Phóng to |
Nhà thơ Việt Phương - Ảnh: tuấn phùng |
Câu chuyện của nhà thơ Việt Phương - nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hiện là thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, người vừa trao toàn bộ di cảo của nhà triết học Trần Đức Thảo gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho NXB ĐH Quốc Gia Hà Nội - đã thôi thúc PV Tuổi Trẻ tìm gặp ông.
Giọng ông Việt Phương buồn và xúc động như chuyện mới hôm qua:
- Thủ tướng Phạm Văn Đồng có sự gần gũi và cảm thông rất sâu sắc với nhiều trí thức lớn, nhiều văn nghệ sĩ, Trần Đức Thảo là người đặc biệt trong số đó. Ông Thảo bị phân biệt đối xử và bị coi như không đáng tin cậy suốt cuộc đời, và Phạm Văn Đồng, với tư cách vừa là thủ tướng vừa là người bạn tri âm, đã gạt đỡ cho Trần Đức Thảo, đã giúp ông một phần nào đó về tinh thần và vật chất.
Những sự giúp đỡ của ông nhỏ thôi nhưng đã làm con người ngây thơ và vụng dại trong đời thường của Trần Đức Thảo qua được những cơn khốn khó nhất. Những giúp đỡ về vật chất thì ông thường thông qua một cộng sự khác là GS Phạm Như Cương - sau này là viện trưởng Viện Triết học.
Ngoài ra còn có ông Hà Huy Giáp và ông Hà Xuân Trường. Còn sự giúp đỡ về tinh thần, nhất là sách vở, tài liệu thì thường thông qua tôi. Có những tài liệu người ta gửi tặng ông, thường bằng tiếng Pháp, ông luôn gửi cho Trần Đức Thảo. Và ông Thảo cũng vậy, từ khi ở chiến khu về, đã đều đặn gửi những tác phẩm của mình (cả được in và không được in) cho Thủ tướng đọc.
Những tác phẩm đầu tiên là bản dịch và bình một số đoạn quan trọng trong Hiện tượng luận tinh thần của Hegel ông Thảo dịch từ tiếng Đức. Tác phẩm thứ hai là Logic của Hegel, ông Thảo dịch từ tiếng Đức ra tiếng Pháp.
Ông cũng vừa dịch vừa bình bằng tiếng Pháp. Thủ tướng đọc rồi tặng lại tôi. Có một người nữa cũng sang mượn Thủ tướng để đọc là Tổng bí thư Lê Duẩn. Ông Lê Duẩn cũng thích đọc triết học và đọc được trực tiếp bằng tiếng Pháp.
Về sau từ 1964 trở đi, ông Thảo bắt đầu gửi thành hai bản, một bản cho Thủ tướng và thêm một bản cho tôi. Có khi tôi đến nhà ông để nhận, có khi ông gửi qua đường bưu điện, cũng có lúc hai anh em gặp nhau ở ghế đá hay quán nước bên hồ Tây cho nó “lãng mạn”.
Năm 1936 qua Paris, tốt nghiệp thạc sĩ triết học hạng nhất tại Pháp lúc mới 26 tuổi. Cuối năm 1951 ông trở về VN, lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. 24-4-1993, trong đợt đi công tác ở nước ngoài, bị bệnh nặng, ông đã từ trần tại Paris. Ông được đánh giá là một trong những nhà triết học hàng đầu của thế kỷ 20. |
- Có chứ, nói nhiều là khác. Về triết học của Trần Đức Thảo thì tôi sẽ còn nhiều dịp để nói đến và nói sâu hơn. Chỉ xin kể trước một chuyện: Trần Đức Thảo giành được sự trân trọng của những vĩ nhân cùng thế hệ với ông. Năm 1971, Bertrand Russell (triết gia Anh nổi tiếng) và J. P. Sartre (nhà văn, nhà triết học Pháp từng nhận giải Nobel) - những người chủ trương lập Tòa án quốc tế xét xử tội ác của đế quốc Mỹ trong chiến tranh VN - có ý định sang VN.
Trong chương trình dự định ở VN khoảng bốn ngày, yêu cầu đầu tiên của J.P.Sartre là được gặp gỡ Trần Đức Thảo trọn ngày đầu tiên. Vì nhiều lý do, chuyến đi không thành, nhưng có thể nhận thấy tình cảm cũng như sự trân trọng mà những con người tầm cỡ như Sartre đã dành cho Trần Đức Thảo của chúng ta.
Nhưng chúng tôi cũng không phải không nhận ra những lỗ hổng trong triết học của Trần Đức Thảo, đó là vốn kiến thức và trải nghiệm triết học phương Đông.
Ông là nhà triết học VN hiểu sâu sắc nhất và sáng tạo nhất theo tư duy triết học phương Tây, nhưng giá mà ông có nhiều trải nghiệm hơn nữa về triết học phương Đông thì rất có thể ông đã trở nên mềm mại và sâu hơn. Chúng tôi cũng đã nói thẳng với ông về điều đó, và ông thừa nhận: ông không đủ thời gian trong cuộc đời.
Còn về con người của Trần Đức Thảo, ông Phạm Văn Đồng luôn luôn nói với tôi: “Đó là một tài năng và là một người bị oan khuất”. Và tôi nhận ra thêm một điều cực kỳ đáng trân trọng ở con người ấy: mọi nỗi oan khuất mà ông phải gánh chịu suốt cuộc đời không hề để lại trong ông dù chỉ là một dấu vết nhỏ nhất của sự cừu hận. Con người ông trong sáng đến mức ngây thơ.
* Nhưng thưa ông, vậy tại sao nhà triết học trong sáng đến mức ngây thơ ấy lại chịu sự oan khuất đến hết cuộc đời như vậy, một nỗi oan khuất mà một vị thủ tướng cũng chỉ có thể che đỡ và xoa dịu chứ không giải tỏa hoàn toàn được?
- Trần Đức Thảo có lần nói với Thủ tướng: “Tạp chí Triết Học của VN toàn là chính trị, chẳng có chút triết học nào trong đó cả”. Thủ tướng cũng phải công nhận điều đó. Thời Trần Đức Thảo sống và nghiên cứu sau 1954, xã hội chúng ta là một xã hội đặc biệt mà nguyên nhân gây ra những bi kịch cho những trí thức như Trần Đức Thảo có khi không hẳn là sự độc ác hay ghen ghét của cá nhân hay thế lực nào đó.
Nguyên nhân chính, theo tôi, là sự giáo điều chân thực. Chính vì chân thực nên chúng càng khủng khiếp. Cái giáo điều ấy độc lập với nhân cách của mỗi người. Có thể bản chất họ rất tốt nhưng khi đụng đến cái giáo điều của họ, họ trở nên đáng sợ. Và Trần Đức Thảo chính là một nạn nhân.
Nguyên nhân khác nữa là có những lực lượng ăn theo, không hề tin vào giáo điều ấy nhưng tung hô nó để tìm kiếm cơ hội cho mình. Đây chính là những kẻ phá hoại khủng khiếp nhất. Và một lực lượng thứ ba nữa là những người thiếu thông tin, thiếu kiến thức, không ở trong cuộc, một lòng một dạ tin theo những điều cấp trên nói, số đông nói.
Tất cả những lực lượng xã hội ấy làm thành một “tập đại thành” mà những thân phận trí thức như Trần Đức Thảo không thể hòa nhập được. Họ tất nhiên không thể hiểu được ông, mà ông cũng không bao giờ tìm cách làm cho họ hiểu mình. Ông cứ đơn độc một mình, lầm lũi với triết học của mình. Và đau xót cho chúng ta là ông không cho rằng đó là bi kịch nữa kìa.
* Trong số bản thảo di cảo mà ông vừa trao tặng NXB ĐH QG Hà Nội và Thư viện quốc gia, có những tác phẩm nào chưa từng được công bố không, thưa ông?
- Có khá nhiều, trong đó có những bức thư ông Thảo gửi riêng cho Thủ tướng, có những bức thư mà các nhà triết học thế giới gửi cho ông Thảo và ca ngợi ông nồng nhiệt ngoài sức tưởng tượng của người VN chúng ta.
Như lá thư của Lucien Sevre - một trong những nhà triết học xuất sắc nhất của nước Pháp hiện đại viết về ông: “Nhà triết học VN mà những bài giảng đã để lại dấu ấn cho cả một thế hệ trí thức nước Pháp”, có cả tác phẩm cuối cùng của ông trước khi mất, viết tại Pháp bằng tiếng Pháp: Logic của cái hiện tại sinh động...
* Ông mong muốn điều gì khi trao tặng khối lượng di cảo khổng lồ và quí giá này cho NXB ĐH QG Hà Nội?
- Cái gì đã qua thì nên cho nó qua đi, nhưng những cái gì sửa được thì phải sửa. Tôi mong tất cả những tác phẩm của ông được xuất bản và để mọi người hình dung được tư tưởng, con người của ông, và tự hào về một đại trí thức của VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận