Phóng to |
Ông Trần Thọ Kim: “Bộ sách mang tính lịch sử hơn là hiện đại...” |
Từ điển BKVN: 6 nhóm sai sót điển hình
Bộ từ điển còn nhiều sai sót
Cả đời làm biên tập sách, ông Trần Thọ Kim - nguyên Phó Ban Biên tập, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, cho rằng lẽ ra Từ điển Bách khoa Việt Nam (TĐBKVN) phải là bộ sách mẫu mực về tính chính xác, khoa học song lại chứa đựng quá nhiều sai sót đáng tiếc.
Nội dung nhiều mục từ thiếu tính cập nhật, lạc hậu và cũ kỹ, khiến cho bộ sách mang tính lịch sử hơn là tính hiện đại.
Chúng tôi đến gặp một số chuyên gia khác thuộc các lĩnh vực được đề cập trong TĐBKVN và thấy hầu như ai cũng phàn nàn không điều này thì điều khác. TS Sử học Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học, còn đưa chúng tôi xem bản góp ý chi tiết dài tám trang mà ông gửi cho hội đồng biên soạn TĐBKVN từ năm 2003 mà không được hồi âm. Chỉ tập trung vào các nhân vật và sự kiện lịch sử, TS Đính đã chỉ ra nhiều sai sót, từ quê quán, chức quan, giải thích, đến thời gian.
Trái với nhận xét của độc giả, nhiều thành viên chủ chốt trong hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn TĐBKVN (gọi tắt là HĐQG) lại không cho TĐBKVN có nhiều sai sót và các sai sót, nếu có, cũng không đáng kể. “Tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng TĐBKVN có nhiều sạn”, GS Phạm Như Cương, ủy viên thường trực hội đồng, dứt khoát.
Đem thắc mắc của độc giả đến gặp người đứng đầu HĐQG trong một buổi làm việc không đăng ký trước nội dung, chúng tôi nhận được sự lý giải có thể nói là khá kỳ cục.
GS Hà Học Trạc, Chủ tịch HĐQG, khẳng định không thể có nhiều lỗi như thế vì cả một guồng máy của HĐQG gồm các khoa học gia có uy tín nhất trong các lĩnh vực đều thực hiện đúng quy trình ngặt nghèo đề ra.
Song khi nghe nhắc lại các lỗi trong TĐBKVN mà độc giả nêu ra, ngập ngừng một lát, GS Trạc lại cho những sai sót ấy là nhỏ và khó tránh khỏi do khối lượng công việc quá lớn.
Đầu tiên là chuyện không có đủ người, GS. Trạc tiết lộ. Theo quy chế, HĐQG có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu cấp nhà nước đối với TĐBKVN. Trước khi duyệt, HĐQG đọc lần lượt từng từ mục một, các thành viên xem xét và giơ tay biểu quyết cho từng mục từ.
Song quy định này không thực hiện được vì mất nhiều thời gian và, như nói trên, không có đủ người. “Mỗi tập dài hơn 1.000 trang với xấp xỉ một vạn mục từ. Mỗi mục từ lại có đến bốn hoặc năm khái niệm. Nếu đọc từng từ rồi biểu quyết thì một tập phải mất đến cả tháng trời”, GS Trạc giảng giải, “Hơn thế, nhiều cụ ít đến cơ quan, làm sao mà triệu tập được”.
Vì thế, vẫn theo GS Trạc, quy trình giơ tay biểu quyết từng mục từ được rút ngắn lại. Theo đó, các trưởng ban biên soạn chuyên ngành tập hợp các mục từ khó hiểu hoặc gây tranh cãi rồi đưa ra HĐQG. HĐQG chỉ cho ý kiến về các từ mục khó hiểu, thay vì toàn bộ các mục từ, rồi giao cho ban thường trực sửa chữa, bổ sung. Sau đó chuyển xuống Nhà Xuất bản Từ điển Bách khoa, cơ quan trực thuộc HĐQG, in và phát hành.
Vòng vo
Tại sao vậy? Tại sao mất 17 năm trời mới làm xong bốn tập từ điển lại bảo là không đủ thời gian? Tại sao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép HĐQG tuyển chọn đầy đủ các thành viên, riêng HĐQG gồm 45 thành viên là các nhà khoa học ưu tú nhất, và mời cộng tác viên là các nhà khoa học khắp cả nước mà, cuối cùng, lại không đủ người để dẫn đến nhiều sai sót đáng tiếc?
Chúng tôi đề nghị giải đáp các thắc mắc đó cùng thắc mắc cho rằng quy chế bảo rất chặt chẽ trong biên soạn TĐBKVN thực ra không được tuân thủ trong thực tế, GS Hà Học Trạc đưa ra cách lý giải chưa thuyết phục.
Quy cho không đủ thời gian và nhân lực để có thể biên soạn kỹ hàng vạn mục từ của TĐBKVN, GS Trạc lại thừa nhận rất ít khi tổ chức họp các bộ phận chức năng theo đúng quy định của quy chế. Lý do đơn giản là “không có việc thì không họp”.
Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQG, do đích thân Thủ tướng Phan Văn Khải ký tháng 12/1998, quy định HĐQG mỗi năm họp hai lần (điều 15, chương IV), ban thường trực hai tháng họp một lần (điều 16, chương IV). “Mục đích chính của họp định kỳ không gì khác ngoài việc đảm bảo theo dõi sát tiến độ công việc và xử lý kịp thời các phát sinh trong quá trình biên soạn TĐBKVN”, một thành viên trong HĐQG nói.
Song GS Trạc thừa nhận quy chế về họp hành không thực hiện được. Thậm chí, ngay từ thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng đã ít họp lắm. “Đúng là sai quy chế. Nhưng họp không có nội dung, không đủ người thì họp làm gì”, GS Trạc nói.
Ông cho biết các cuộc họp thường xuyên không có nội dung gì đặc biệt. Thêm vào đó, lần họp nào cũng khuyết vài thành viên. “Nhiều phiên họp hội đồng, các nhà khoa học trong Nam ra rất ít. Tháng 1-2003, chỉ ra có một người. Tháng 1-2005 cũng chỉ có một người ra”, GS Trạc phân giải, “Không có gì mới lại không đủ người, có nhất thiết phải làm theo đúng nguyên tắc”. Ông kết luận: “Nếu họp mà vui và có nội dung thì họp. Còn không chỉ mất thời gian”.
Thế vì sao các thành viên không nhiệt tình tham gia họp theo quy định? Vì sao tham gia biên soạn và hiệu đính toàn các nhà khoa học có tiếng mà vẫn để lọt nhiều lỗi, thậm chí lỗi sơ đẳng? “Nói thật với anh, nhiều vị cao niên, sức khỏe suy giảm, không chỉ ngại đi lại mà còn khó đủ sức đọc duyệt kỹ từng mục từ”, GS Trạc nói.
Không đúng
GS Phạm Như Cương, 76 tuổi, Uỷ viên Thường trực HĐQG, thốt lên: “Chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia mỗi khi triệu tập cuộc họp. Các ủy viên Ban Thường trực, ủy viên HĐQG, và trưởng, phó các ban biên soạn chuyên ngành yêu cầu họp. Còn GS Trạc lại nhất nhất bác bỏ, đặc biệt là hai năm trở lại đây”.
GS Cương viện dẫn Quy chế do Thủ tướng Phan Văn Khải ký, “Nếu có quá một nửa số ủy viên hội đồng hay ít nhất 2/3 số uỷ viên ban thường trực yêu cầu, Chủ tịch HĐQG phải triệu tập phiên họp bất thường. Nhưng chúng tôi để nghị mãi mà GS Trạc không tổ chức”.
“Ông Trần Thọ Kim, nguyên Phó Ban Biên tập sách, NXB Chính trị Quốc gia, nói : “GS Hà Học Trạc có tổ chức họp đâu mà các ủy viên HĐQG đến họp”. Ông Kim cho rằng nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng các cuốn TĐBKVN không tốt là do “Việc biên soạn chẳng có ai đôn đốc, mạnh ai nấy làm, làm xong gần như chẳng có người đọc lại”.
Còn về năng lực các nhà khoa học cao niên, ông Kim dẫn trường hợp của chính mình. Tuổi 72, “trung bình mỗi ngày, tôi có thể đọc và sửa gần 100 trang bản thảo. 250 trang mà người ta khoán cho tôi, tôi làm có ba ngày”. Vừa nói ông vừa lôi tập bản thảo Bách Khoa Thư Hà Nội (của TP Hà Nội biên soạn để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội và hoàn toàn độc lập với bộ TĐBKVN) dày 250 trang ra để trước mặt.
“Tôi nói thế để chứng minh các nhà khoa học trong HĐQG tuổi tuy cao nhưng sức chưa kiệt. Nhiều vị còn rất minh mẫn và nhiệt tình. Mặt khác, nếu đúng là già yếu, với cơ chế và quyền hạn được giao, hoàn toàn có thể thay hoặc bổ sung lớp trẻ”.
Cùng quan điểm với ông Kim, một số thành viên HĐQG mà chúng tôi gặp nhất trí, dù một tháng chứ nhiều hơn nữa họ sẵn sàng tham gia để hiệu đính TĐBKVN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận