Không có ai trong bọn lính là người biết tiếng Việt. Một kỵ binh có tên lửa được lệnh đốt một căn nhà, và nhiếp ảnh viên thu hình của tụi tôi, anh Hà Thúc Cần, một con người phi thường, lập tức đặt máy quay phim xuống cản, “Đừng làm vậy! Đừng! Đừng!”. Hà Thúc Cần đi vào căn nhà này, tôi cũng đi theo, rồi một trung sĩ cũng vào theo. Chúng tôi nghe có tiếng người khóc…”.
Bài báo sau đó đoạt giải thưởng Pulitzer, gây ồn ào trong dư luận Hoa Kỳ vào ngay thời điểm Mỹ leo thang chiến tranh Việt Nam. Khi đó Hà Thúc Cần còn là nhiếp ảnh viên thuộc chi nhánh của Đài truyền hình CBS.
Bằng kinh nghiệm xương máu và nỗi đau của một người Việt yêu nước, năm 1970, Hà Thúc Cần bắt tay làm bộ phim truyện nhựa Đất khổ (Land of Sorrows) và gần hai năm sau mới hoàn thành phần phụ đề tiếng Anh. Theo tài liệu ghi nhận được, sau khi vừa chiếu ra mắt thì Đất khổ đã được lệnh của chính quyền Sài Gòn cấm phát hành rộng rãi với lý do “có nội dung phản chiến và thân cộng”. Sự kiện đó đã khiến bộ phim gần như bị lãng quên trong xó hầm nhà của ông George Washnis - một nhà sản xuất phim ảnh của Mỹ từng sống làm việc tại Sài Gòn.
Phóng to |
Một cảnh trong phim Đất khổ |
Khi rời Việt Nam về Mỹ, ông George Washnis và vợ có trong tay một ấn bản của phim. Gần 23 năm nằm trong hộp đựng có niêm phong, mãi đến 1996, George Washnis mới liên lạc với Viện Phim ảnh Hoa Kỳ (American Film Institute) ở Kennedy Center, nhờ viện này phổ biến Đất khổ. Vậy là bộ phim được chiếu ra mắt lần nữa, đầu tiên ở rạp hát AFI, nhưng rất ít người xem vì không nhiều người biết đến. Đến tháng 11-1996, Đất khổ lại được chiếu chính thức ra mắt khán giả Việt Nam trong khuôn khổ chương trình “Phim Việt Nam” của Liên hoan phim Mỹ - Á lần thứ 15, ở Viện đại học George Mason và Viện đại học Maryland. Sau đó phim cũng được đi trình chiếu ở Texas, California và tiếp tục được… cất kho!
Vài thân hữu cố liên hệ về nước tìm lại đạo diễn Hà Thúc Cần mới hay ông đã rời khỏi Việt Nam sau 1975 và định cư tại Singapore, làm nghề sưu tập và mua bán tranh. Hà Thúc Cần qua đời năm 2004 ở Singapore. Con trai ông cũng có trong tay bản phim này. Qua một vài bạn hữu của gia đình, Đất khổ lại quay về nơi nó ra đời với những bản chép CD-Rom và khi chuyền tay nhau xem, hầu hết mọi người đều hồ hởi và thú vị trước một tạo tác lạ kỳ, một chứng nhân bị lịch sử bỏ quên.
Bất ngờ, vào tháng 5-2007 ông George Washnis đến Công ty sản xuất phim DVD Remis - LLC, chính thức đề nghị in sang và phát hành Đất khổ dưới dạng đĩa DVD, có vỏ đựng phim là hình lá cờ đỏ sao vàng. Mạng Amazon đang bày bán với giá 21 USD. Như vậy, mất 36 năm, bộ phim mang thân phận đặc biệt này mới đến rộng rãi được với công chúng. Sau khi vài đoạn được đưa lên YouTube thì cơn sốt người hâm mộ Trịnh Công Sơn lại nóng lên và người Việt Nam lại có dịp thưởng thức tài năng của nhạc sĩ này ở một vai trò khác: diễn viên chính của Đất khổ.
Đất khổ xoay quanh ảnh hưởng của chiến tranh lên một gia đình Huế với những mâu thuẫn giữa các quyết định ra đi hay ở lại của từng thành viên trước viễn cảnh mịt mù của quê hương. Không nhằm miêu tả cuộc chiến bạo liệt hay những thế lực thù địch đối kháng, bộ phim tuyệt nhiên là câu chuyện về tình yêu, tình ruột thịt, lòng yêu nước, sự gắn bó với văn hóa xứ sở và tiếng nói của giống nòi…
Câu chuyện bắt đầu bằng hành trình đi bộ vượt đèo Hải Vân từ Đà Nẵng về Huế thăm mẹ của nhạc sĩ Trịnh Quân (Trịnh Công Sơn đóng). Thấp thoáng trên vai, trong túi xách tay của anh là chùm hoa mang về tặng người yêu tên Diễm nhân sinh nhật của cô. Huế im ắng lạ thường, thành quách cổ kính rêu phong tắm mình trong cái se lạnh của những ngày cuối năm. Diễm ẩn hiện, nhẹ nhàng e ấp trước mặt Quân. Trong cái vui chưa trọn vẹn, Quân được em gái báo tin Diễm đã lấy chồng. Đứt rời những ngày yêu, trong cơn đau tình ái thì chiến tranh càng giống như giọt cường toan gặm nát đời sống mỗi người.
Trong bối cảnh đó, gia đình Quân chính là điển hình cho hàng triệu gia đình Việt trong thời ly loạn: bà mẹ góa bụa chịu đựng bao đau khổ (Bích Hợp đóng), cô chị gái (Xuân Hà) quá thì vì vò võ đợi chờ người yêu - một anh lính biệt động quân bị lạc ra khỏi binh chủng (nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt đóng), cô em út (Vân Quỳnh) là sinh viên yêu nước, chống chiến tranh. Gia đình ấy còn có thêm hai người anh: một bác sĩ phục vụ chiến trường Dak Tô và một đại úy quân lực Cộng hòa. Đặc biệt, một người lính Mỹ (do diễn viên Hoa Kỳ Jerry Liles đóng) vứt súng bỏ hàng ngũ quay lưng lại chiến tranh cũng góp mặt.
Đất khổ gần như soi rọi những khía cạnh của cuộc chiến qua tâm cảnh của từng nhân vật sống và liên quan tới gia đình nọ. Có thể thấy trong phim hình ảnh Trịnh Công Sơn trang phục jacket bụi bặm, tóc dài thượt, mặc quần jeans ống loe vai vác cây guitar trông như thể mang cây thập tự đời mình - ngồi say sưa hát về tình yêu và thân phận người Việt giữa tiếng bom cày. Trong không khí của một bên là đám đông hừng hực khí thế phản đối cuộc chiến tương tàn, một bên là những con người trẻ ủy mị đắm đuối trong làn sóng hippy của nền văn hóa phương Tây ngột ngạt, tù hãm.
Nhạc của Trịnh rất thích hợp với bối cảnh phim. Các ca khúc da vàng như: Dựng lại nhà dựng lại người, Khi đất nước tôi thanh bình, Đại bác ru đêm… được hát mộc, nghe ấm áp, dung dị mà vẫn thấy lòng phơi phới. Đây không phải là vai khó của Trịnh Công Sơn, có thể nhìn thấy ngay con người thật, cả tư duy, nếp nghĩ lẫn tính cách và thần thái của anh qua hình ảnh Trịnh Quân. Diễn mà như không diễn là vậy!
Có thể xem Đất khổ là bản tư liệu quý, ngoài Trịnh Công Sơn còn có khá nhiều văn nghệ sĩ lừng danh hiện nay như nhà văn Sơn Nam, Kiên Giang, Thành Lộc, Bạch Lý, Kim Cương, diễn viên Diễm Kiều, nhạc sĩ Miên Đức Thắng… góp mặt trong các vai nhỏ. Không khó để nhận ra Kim Cương vào vai một bà mẹ chạy loạn. Người đàn bà đau khổ này ôm chặt đứa con nhỏ đã chết tự hồi nào ngồi lặng lẽ nhìn đám đông tị nạn ồn ào với vẻ mặt vô cảm… Phân cảnh bà điên loạn buông đứa con rớt xuống đất khá kịch tính. Lối diễn xuất này thích hợp không khí kịch sân khấu hơn nhưng vẫn làm người xem lặng đi: sự khốc liệt của chiến cuộc được đẩy lên cao ngất.
Hồi tưởng, nghệ sĩ Kim Cương cho biết bà đã được đạo diễn Hà Thúc Cần gọi điện mời, mà chỉ vào vai nhỏ nên chỉ diễn trong vòng một buổi tại nhà thờ Phú Cam (Huế). Nhà văn Sơn Nam trong vai hàng xóm của anh lính Mỹ phản chiến - một thanh niên ưa la cà, ngồi lê tọc mạch chuyện nhà người khác. Nhà Nam bộ học nổi tiếng này diễn xuất tự nhiên với hình dạng trông khá hài hước, trẻ trung. Nghệ sĩ Diễm Kiều trong vai cô nhân tình anh lính Mỹ sau 38 năm mà không thay đổi nhiều lắm, nhất là về chất giọng đặc biệt.
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng, sau khi từ Đức trở về Việt Nam hiện sống khá lãng tử với việc vẽ tranh và ngao du đây đó với bạn bè, khi nói về vai diễn nhỏ xíu của mình (anh sinh viên đập cây guitar trước mặt nhạc sĩ Trịnh Quân, khởi đầu cho cuộc nổi loạn) anh cho biết cảnh quay chỉ diễn ra trong vòng một buổi sáng tại khu đất bỏ hoang ở Gò Vấp. Bản chính thức của phim anh còn chưa được xem qua nên cũng không thể luận bàn gì hơn.
Bất ngờ nhất là Thành Lộc, (trong bảng phân vai của phim ghi tên là bé Thành Tâm), một cậu bé con chừng bốn, năm tuổi trốn rúc trong hầm cùng chị (Bạch Lý đóng) của mình. Một người em trong gia đình Trịnh Công Sơn, khi đó đi theo nấu ăn cho đoàn phim, cho biết tinh thần phản chiến của anh chị em diễn viên lúc ấy lên rất cao, hợp lại như một khối yêu nước nhằm góp một tiếng nói đánh động nhân tâm. Gần như đều là chỗ bạn bè thân quen hoặc là đồng hương Huế với đạo diễn Hà Thúc Cần, tất cả các diễn viên đóng trong phim Đất khổ hoàn toàn không nghĩ tới chuyện cát-sê.
Đất khổ đã và vẫn đang lay động bất cứ người Việt nào. Sự hung tàn của chiến tranh dù chỉ dừng lại trong khuôn khổ bi kịch của một gia đình Huế bình thường đã nói lên điều đó. Xem để nhớ, để nâng niu và quý trọng những gì mỗi người đang có trong cuộc sống hôm nay…
Phóng to |
Ảnh tư liệu Công Thế Cường (có lẽ là một cảnh trong phim Đất khổ của Hà Thúc Cần) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận