Phóng to |
Bộ từ điển còn nhiều sai sót |
Cũng theo ông Kim: “Thậm chí có sai sót nghiêm trọng cả về cách lựa chọn, giới thiệu mục từ lẫn cách định nghĩa nội dung, cách phiên âm tiếng nước ngoài”.
Bộ TĐBKVN được in rải rác từ năm 1995 đến năm 2005. Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa in bộ sách 4 tập này, mỗi tập dày trên dưới 1.000 trang, khổ 19 x 27.
Khoảng 4 vạn mục từ thuộc 40 ngành khoa học khác nhau được nhiều nhà khoa học đầu ngành tham gia biên soạn. Đây là bộ TĐBKVN đầu tiên được biên soạn có tổ chức, chỉ đạo của Nhà nước, với kinh phí 32 tỷ đồng.
Trước khi làm TĐBKVN, những người có trách nhiệm biên soạn đều ý thức rõ đây phải là công trình được biên soạn khoa học, có tính tổng hợp cao, và đây là sách công cụ của các sách công cụ.
Cho đến khi tập cuối cùng ra mắt độc giả vào tháng 9-2005, một thành viên trong Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn TĐBKVN tự hào: “Đây là kết quả lao động đầy tâm huyết và đáng trân trọng của hàng trăm nhà khoa học tập hợp trong ban biên soạn gồm 36 tiểu ban chuyên ngành và liên ngành”.
Tuy nhiên, một cô gái tên là Thúy Nga nói: “Năm 2003, em được mẹ mua tặng một cuốn TĐBKVN sau khi ra trường. Em phát hiện mấy lỗi trong cuốn tập II ấy”. Cô mở trang 357, đoạn ghi Hồ Tông Thốc ngụ cư ở Vô Ngại, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng.
“Quê em ở đây nên em biết rất rõ huyện Mỹ Văn được chia thành 3 huyện từ năm 1999 gồm Mỹ Hào, Văn Lâm và Yên Mỹ. Làng Vô Ngại thuộc xã Ngọc Lâm và xã Ngọc Lâm nay thuộc huyện Mỹ Hào. Chứ Vô Ngại không thuộc huyện Mỹ Văn như ghi trong TĐBKVN nữa”.
Ông Trần Thọ Kim chia sẻ: “Cá nhân bác cũng nghĩ TĐBKVN không đạt được mục tiêu đề ra ban đầu”. Ông Kim chỉ ra các sai sót mà ông phân thành 6 nhóm.
Thứ nhất, lựa chọn, sắp xếp mục từ lộn xộn, tuỳ tiện, thiếu hệ thống, thiếu khoa học. Nhiều mục từ quá thông thường như nong, nia, mẹt, cót (T3, tr.292) cũng đưa vào nhưng lại giải thích sơ lược và không chuẩn xác. Chẳng hạn TĐBKVN gộp các từ nong, nia, mẹt, cót vào chung một mục từ và giải thích: “Những đồ dùng bằng tre nứa đan hình tròn”.
“Nong, nia, mẹt, rõ ràng là hình tròn. Còn cót làm sao lại tròn được”, ông Kim nói, “Tương tự, việc nhập các từ thúng, mủng, rổ, rá (T4, tr.28) vào cùng một mục từ cũng không hợp lý”.
Tập 4, tr.1015, có các mục từ chỉ các loại hình xiếc gồm xiếc mô tô bay, xiếc ngựa, xiếc người bay. Không hiểu sao lại không có xiếc khỉ, xiếc voi, xiếc gấu,v.v... Điều này cho thấy nhiều mục từ đưa vào TĐBKVN theo kiểu gặp gì đưa nấy.
Ví dụ khác, mục từ Lê Lợi chua “x. Lê Thái Tổ” (T2, tr.668). Mục từ Lê Tư Thành chua “x. Lê Thánh Tông” (T2, tr.672). Nhưng ở mục từ Nguyễn Huệ, TĐBKVN có cách trình bày ngược lại, đưa tên hiệu của vua lên mục từ chính và chú xem mục từ chỉ tên thường gọi của vua, tức Nguyễn Huệ - Quang Trung x. Nguyễn Huệ (T3, tr.588). ở đây, các tác giả lẫn lộn tên thường gọi với tên hiệu của vua nên không nhất quán trong việc chọn mục từ để định nghĩa.
Thứ hai, thiếu nhiều mục từ quan trọng. Trong tập 2, có mục từ Hoà Bình (tỉnh) và Hoà Bình (hồ) nhưng lại không có mục từ hoà bình (tiếng Anh là peace) theo nghĩa chính trị - xã hội, đối lập với chiến tranh (tiếng Anh là war) (T1, tr.460).
Rồi có mục từ Ngắn hạn (T3, tr.67) nhưng lại không có mục từ Dài hạn và Trung hạn. (Thực ra, vẫn theo ông Kim, đây không phải là thuật ngữ khoa học để đưa vào TĐBKVN). Hoặc có mục từ Nhóm 77 (T3, tr.264) nhưng lại không có mục từ Nhóm G7, Nhóm G8, v.v...
Hay TĐBKVN đưa vào rất nhiều trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam (112 trường) nhưng lại không có trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Viện Đại học Mở Hà Nội.
Thứ ba, nhiều từ giải thích sai về sự kiện hoặc nội dung. Ví dụ, ở mục từ Hoa Kỳ (T2, tr.313), có đoạn viết: “Trong chiến tranh thế giới I và II, Hoa Kỳ luôn đứng về phe đồng minh Anh - Pháp chống lại Đức - Ý - Nhật Bản”. Viết như vậy là nhầm lẫn và cẩu thả. Ai cũng biết, trong thế chiến thứ nhất, làm gì có trục Đức- Ý- Nhật. Thay vào đó, chỉ có Đức - Áo - Hung.
Thứ tư, nhiều mục từ viết sơ lược, nội dung nghèo nàn. Chẳng hạn, ở mục từ Tiêu chuẩn hài hoà đa phương (T4, tr.401) TĐBKVN viết: “Tiêu chuẩn được hài hoà giữa hơn hai cơ quan tiêu chuẩn hoá”.
Hoặc, ở mục từ Hệ thống quốc tế đánh số ấn phẩm liên tục, TĐBKVN chỉ mở ngoặc đơn rồi ghi “Viết tắt: ISDS” (T2, tr.259). Mục từ Liên Hợp Quốc cũng chỉ mở ngoặc đơn rồi ghi “Viết tắt UN” (T2, tr.705). “Chỉ viết tắt UN như thế, làm sao độc giả hiểu được” - Ông Kim nói.
Mục từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế chỉ được chú là IAEA (T1, tr.617). Đến mục từ IAEA (A. International Atomic Energy Agency), lại thấy chú là “x. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (T2, tr.428)”.
Xem các mục từ trên, độc giả không biết lịch sử, chức năng, nhiệm vụ, vai trò của tổ chức IAEA là gì. Các nhà từ điển học gọi đây là cách giải thích luẩn quẩn. Hay trong số gần 300 mục từ máy ở tập 2, rất nhiều từ máy không nói rõ người sáng chế, năm công bố phát minh.
“Giải thích như trên coi như chưa có lời giải thích. - Ông Kim nói - Với cách giải thích như thế, có lẽ chính người viết cũng không hiểu chứ đừng nói đến độc giả. Viết như vậy, thà không đưa vào từ điển còn hơn”.
Thứ năm, những mục từ về danh nhân viết khá tuỳ tiện. Có nhân vật nổi tiếng nhưng chỉ được giới thiệu sơ qua, đại khái, độc giả không hiểu được những thành tựu, đóng góp của họ cũng như tại sao họ lại được tôn vinh. Lại có nhân vật chẳng biết quê quán ở đâu, như Đào Văn Tiến (T1, tr.735) mặc dù họ sống ở thời hiện đại.
Thứ sáu, về phiên âm tên riêng nước ngoài. Phiên âm tên người, tên địa lý... trong TĐBKVN rất không thống nhất nếu không muốn nói lộn xộn. Một từ nước ngoài được phiên âm theo hai, ba cách khác nhau, không tuân theo một phương pháp nhất định nào cả, hoàn toàn trái với những điều mà ban biên soạn đề ra trong bảng chỉ dẫn ở ngay đầu sách.
Thí dụ, Owen (Robert) phiên là Âuin R (T1, tr.100) và Ôen. R (T2, tr.358). Hay Malthus (Robert) vừa phiên âm là Mantuýt (T1, tr.509) vừa phiên âm là Manthơt (T4, tr.318).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận