- Nhiều lắm, qua những kỷ vật của GS Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đức Thảo... và hồi ức của những người thân, học trò... có thể kể một câu chuyện về những bậc đại trí thức đã “ở lại” với dân tộc như thế nào, đã sống và làm khoa học trong những điều kiện như thế nào. Qua những bản thảo luận văn tiến sĩ những năm 60, 70, 80, có thể hiểu con đường, thành quả cũng như “hậu quả” của giáo dục trên đại học ở VN những năm đó ra sao. Tôi thấy nếu mình cố gắng nhìn sự vật bằng con mắt khác, bằng góc nhìn khác, có thể phát hiện rất nhiều điều thú vị từ những hiện vật bé nhỏ nhất.

Tôi đã tìm lại được lá đơn xin vào Đảng của ông cụ tôi và hiểu vì sao ông lại lựa chọn con đường nghiên cứu dân tộc học khi ở VN thời ấy (1935-1940) chưa ai có khái niệm gì về khoa học này. Còn có rất nhiều câu chuyện từ các hiện vật rải rác trong các gia đình cụ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Đặng Thai Mai, từ gia đình GS Trần Quốc Vượng, PGS Từ Chi... Nếu tập trung được các di sản ấy lại, chúng ta sẽ có một bức tranh toàn cảnh chân thực về sinh hoạt khoa học và văn hóa VN suốt một thế kỷ qua, bắt đầu từ ngôi nhà của mỗi người.

* VN có tới gần 20.000 tiến sĩ và nếu tính cả các vị đã được phong học hàm GS, PGS… thì con số sẽ còn cao hơn rất nhiều. Thu thập tư liệu từ tất cả nguồn này, liệu dự án của ông có tôn vinh nhầm các “tiến sĩ giấy” và các GS hữu danh vô thực không?

- Chúng tôi có một hội đồng cố vấn chuyên môn chỉ chọn nhưng hiện vật thật sự giá trị của những nhà khoa học thật sự. Thật sự không có nghĩa là nổi tiếng, vì xã hội nào, thời nào cũng chỉ có số ít cá nhân xuất chúng, còn những giá trị hằng ngày của cuộc sống là do những người lao động bình thường tạo nên. Người làm khoa học cũng vậy thôi.

* Xin cảm ơn ông, chúc công viên Văn Miếu của ông nhanh chóng trở thành hiện thực.

THU HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên