25/01/2006 09:30 GMT+7

Người con gái của đường phượng bay

NGUYỄN TRƯỜNG UY
NGUYỄN TRƯỜNG UY

TTXUÂN - Tháng 12-2005, người con gái Huế tên A. ấy trở lại Sài Gòn thăm mẹ. Trong căn nhà của mẹ chị ở quận 10, cũng như mọi lần về VN, chị lại có những đêm gần sáng hát nhạc của Trịnh Công Sơn cùng người thân. Những bài tình ca hát lên là quay quắt những kỷ niệm.

9hBkljGe.jpgPhóng to
Trịnh Công Sơn
TTXUÂN - Tháng 12-2005, người con gái Huế tên A. ấy trở lại Sài Gòn thăm mẹ. Trong căn nhà của mẹ chị ở quận 10, cũng như mọi lần về VN, chị lại có những đêm gần sáng hát nhạc của Trịnh Công Sơn cùng người thân. Những bài tình ca hát lên là quay quắt những kỷ niệm.

Nghe A. đọc thư Trịnh Công Sơn

A. nhớ Huế. Nơi ấy, mấy chục năm trước, đêm đêm chị trốn cậu (ba của chị) rời nhà đi qua cầu Phủ Cam về Bến Ngự thăm anh Sơn, rồi anh tiễn chị về, đi theo con đường bên kia sông có hai hàng phượng chụm đầu vào nhau. Anh gọi đó là đường phượng bay, con đường tình yêu của anh, con đường nhớ nhung một đời của chị. Con đường mà bắt đầu từ đó, trong hơn một nửa sáng tác của anh để cho đời đều có hình bóng chị, người mà anh chỉ gọi bằng một từ lúc nào cũng được viết hoa trong nhạc của anh: Em.

A. là người con gái trong Như cánh vạc bay, Hạ trắng, Mưa hồng..., của Tình nhớ, Tình sầu, Tình xa... Chị kể rằng trong những năm tháng ở gần anh Sơn, chị chưa bao giờ hỏi anh bài nào anh viết cho chị, bài nào là hình bóng của chị. Anh cũng chưa bao giờ nói với chị rằng bài nào anh viết về chị, bài nào Em đấy chính là chị.

Duy có một lần, đưa chị đến chơi nhà một người bạn, anh giới thiệu với bạn rằng chị là người con gái trong hơn một trăm bài hát của anh. Mọi người nhìn chị, ai cũng hiểu đó là sự thật, bởi ngoài đời cũng như trong nhạc của anh, chị đẹp nền nã, đẹp từ người, từ nết cho đến tên: N.V.D.A..

qcKQUFIH.jpgPhóng to

“A. bảo anh viết thật dài cho A., nhưng những dòng chữ không thể dài bằng nỗi nhớ được. Nỗi nhớ đã đi qua hết quãng đời dài hơn hai mươi năm. Đi từ Huế lên Đà Lạt về Sài Gòn và âm ỉ như một dòng nước ngầm không quên lãng”.

Một lần anh viết thư cho chị như thế. Chị nhớ những lá thư anh gửi từ Blao về Sài Gòn cho chị bao giờ cũng dày đến độ giấy nứt ra, bởi trong đó có nhiều hoa khô ép....

Đã có nhiều người phụ nữ muốn cho mọi người biết họ từng là một phần đời của Trịnh Công Sơn. A. không muốn vậy. Chị muốn chỉ là chị, là em gái ruột của Diễm - người con gái đi qua con đường có hàng hoa long não li ti ở Huế và đi qua một phần ký ức ngắn của anh. Diễm đã có một đời sống khác, hạnh phúc. Chị cũng đã có một đời sống khác, về VN lần này cũng là lúc con trai chị mừng sinh nhật tuổi 34.

Sg0TYoLf.jpgPhóng to
Trịnh Công Sơn

Nghĩ rằng sẽ thật ích kỷ nếu chị cứ giữ mãi những cái riêng ngày xưa với Trịnh Công Sơn mà bây giờ đã là cái chung của rất nhiều người, A. làm album Lời của dòng sông với số lượng thật ít chỉ để tặng bạn bè.

“Không hiểu A. sẽ có giọt nước mắt nào nhỏ lên mộ phần của anh. A. sẽ có lời nguyện cầu nào cho một lần anh vắng mặt. Ôi nếu một ngày nào sự sống mình đã tắt thì anh cũng đã mang theo luôn những gì đã một lần vong thân trong anh” - thư anh Sơn viết cho chị như thế, chị đọc lại thật buồn trong album.

Tên A. anh viết trong thư được chị xóa đi, để không ai biết đến chị, để chị mãi là lặng lẽ, để mọi người chỉ biết rằng Trịnh Công Sơn đã từng có một tình yêu mấy mươi năm trong đời.

Người con gái của đường phượng bay ấy cũng nghĩ rằng rồi đến lúc chị sẽ phải thôi không còn giữ những lá thư của anh viết cho chị nữa. A. sẽ chỉ còn giữ riêng cho mình “lời hẹn thề là những cơn mưa”, những lời hẹn thề cứ day dứt mãi trong đời người như những cơn mưa xứ Huế rả rích theo tháng ngày...

NGUYỄN TRƯỜNG UY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên