13/08/2006 08:43 GMT+7

Ăn trái cây ngọt biết ơn người trồng

ĐÀO MỘNG LONG (1994)
ĐÀO MỘNG LONG (1994)

TT - LTS: Bài viết này NSND Đào Mộng Long viết năm 1994. 12 năm đã trôi qua nhưng những lời tâm huyết của người nghệ sĩ tài năng, nỗi nhức nhối của người công dân trước thời cuộc như vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Tuổi Trẻ xin được trích đăng bài viết này (tựa bài do Tuổi Trẻ tạm đặt), cũng là để tưởng nhớ ông, vừa ra đi ở tuổi 91.

QjRzHIuy.jpgPhóng to
NSND Đào Mộng Long - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
TT - LTS: Bài viết này NSND Đào Mộng Long viết năm 1994. 12 năm đã trôi qua nhưng những lời tâm huyết của người nghệ sĩ tài năng, nỗi nhức nhối của người công dân trước thời cuộc như vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Tuổi Trẻ xin được trích đăng bài viết này (tựa bài do Tuổi Trẻ tạm đặt), cũng là để tưởng nhớ ông, vừa ra đi ở tuổi 91.

Đào Mộng Long: lãng tử đã về nơi suối đào

Gia đình tôi ở tỉnh Nam Định. Bố tôi là một nhà nho yếm thế (?). Khoảng từ những năm 1910, ông là một trong ba người chơi đàn Huế nổi tiếng cùng thời với ông Hai Khiết, ông Ba Lễ... Bố tôi không là diễn viên, nhưng ông hát tuồng khá hay: cùng một câu hát nam, hát khách... ông hát được cả giọng tuồng Huế, tuồng Bắc...

Khoảng 1920, bố tôi được người bạn là ông Nguyễn Đình Cao (mở gánh hát tuồng) mời làm công việc ngoại giao cho gánh hát. Tôi mới 5-6 tuổi, là con trai đầu nên tối nào cũng được bố đưa đi xem hát, về nhà nằm ngủ chung với bố, bố lại giảng cho nghe về tích hát, về cách diễn.

Năm 1927, gia đình tôi dọn về Vinh ở cho gần gũi quê hương (Hà Tĩnh). May mắn làm sao, gia đình tôi hai năm đầu lại thuê nhà ở sát vách sau rạp hát tuồng của mụ Giám. Tôi lại được xem tuồng, cả ban ngày cũng thường thơ thẩn sang rạp xem các cô các chú ráp tập. Quá quen đến nỗi tôi không phải mua vé cũng vẫn được vào xem, đôi khi các chú còn cho tôi ngồi đánh trống chầu nữa!

Rõ ràng từ tuổi thơ ấu, tuồng đã xâm nhập tâm hồn tôi, tôi đã tự giác say mê học tuồng bằng phương pháp thực tiễn (không phải từ lý luận). Nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc đã đặt nền móng trong tôi, một cậu bé có năng khiếu tiếp thu tự giác!

Cùng thời gian đó, tôi đã tập tành tham gia ban nhạc tài tử, diễn cải lương của Hội thể thao Hồng thập tự Vinh. Rồi năm 1934, tôi được làm nhạc công của gánh hát cải lương An Lạc.

Cuối năm 1936 tôi đã trở thành kép chính của gánh cải lương Liên Hiệp của gia đình cô Ái Liên. Lúc này tôi đã đóng được các loại vai văn, võ, trẻ, già, trẻ con... Vai nào cũng được khán giả mến mộ. Có người nói: “Tổ sớm cho ăn lộc như thế là điềm sẽ chết non!”.

Nếu không có được gần 30 năm gắn bó với nghệ thuật dân tộc chắc chắn tôi không thể có được vinh dự như ngày nay, vì thế tôi quyết tâm tìm hiểu và thử nghiệm thực nghiệm cái vốn quí báu đó vào kịch nói.

Khi nhà hát dựng vở Âm mưu và hậu quả của Bửu Tiến và Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Đình Nghi đạo diễn, tôi được phân vai nghị sĩ. Diễn viên ít, tôi nhận thêm vai quần chúng hát xẩm. Vì tôi biết kéo đờn cò (nhị) và biết kể thơ kiểu miền Nam (vai này không có lời nói, chỉ có bốn câu thơ của cụ Đồ Chiểu).

Thêm một lần thực nghiệm, tôi tập trung diễn hoàn toàn bằng phương pháp nghệ thuật truyền thống dân tộc. Buổi diễn nào anh chị em cũng đứng bên cánh gà xem. Ai cũng cho là lớp diễn độc đáo! Có người nói: ông Long diễn kiểu kịch câm Marceau! (Không đâu! Trong tuồng của chúng ta đã có kịch câm từ 100 năm nay rồi).

Trong buổi tọa đàm về vở Âm mưu và hậu quả có hai đạo diễn Liên Xô dự. Họ phát biểu: “Riêng về đồng chí Đào Mộng Long, chúng tôi không dám có ý kiến, vì chỉ qua hơn bốn phút với vai hát xẩm, chúng tôi thấy đồng chí Long là nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế...”. Tôi càng vững lòng tin vào nguyên lý sân khấu truyền thống dân tộc.

Sau giải phóng miền Nam, năm 1978 nhà hát dựng vở Khúc thứ ba bi tráng, Dương Ngọc Đức đạo diễn. Tôi được phân vai tư sản Gôvđilin, Mạnh Linh được phân vai Lênin. Khi anh Ngọc Đức và Mạnh Linh đi Liên Xô tham quan cách dựng vở và cách diễn vai Lênin thì tôi ở nhà nghiên cứu kịch bản và vai kịch tôi đóng.

Trong Nam đã có người nói: “Mua cán bộ Việt cộng rẻ hơn cán bộ của chính quyền Thiệu?”. Đau quá! 30 năm nhân dân ta, Đảng ta bao nhiêu máu xương gian khổ! Thế mà bây giờ!? Nỗi đau đó thành động cơ thúc đẩy tôi phải diễn vai này như thế nào để phê phán loại cán bộ, đảng viên bị tha hóa vì tiền, đồng thời phải đặt vấn đề cảnh giác trước âm mưu, trước tiếng cười khinh bỉ của kẻ thù.

Lại một lần nữa tôi áp dụng phương pháp nghệ thuật truyền thống dân tộc trong vai tư sản cáo già này, chủ yếu là cảnh “giấc mơ”. Tôi tự ý cấu trúc lại lớp kịch và sửa chữa thêm bớt lời kịch. Tôi tạo thành lớp diễn một người (ước lệ) để khán giả tập trung xem tôi diễn, hiểu rõ ý tôi...

Vở kịch được diễn nhiều tỉnh từ Bắc vào Nam. Sau đêm diễn tại Ba Đình, chúng tôi ăn bồi dưỡng tại căngtin câu lạc bộ Ba Đình. Đồng chí phụ trách căngtin nói: “Bác ơi! Hay quá, bác đừng bao giờ về hưu bác nhé. Bác phải ở lại diễn cho các con, các cháu thưởng thức tài nghệ, hiểu được sự đời...”.

Sau đêm diễn tại Nhà hát TP.HCM, tôi đang tẩy trang thì nghệ sĩ Ba Vân, Út Trà Ôn cùng hai người nữa vào cùng giơ ngón tay cái lên (trong đó tôi hiểu: vừa khen tôi vừa có tự hào chung vì tôi là từ cải lương nay sang kịch cũng ở đỉnh cao).

Tôi vô cùng xúc động, ước gì có bàn thờ tổ cho tôi vào thắp nén hương. Uống nước nhớ nguồn, ăn trái cây ngọt biết ơn người trồng! Vì không có nghệ thuật truyền thống dân tộc thì tôi đâu có được vị trí nghệ sĩ trên sân khấu kịch nói hôm nay.

Đáng tiếc rằng cho mãi tới những năm đầu 1970 tôi mới tự tìm hiểu ra điều căn bản đó! Và cũng đáng buồn rằng: tại sao chúng ta có biết bao nhà lý luận, nhà nghiên cứu, nào viện nghệ thuật sân khấu, nào cục, nào vụ, rồi trường đại học sân khấu, hội nghệ sĩ sân khấu, có cả giáo sư, tiến sĩ... vị nào, nhà nào xem tôi diễn cũng khen là hay, giỏi, độc đáo... nhưng chưa hề có một vị nào, nhà nào vạch cho tôi biết sớm rằng: ông Long ơi, bằng vốn gốc nghệ thuật sân khấu dân tộc, ông đã ứng dụng vào kịch nói nên ông mới thành công độc đáo đến thế, chứ không phải chỉ vì ông có tài năng đâu!

Tôi được biết Hồ Chủ tịch có nói: “Cần bảo vệ vốn dân tộc trong nghệ thuật”.

Đồng chí Võ Văn Kiệt cũng nói: “Dân tộc làm mất bản sắc văn hóa của mình thì dân tộc đó sẽ mất tất cả”.

Các bạn ơi! Tôi coi đó là những tiếng chuông báo động cấp thiết trong tình hình hoàn cảnh đất nước ta hiện nay với lĩnh vực văn nghệ nói chung và đặc biệt với nghệ thuật sân khấu nói riêng. Mà cái vốn truyền thống dân tộc đó phải có thời gian (?), nó chỉ có thể nằm trong những kinh nghiệm của những tâm hồn nghệ sĩ đích thực tài năng, nó không thể nằm trong sách vở.

... “Màn nhung khép kín, còn gì Hương ơi!Dù trên sàn diễn tuyệt vời,Người đi, tác phẩm theo người cùng đi.Nấm cỏ xanh rì!”

(Trích thơ viếng nghệ sĩ Dịu Hương)

Người đi, tác phẩm theo người cùng đi

Đào Mộng Long có một khả năng độc sáng: ông biết đối thoại với đạo diễn, cùng đạo diễn vót sắc chủ đề, xây dựng phong cách nhất quán, hướng đến vẻ đẹp tổng thể cho vở diễn, dù chỉ bằng vai phụ của mình.

Năm 1977, kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Nhà hát Kịch VN dựng vở Khúc thứ ba bi tráng của N. Pôgôđin. Đạo diễn Dương Ngọc Đức mời Đào Mộng Long vào vai phụ: Gôvđilin, tên tư sản căm thù cách mạng tận xương tủy, quyết chống phá nhà nước Xô-viết non trẻ.

Đào Mộng Long đề nghị Dương Ngọc Đức đồng ý cho ông một cách diễn mở, có thể luôn làm mới trong quá trình nhận thức và đối chiếu vai kịch với hiệu ứng khán giả. Vả lại, khi nghiền ngẫm vai kịch trong hoàn cảnh miền Nam sau giải phóng mấy năm, Đào Mộng Long nhận thấy có nhiều ý nghĩa xã hội - thời sự tương đồng.

Vai Gôvđilin,vì thế, là nơi ông rút ruột kinh nghiệm diễn kịch “đầy mình” hàng mấy chục năm (lúc này ông đã quá lục tuần), và oái oăm thay, cũng là nơi ông trút nỗi đau riêng về một bộ phận những người cộng sản sau giải phóng đã bị biến chất bởi tham nhũng.

Cảm giác kép trong ông xuất hiện: sự bùng cháy của cảm xúc nghệ sĩ cùng một nỗi đau đời đã thật ghê gớm! Trong suốt vai diễn, Đào Mộng Long rất tập trung đào sâu chủ đề trong nhân vật phản diện Gôvđilin bằng phương pháp ước lệ mà ông cho là đích đáng (bởi đã dày công học từ sân khấu dân tộc), để ứng xử với nhân vật kịch mới mẻ, hóc búa này.

Từ đó, ông đạt đến đỉnh cao của vai diễn, trong một trường đoạn kinh điển, được người trong nghề gọi là “giấc mơ hối lộ”.

Đề nghị đạo diễn “giấu” bạn diễn đóng vai sĩ quan cận vệ đỏ Đialốp vào hậu trường, chỉ còn tiếng vọng của nhân vật này, một mình Đào Mộng Long vai Gôvđilin trong quầng sáng đèn từ trên cao rọi xuống, lúc thì độc thoại nội tâm, khi thì đối thoại với Đialốp.

Các động tác sân khấu của Đào Mộng Long được cách điệu rất chắt lọc, tinh tế trong đoạn diễn "giấc mơ hối lộ", đã nhất quán đẹp đẽ với toàn thể vai diễn Gôvđilin của ông và thấm sâu vào chủ đề vở diễn. Rốt cuộc, vai kịch đầy ấn tượng ấy đã chinh phục mạnh mẽ người xem Sài Gòn.

Song Đào Mộng Long tuyệt nhiên không tự hài lòng. Sau buổi diễn thứ 25, ông còn tìm cách “mài sắc” vai diễn bằng xử lý mới: khi nghe lời kết án của Đialốp vang lên từ hậu đài, tên Gôvđilin đầy thù hận của Đào Mộng Long thay vì nhìn về phía tiếng vọng, đã đổi hướng, nhìn thẳng về phía khán giả, và như thế sân khấu đã mang thêm ý nghĩa một vành móng ngựa kết án tử hình tên tội phạm, trước đông đảo quần chúng nhân dân...

Tiếc rằng vai diễn sáng chói nhất này cũng là vai diễn cuối cùng đời nghệ sĩ kịch của Đào Mộng Long. Giữa năm 1979, ông nhận quyết định nghỉ hưu. Từ đó, công chúng yêu kịch cả nước không còn được xem Khúc thứ ba bi tráng nữa!

ĐÀO MỘNG LONG (1994)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên