24/02/2008 08:12 GMT+7

Câu chuyện đời người của một nhà Việt học

NGUYỄN NGỌC GIAO
NGUYỄN NGỌC GIAO

TT - 50 năm du học, sống và dạy học (*) tại Pháp, đây là lần đầu tiên tôi được về nước vào đúng dịp tết. Đi từ thác Bản Giốc vào TP.HCM giữa đất trời sang xuân, tôi chạnh nhớ tới người bạn quá cố và canh cánh ước nguyện của một nhóm bạn bè từ cuối năm 2003 khi ông tạ thế. Đó là nhà sử học Georges Boudarel, người bạn chí cốt của VN.

VKF3Y5ky.jpgPhóng to

Nhà sử học Georges Boudarel

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Ước nguyện của chúng tôi là một ngày không xa đi ngược hành trình tôi vừa đi: từ TP.HCM qua chiến khu D miền Đông Nam bộ, ngược khu V dọc Trường Sơn lên Việt Bắc, qua mỗi dòng sông rải một chút di cốt của Boudarel. Dọc lộ trình của Boudarel cách đây hơn nửa thế kỷ, hình hài của ông sẽ hòa nhập vào đất và nước VN.

"Buđa" - bạn bè VN cũng như các nhà Việt học thân quen vẫn thường gọi ông vắn tắt như vậy. Trong tiếng Pháp, hai tiếng "Buđa" rất gần "Bouddha", tức là Bụt. Cách gọi rất có ý nghĩa, vì nhớ tới "Buđa" trước tiên người ta hình dung ra nụ cười hiền từ của một con người cả đời mang một đam mê: VN, và say sưa, rộng lượng chia sẻ hiểu biết của mình về VN qua hàng loạt tác phẩm về đất nước Việt, con người Việt, lịch sử Việt.

Trước khi trở thành nhà Việt học, "Buđa" là một chiến sĩ dành trọn tuổi thanh niên cho cuộc kháng chiến của VN, và đến cuối đời đã phải "trả giá” cho sự dấn thân của mình.

Ông là một nhà sử học (luận án tiến sĩ của ông về Phan Bội Châu niên biểu được giáo sư Vĩnh Sính đánh giá là công phu và mẫu mực, một tác phẩm nổi tiếng khác mang tựa đề ngắn gọn: Giáp), một dịch giả đã giới thiệu nhiều tác phẩm VN ra tiếng Pháp (từ Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài… đến Đại thắng mùa xuân của Văn Tiến Dũng), một nhà Việt học đa dạng…

Giảng sư Trường đại học Denis Diderot (Paris VII) từ năm 1967 đến khi về hưu (cuối năm 1991), Boudarel đã góp phần không nhỏ đào tạo một thế hệ những người nghiên cứu Việt học thuộc nhiều quốc tịch, đồng thời cung cấp cho phong trào quốc tế ủng hộ VN những thông tin và phân tích trung thực. Ông là người biên tập cuốn sách 600 trang tố cáo chế độ ngục tù của chính quyền Mỹ-Thiệu.

Sinh ngày 21-12-1926 trong một gia đình Công giáo, tốt nghiệp Đại học Văn khoa, Georges Boudarel tham gia Đảng Cộng sản Pháp. Sang Đông Dương làm giáo sư triết học ở Trường trung học Pháp ngữ, sau một năm ở Nam Lào ông tới Sài Gòn năm 1949 dạy ở Trường Marie Curie. Tại đây, ông sinh hoạt với "nhóm mác-xít" tập hợp những người Pháp tiến bộ, qua đó bắt liên lạc với kháng chiến VN.

Năm 1950, ông ra bưng tham gia kháng chiến. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch phân công ông làm việc tại Đài phát thanh Nam bộ kháng chiến. Còn Tòa án quân sự Pháp thì kết án tử hình vắng mặt Georges Boudarel vì... "tội phản quốc". Đó tất nhiên không phải là quan điểm của Boudarel: chọn hàng ngũ kháng chiến VN để đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp, Boudarel trung thành với tiêu ngữ "Tự do - bình đẳng - bác ái" của Cách mạng Pháp 1789 cũng như với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa quốc tế.

Sự chọn lựa dũng cảm này còn thể hiện trong việc Boudarel chọn bí danh VN: Đại Đồng. Nghe thì rất ý vị, rất thế giới đại đồng, nhưng khốn nỗi ngay cả về sau này khi đã đọc trôi chảy các tác phẩm văn học VN, Boudarel vẫn "xung khắc" với thanh điệu tiếng Việt. Khi ông tự giới thiệu "Tôi tên là Đái Đồng" thì mọi cuộc khai hội đều biến thành những tràng cười bất tận. Cuối cùng, mọi người đều gọi "anh Bu-đa-rền" hay đơn giản hơn, thân mật hơn: "Buđa".

Năm 1951, Buđa được gửi ra Bắc. Sáu tháng trời đi bộ 2.000km, ông lên tới Việt Bắc, nhận nhiệm vụ giải thích cho tù binh Pháp và Âu Phi ở trại M113 về thực chất cuộc chiến tranh. 40 năm sau, vào lúc khối Đông Âu sụp đổ, những thế lực cực hữu Pháp đã xúi giục một số cựu tù binh Pháp (cả những người chưa hề đặt chân tới trại M113) vu cáo ông là "cai tù”, là "chính ủy", là "hung thần" trại tù M113, và đòi truy tố ông vì "tội ác chống nhân loại".

Sau mấy năm kiện tụng, tất nhiên tòa án Pháp đã bác bỏ những lời buộc tội vô lý này. Không những thế, tòa án hành chính đã buộc Bộ Giáo dục Pháp phải tính cả những năm vắng mặt của ông vào sổ thâm niên để trả hưu bổng. Nhưng đợt vu khống ồ ạt trên báo đài Pháp đã gây một chấn thương tinh thần lớn cho Buđa, khiến mấy năm sau ông hai lần đột quị, phải nằm bệnh viện trong hơn một năm trời trước khi chuyển sang nhà dưỡng lão sống những năm cuối đời, xa cách tủ sách và kho tư liệu quí hiếm mà ông đã tích lũy suốt đời. Buđa từ trần ngày 26-12-2003.

Niềm an ủi lớn là xung quanh Boudarel, đông đảo bạn bè Pháp, Việt, Mỹ, Đức... đã tập hợp, lập ra Hội những người bạn của Boudarel (mà chủ tịch là nhà toán học Laurent Schwartz, giải Fields, người bạn lớn của VN) để bảo vệ ông, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho ông trong suốt 12 năm cuối đời. Hình hài của Buđa đã được hỏa thiêu. Bạn bè trong hội đã trao cho tôi nhiệm vụ gìn giữ bình tro đợi ngày thuận lợi để di cốt "Buđa" hòa nhập vào đất nước VN thân yêu.

Đi theo hành trình Buđa đã đi cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi mong mình còn đủ sức để đi như thế, một ngày không xa...

(*) Dạy toán Trường đại học Denis Diderot - Paris VII.

NGUYỄN NGỌC GIAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên