21/01/2008 15:27 GMT+7

Họa sĩ Tú Duyên: Trọn đời đam mê thủ ấn họa

Theo THU NGÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo THU NGÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Nhắc đến họa sĩ Tú Duyên, nhiều người nhớ ngay đến ngón nghề thủ ấn họa do chính ông sáng tạo trên nền tranh dân gian sử dụng bản khắc gỗ. Nay đã ngoài “cửu thập”, ông vẫn một lòng đam mê những sắc màu ra đời từ các bản khắc âm dương ấy. Từ đôi bàn tay khéo léo và nhẫn nại của họa sĩ, những bức thủ ấn họa đã ra đời và chu du khắp nơi.

rt8XXl2U.jpgPhóng to
Qua đình ngả nón trông đình, đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu

Một ngày cuối năm chúng tôi tìm đến thăm ông, căn nhà mặt tiền trên đường Nguyễn Công Trứ bao năm qua vẫn thế, khá yên ắng chứ không lẫn cái ồn ào của “khu phố Wall Sài Gòn”. Lão họa sĩ tươi cười tiếp chúng tôi tại phòng khách cũng là nơi làm việc của ông. Mặc chiếc áo vải kiểu măngtô dài ngang gối, chân mang guốc mộc, phong thái nhanh nhẹn, với chiếc kính lúp trên tay, ông cho chúng tôi xem từng chồng tài liệu, những tập sách tranh, những bài báo trong và ngoài nước viết về ông, có bài từ hơn 50 năm trước.

Câu chuyện của gần một thế kỷ làm nghệ thuật được ông kể một cách mạch lạc với giọng vẫn còn khỏe khoắn, minh mẫn. Thỉnh thoảng ông đứng lên tìm nào là ký họa, tranh lụa, thủ ấn họa… dựng đầy bên vách hoặc xếp thành từng chồng cùng nhiều tranh đang làm dang dở cho chúng tôi xem. Chỉ riêng phác thảo ký họa làm tư liệu để vẽ, đã có hơn 40 cuốn tập lớn và hàng trăm quyển nhỏ. Không gian lung linh những sắc màu tranh mang nét dân gian, gợi nhớ hình ảnh “Những người muôn năm cũ…” khiến người xem như trở về một thuở nào đã xa xưa.

Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho tại làng cổ Bát Tràng, Bắc Ninh, từ nhỏ cậu bé Nguyễn Văn Duyến (tên thật của họa sĩ Tú Duyên) rất thích vẽ. Năm 1935, khi 20 tuổi, ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, và phải mất ba năm học lớp dự bị. Yêu thích tranh dân gian Đông Hồ từ bé, bị cuốn hút bởi những hình ảnh vui tươi, gần gũi, khoáng đạt của người dân quê hồn hậu qua bản khắc gỗ thật đẹp nên ông quyết tâm chọn một con đường riêng gắn với tranh dân gian mà sau nhiều mày mò, tìm kiếm mới hình thành nên thủ ấn họa.

Từ năm 1939, gia đình ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Ông vốn có một người bạn học rất thân tên là Đỗ Văn Tư, vào Nam ông ký tên là Tứ Duyên để nhớ bạn (đọc lái của Duyến Tư), nhưng khách mua tranh của ông cứ đọc là Tú Duyên, lâu ngày thành nghệ danh. Thời gian đầu vào Nam, ông vẽ tranh cho các báo, vẽ tranh lụa… đến 1942 mới bắt đầu vẽ thủ ấn họa.

Để thực hiện một bức tranh dân gian Đông Hồ, tranh có bao nhiêu màu thì phải có bấy nhiêu bản khắc gỗ, và đều là các bản dương. Với thủ ấn họa, chỉ dùng một bản âm và một bản dương, họa sĩ sử dụng ngón tay, lòng bàn tay, cạnh tay để xoa màu trên bản khắc rồi đặt lụa lên, mặt âm làm phông, sau đó dùng mặt dương để nhấn thêm rồi xoa, ấn, vỗ, miết… trên mặt lụa cho thấm màu. Mỗi bản tranh làm theo lối thủ ấn họa lại có màu sắc đậm nhạt, dày mỏng khác nhau tùy theo sự điều chỉnh linh hoạt của họa sĩ.

A5clcl2J.jpgPhóng to

Họa sĩ Tú Duyên bên bản tranh khắc gỗ Chí trai thời loạn

Lấy bản khắc gỗ bức tranh Chí trai thời loạn với những đường nét sắc sảo, tỉ mỉ khắc hình chàng thanh niên mang gươm sắp ra trận bên con tuấn mã sắp tung vó câu, ông nói: “Thời trước còn khỏe nhiều, tôi tự làm bản khắc, mỗi bản đều có khổ 0,5x1m. Sau này khi có tuổi rồi tôi mới nhờ thợ làm”. Từ mộc mạc, đơn giản của thời kỳ đầu, về sau thủ ấn họa của Tú Duyên ngày càng điêu luyện hơn.

Chỉ chúng tôi xem bức Trần Bình Trọng treo trên giá, ông nói: “Đây là bức tranh mà tôi ưng ý nhất. Tôi vẽ bức đầu tiên năm 1960, sau đó vẽ cả thảy 17 bức, nhiều nhất trong những bức tranh thủ ấn họa. Tôi đã phải suy nghĩ, trăn trở từ mười năm trước mới thực hiện được bức tranh này nên rất tâm đắc”. Thật vậy, người anh hùng trong tranh với câu nói khí khái “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc!” rất sống động qua từng vệt màu vàng sậm dứt khoát, mạnh mẽ toát lên thần thái dũng mãnh, uy nghiêm, sôi sục thù nhà.

Rồi Bóng người núi Lam (Lê Lợi), Thù cha con nhớ lo cho nước (Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Trãi), Phan Thanh Giản… Đề tài nhân vật lịch sử là một mảng quan trọng trong tranh thủ ấn họa của ông, thể hiện tâm tư kín đáo của họa sĩ trong thời kỳ đất nước chiến tranh. Và rất nhiều những bức tranh lấy cảm hứng từ văn chương, điển tích, văn học dân gian, phong cảnh và các đề tài giản dị khác từ cuộc sống… Đặc biệt, với nhân vật Kiều ông đã vẽ gần 50 bức thủ ấn họa với nhiều bản khắc khác nhau.

Hiện Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM lưu giữ nhiều tranh thủ ấn họa, cả những bản khắc gỗ, của họa sĩ Tú Duyên. “Tôi mong rằng sẽ có người yêu thích cách vẽ cực nhọc này mà tiếp nối” - lão họa sĩ tâm tình khi chia tay chúng tôi.

Xp4EBqJV.jpgPhóng to

Trần Bình Trọng - một trong số 17 bức họa sĩ còn giữ lại

NI7A2d50.jpgPhóng to

Đời người là một thế cờ

Nz6dfv1a.jpgPhóng to
Bức ngẫu hứng tự ký họa mà họa sĩ Tú Duyên yêu thích: gương mặt lúc đang… nhảy mũi
hcTgcW5I.jpgPhóng to

Nhớ lời bác mẹ khuyên răn, làm thân con gái chớ ăn trầu người

Theo THU NGÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên