Phóng to |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Năm 2007, ông đã được Nhà nước VN trao tặng Huy chương Hữu nghị. Nhân dịp trở lại VN cùng với cuộc trưng bày hiện vật, phim ảnh, ghi chép Chúng tôi ăn rừng - Georges Condominas ở Sar Luk do Bảo tàng Dân tộc học VN và Bảo tàng Quai Branly (Pháp) tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học VN từ giữa tháng 12-2007 đến đầu tháng 3-2008, Tuổi Trẻ đã hẹn phỏng vấn ông.
Ấn tượng đầu tiên về bậc thầy của ngành dân tộc học thế giới là sự ấm áp của không khí gia đình: đi cùng ông sang VN có vợ, các con trai, con dâu, cháu gái và chắt. Cháu gái ông đã khóc vì xúc động trong buổi khai mạc triển lãm, khi nhìn thấy ông mình đứng phát biểu trước đám đông. Ấn tượng thứ hai về Condominas là vẻ hóm hỉnh và trí óc minh mẫn ở tuổi 86. Ấn tượng thứ ba về ông là lời khẳng định: "Trong tôi luôn có hai nền văn hóa, VN và Pháp".
* Lý do nào đưa ông đến với ngành dân tộc học?
- Thật ra tôi rất thích vẽ, tôi từng theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, đồng thời lấy bằng cử nhân luật. Nhưng tôi vẽ rất tồi. Một người lính đã khuyên tôi tại sao không đi vào các bộ tộc, hòa mình cùng với họ, như thế kiến thức sẽ được mở rộng rất nhiều. Khi ra khỏi hải quân Pháp, tôi trở về Paris, theo học ở Viện bảo tàng Con người và phát hiện đam mê dân tộc học của mình. Sau đó, trở lại VN, tôi đã tới làng của người Mnông ở huyện Lắc.
* Điều quan trọng nhất để hòa nhập với một dân tộc xa lạ là gì?
- Điều quan trọng nhất là mình phải là chính mình, không cố gắng thể hiện mình là ai, quan tâm đến người khác một cách tự nhiên bằng cách đặt câu hỏi với người khác. Họ sẽ yêu mình khi mình quan tâm đến họ, ngay cả những người khó tính nhất. Sự hòa hợp là một quá trình đòi hỏi phải có thời gian. Ngôn ngữ cũng là điều rất quan trọng để hiểu được họ. (Condominas không thuê phiên dịch vì ông muốn trao đổi trực tiếp với người làng Sar Luk, bởi vậy ông đã dành thời gian học tiếng Mnông trước khi bắt đầu chuyến nghiên cứu - PV).
* Ông là người Pháp, văn hóa Pháp có ảnh hưởng đến ông khi nghiên cứu người Mnông Gar không?
- Tôi không hoàn toàn châu Âu đâu. Mẹ tôi vẫn dạy tiếng Việt cho tôi. Tôi được sống trong hai nền văn hóa. Thời gian tôi sống ở phương Tây nhiều hơn, tuy vậy tôi vẫn không quên giai đoạn đầu trong đời mình. Mỗi cộng đồng có cách nhìn nhận giá trị khác nhau. Trong khi người châu Âu muốn tích trữ cho mình thì người Mnông coi giá trị của tích trữ là họ có thể phân phát những thứ mình có được cho bạn bè, đồng bào của mình, chia được càng nhiều thì càng tốt. Đối với người Mnông, giàu có là mua được nhiều chum ché, sau đó phát lại cho người khác. Khi tiếp xúc với người Mnông, bạn sẽ được tiếp xúc với bản ngã của chính mình.
* Ông từng tuyên bố "dân tộc học như một nghệ thuật sống", điều này có nghĩa là gì?
- Nghệ thuật sống là những trải nghiệm của tôi khi phải sống, phải học, phải khám phá cách sống của một cộng đồng người, sau đó lại phải học ở một cộng đồng người khác. Ngay cả khi chúng tôi không phải đi nghiên cứu nữa, chúng tôi vẫn phải giữ cách sống không định kiến, thận trọng trước cách nhìn của người khác để tránh rơi vào những đánh giá chủ quan, tránh áp đặt cách sống của mình lên người khác và cho đó là đúng.
Khuấy động ngành dân tộc học thế giới Georges Condonminas sinh ngày 29-6-1921 tại Hải Phòng, bố là người Pháp, mẹ là người Việt lai Bồ Đào Nha. Năm 1945, ông từng bị quân đội Nhật giam tại Sài Gòn, sau đó giải ngũ và trở về Pháp năm 1946. Sau khi theo học tại Trung tâm Đào tạo nghiên cứu dân tộc học tại Bảo tàng Con người (Musee de lHomme), ông trở thành nhà nghiên cứu thuộc cơ quan này. Từ năm 1947, ông kết hợp nhiều lần cùng Trường Viễn Đông Bác Cổ để nghiên cứu ở miền Trung VN (làng Mnông Gar, 1948 - 1949), Thái Lan (1957-1958), Madagasca (1955)... Ông đã viết rất nhiều sách, báo, làm phim và đĩa. Sau chuyến nghiên cứu làng Mnông Gar, ông đã viết các cuốn sách: Chúng tôi ăn rừng Đá - Thần Gôo (đã in tại VN), Biên niên của Sar Luk, Làng Mnông Gar (đã in tại VN); Xa lạ là chuyện thường ngày, Sar Luk - miền Trung VN - hai cuốn sách làm khuấy động ngành dân tộc học thế giới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận