Phóng to |
Dịch giả Dương Tường (phải) và đạo diễn Đới Tư Kiệt |
Năm nay đã bước sang tuổi 75, dịch giả, nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật “avant garde” (tiên phong) này vừa lên đường sang châu Âu hai tháng theo một học bổng dành cho dịch giả do Trung tâm quốc gia về sách của Pháp cấp, sau những ngày dài “ở ẩn” để hiệu đính bản dịch Mật mã Da Vinci.
Trong căn phòng trên gác hai của gallery Mai, đồng thời là nhà riêng của Dương Tường, có hai thứ mà ông rất quí, đó là giá sách ngoại văn với hàng trăm tác phẩm văn chương cổ điển và đương đại nổi tiếng bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, hai ngôn ngữ mà ông thành thạo như nhau và một bộ sưu tập tranh rất độc đáo gồm những bản ký họa mà bạn bè vẽ tặng ông. Có khoảng 60 bức ký họa chân dung Dương Tường với đủ các sắc thái, góc độ khác nhau và chủ yếu là do các bạn bè họa sĩ, văn nghệ sĩ nổi tiếng vẽ tặng ông như Bùi Xuân Phái, Trịnh Công Sơn, Lưu Công Nhân, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Nguyễn Quân, Đỗ Quang Em, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, Phạm Quang Vinh, Hà Trí Hiếu... |
1. Với một người “ham chơi” như Dương Tường, bỏ ra gần bốn tháng giam mình để hiệu đính một bản dịch tai tiếng như Mật mã Da Vinci thì đúng là tự hành xác. Mỗi ngày miệt mài làm việc 10 giờ đồng hồ, cuối cùng ông cũng hoàn thành bản hiệu đính.
Tự nhận là chỉ hài lòng ở mức độ “sạch nước cản”, không để lọt những lỗi đáng kể, nhưng hỏi ông có thích tác phẩm này không thì ông trả lời ngay là “không”.
* Vậy một tác phẩm như thế nào thì khiến ông hứng thú với công việc chuyển ngữ?
- Phải là những tác phẩm thách thức lớn về mặt văn học, tư tưởng và ngôn ngữ.
* Những tác phẩm nào từng dịch đã khiến ông vượt qua những thách thức này?
- Con đường xứ Flandres của Claude Simon (Pháp); Alexis Zorba của Nikos Kazantzaki (Hi Lạp); Bức thư của người đàn bà không quen của Stefan Zweig (Áo), Cái trống thiếc của Gunter Grass (Đức)... là những tác phẩm tôi hài lòng nhất với công việc chuyển ngữ; theo đúng tiêu chí phấn đấu của tôi: “Một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó người dịch là đồng tác giả”.
* Nếu so với giá sách ngoại văn đồ sộ của ông thì những gì đã dịch chỉ chiếm một con số rất nhỏ. Còn những thách thức nào mà ông chưa thể hoặc không thể vượt qua?
- Có một bộ sách mà từ lâu tôi rất muốn dịch nhưng không đủ lực để làm là bộ bảy cuốn Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust. Sau đó là Người không tính cách của Robert Musil, Hành trình đến tận cùng đêm của Céline hoặc Ulysses của James Joyce... Bây giờ thì lực bất tòng tâm rồi, sức và trí đều đã suy mà quĩ thời gian cũng gần cạn!
* Ông có theo dõi những dòng chảy của văn chương thế giới qua những tác phẩm đương đại?
- Tôi vẫn nhận được những tác phẩm văn chương gây tiếng vang trên thế giới do bạn bè gửi về tặng. Theo chỗ tôi biết thì văn học đương đại của Anh và Mỹ vẫn có nhiều sức sống nhất. Văn học Pháp thì dường như đang ở trong một giai đoạn ngưng trệ, ít có những tác giả lớn và đột phá như Albert Camus hay Claude Simon trước đây. Trung Quốc và Nhật cũng nổi lên nhiều tác giả hay.
* Ông vừa hoàn thành bản dịch Mặt trời nhà Scorta của Laurent Gáude, một tác giả đương đại Pháp, và sắp tới là một tác phẩm của Haruki Murakami, một tên tuổi lớn của văn học đương đại Nhật, có phải đây là hai thách thức mới của ông?
- Mặt trời nhà Scorta chưa hẳn là xuất sắc dù tôi khá thích về mặt ngôn ngữ. Còn Murakami là một tác giả tôi thích từ lâu, kể từ hồi đọc Rừng Na Uy. Theo tôi, đây là một tên tuổi đáng kể của văn chương Nhật đương đại, có sức ảnh hưởng đến văn chương thế giới vì ông rất giỏi trong việc nắm bắt tâm lý thời đại. Sau chuyến đi châu Âu về tôi sẽ bắt tay dịch tác phẩm mới nhất của Murakami - Kafka trên bờ biển.
* Trong chuyến đi này, ông có dự định gặp hoặc nghiên cứu về một tác giả, tác phẩm nào đó mà ông muốn dịch?
- Đây là một “cua” học bổng lưu trú dành cho dịch giả nước ngoài nên tôi rất tự do, không bị lệ thuộc vào các cuộc hội thảo hay tọa đàm. Tôi dự định sang Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan và tất nhiên là phải sang Đức để hưởng một chút không khí và xem trực tiếp vài trận bóng đá của những đội tuyển mà tôi rất mê tại Cúp thế giới lần này.
Còn tác giả mà tôi muốn gặp là Linda Lê, một nhà văn người Pháp gốc Việt được đánh giá rất cao trên văn đàn Pháp đương đại. Tôi đã đọc vài tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của Linda Lê như Phúc âm của tội ác, Vu khống và một số vở kịch. Tôi rất thích lời tự bạch nổi tiếng của Linda Lê: “Viết bằng một thứ tiếng không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của mình thì khác nào làm tình với xác chết”.
* Sau khi VN ký công ước Berne, việc mua bản quyền các tác phẩm văn chương nổi tiếng nước ngoài không khó như người ta tưởng và giá thành cũng không quá đắt. Nhưng văn học dịch lại rơi vào một bế tắc khác là số lượng dịch giả quá ít, và dịch giả có tài thì lại càng hiếm. Ông là người trong cuộc, chắc cũng có nhiều trăn trở?
- Đúng là hiện nay nhiều nhà xuất bản hoặc công ty sách tư nhân có thể mua bản quyền dịch những tác phẩm hay nhất, nổi tiếng nhất của các tác giả thành danh trên thế giới không khó khăn lắm. Như NXB Văn Hóa Thông Tin mua trọn bộ bốn tác phẩm của Dan Brown, Công ty sách Nhã Nam cũng mua được một số tác phẩm nổi tiếng đoạt giải Booker (Anh) hay Goncourt (Pháp) trong vài năm gần đây hoặc những tác phẩm của Murakami, Laurent Gáude, Thiết Ngưng...
Nhưng hình như vấn đề chung cho tất cả là việc tìm những dịch giả có uy tín để chuyển ngữ. Đội ngũ dịch giả có chất lượng hiện nay rất hiếm và thua sút nhiều so với thời trước. Trong nhiều năm trở lại đây, tôi chỉ thấy nổi lên vài cái tên đáng chú ý như Trịnh Lữ của dòng văn học tiếng Anh và Trần Đình Hiến của dòng văn học tiếng Hoa mà họ cũng đã ở tuổi lục - thất thập rồi. Trẻ hơn thì cũng chỉ có Cao Việt Dũng hay Trần Tiễn Cao Đăng là hứa hẹn...
Vì vậy chuyện cần kíp bây giờ để có được một dòng văn học dịch lành mạnh và có nền móng lâu dài là phải đào tạo một đội ngũ dịch thuật đến nơi đến chốn về mặt trình độ. Tôi nghĩ muốn trở thành dịch giả giỏi thì việc đầu tiên là phải yêu tác phẩm mình dịch, yêu công việc chuyển ngữ của mình và không ngừng trau dồi “văn đức” (lương tâm người dịch).
2. Khi nói về dịch thuật, công việc mà ông theo đuổi gần 50 năm nay, Dương Tường rất “hàn lâm”, thậm chí hơi cực đoan thì khi nói về văn học trẻ trong nước ông lại tỏ ra là một người “nhập cuộc” với những nhận định trẻ trung, sắc sảo.
Có hai hình ảnh đối lập ở Dương Tường, đó là cái vẻ ngoài “khó đăm đăm” khi ngồi một mình trong căn phòng nhỏ trên gác để dịch thuật hay “cô đơn” trước hiên nhà để đọc những tác phẩm văn học nguyên bản và sự trẻ trung, vui vẻ, thậm chí rất hồn nhiên khi ngồi bên những người bạn văn chương cùng thời hay những kẻ hậu sinh trót theo đuổi công việc nhọc nhằn này.
Trong hội nghị nhà văn trẻ ở Hội An, ông tự bỏ tiền mua vé máy bay vào để chơi và xem các bạn trẻ theo đuổi văn chương viết lách, suy nghĩ ra sao về công việc của họ, nhưng “kêu” là họ ít dám nói, dám thể hiện quá dù chắc hẳn ai cũng có nhiều trăn trở.
* Theo dõi đời sống văn học trẻ trong nước vài năm qua, đặc biệt là những hiện tượng nổi lên gần đây, ông có thấy lạc quan không?
- Tôi luôn tin vào tiềm năng của lớp trẻ. Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thúy Hằng, Đỗ Hoàng Diệu là những cái tên đáng chú ý. Nguyễn Ngọc Tư cho đến Cánh đồng bất tận đã khẳng định là tác giả có một vùng văn cho riêng mình. Trước Cánh đồng bất tận, theo tôi, chưa có một tác phẩm nào nói đến sự phi nhân hóa con người mãnh liệt đến thế.
Bộ ba tác phẩm của Nguyễn Thúy Hằng - Thời hôm nay, Khoái cảm và Điên rồ hợp lý - là một cố gắng đề xuất một cách đọc mới với một lớp độc giả mới. Chất đương đại ở Nguyễn Thúy Hằng thể hiện rất rõ. Đỗ Hoàng Diệu bút lực chưa đều tay nhưng cũng là một tác giả đáng để ta chờ đợi.
* Vậy còn những gương mặt như Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Bình Phương, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh...? Ông có nhận thấy là sức bền những cây bút trẻ của chúng ta thường rất ngắn?
- Trường hợp của Phan Thị Vàng Anh chưa thể gọi là dừng được. Tôi luôn tin là ở Vàng Anh vẫn tiềm ẩn một sức mạnh nội tại. Tôi đồ là Vàng Anh đang “ngấu” một cái gì đó. Trong lớp văn chương trẻ của hơn 10 năm qua, tôi luôn tin ở Nguyễn Bình Phương, cả văn lẫn thơ. Phương có “phông” văn hóa và nội lực mạnh. Tôi cũng rất quí cái tính lầm lũi sáng tác của anh.
Còn Phan Huyền Thư và Vi Thùy Linh, hai cây bút thơ từng là hiện tượng vài năm trước, tôi thấy cả hai tập mới của họ đều đuối, thua những tác phẩm trước. Linh viết như “tháo cống”, không biết tự tinh lọc mình. Còn tập Rỗng ngực của Phan Huyền Thư thì cảm xúc nghèo và cưỡng mình về mặt ngôn ngữ nên gây cảm giác thiếu tự nhiên.
Tôi luôn nghĩ các cây bút trẻ phải khẳng định mình bằng tác phẩm, bằng sức bền, nhưng trong cơn sáng tác có đôi khi cũng nên dừng lại để nhìn lại mình...
* Xin cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận